Tiến sĩ Thái Quốc Hiếu - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Tiền Giang cho biết, Chi cục đang triển khai mô hình nuôi vịt biển trên địa bàn các huyện phía Đông của tỉnh nhằm đa dạng hóa đối tượng vật nuôi, thích ứng biến đổi khí hậu, góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân ven biển.
Mô hình chăn nuôi vịt biển thí điểm tại 2 xã Phú Đông và Phú Tân (huyện Tân Phú Đông). Khi tham gia mô hình, người chăn nuôi được hỗ trợ 100% giống, 25% tiền thức ăn (vịt từ 1 ngày tuổi đến 20 tuần tuổi) và hỗ trợ 25% thuốc sát trùng.
Giống vịt biển 15 (gọi tắt là vịt biển) là sản phẩm do Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên (thuộc Viện Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nghiên cứu và chọn tạo thành công. Hiện nay, giống vịt biển 15 được chăn nuôi hiệu quả tại nhiều tỉnh có môi trường biển bởi tính năng thích nghi với nhiều loại môi trường nước nên thích nghi với biến đổi khí hậu; sinh trưởng nhanh, đẻ sai; chất lượng thịt, trứng thơm ngon.
Bà Đỗ Thị Kim Hiếu, ấp Rãnh, xã Phú Đông, một trong những hộ tham gia mô hình cho biết, loại vịt biển này chịu được nguồn nước mặn, tỷ lệ hao hụt thấp và tăng trọng nhanh. Do uống nước mặn và sống được ở những nơi có độ mặn cao, loại vịt này thích nghi được với thời tiết khắc nghiệt của vùng biển là thiếu nước ngọt vào mùa khô hàng năm. Mô hình nuôi loài vịt này không cần vốn đầu tư nhiều, có thể tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên giàu dưỡng chất, khả năng tự săn mồi rất tốt.
Theo Tiến sĩ Thái Quốc Hiếu, giống vịt biển này là loại thủy cầm có giá trị kinh tế cao, sinh trưởng nhanh, chống chịu dịch bệnh tốt, thích nghi được ở môi trường nước lợ, mặn ở địa phương nên có thể sống tại các vùng cửa sông, cửa biển và bãi biển. Mô hình này đang mở ra triển vọng cho nông hộ trong việc đa dạng hóa loại vật nuôi, phù hợp với biến đổi khí hậu diễn biến cực đoan như hiện nay.
Hữu Chí