Hiện tại, Đồng Tháp đã hình thành mô hình liên kết sản xuất tập trung với 05 tổ hợp tác chăn nuôi vịt rọ, với 26 thành viên với tổng đàn vịt là trên 154 nghìn con, sản lượng trứng bình quân/đêm khoảng trên 128 nghìn trứng. Ảnh: Chương Đài - TTXVN
|
Ông Huỳnh Tất Đạt - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, Đồng Tháp hiện là địa phương có tổng đàn vịt lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tập trung phần lớn tại các huyện Cao Lãnh, Thanh Bình, Tam Nông, Tháp Mười, Hồng Ngự. Năm 2019, đàn vịt của tỉnh là 6,8 triệu con, với sản lượng trên 273 triệu trứng và sản lượng thịt hơi xấp xỉ 9.000 tấn/năm. Năm 2020, Đồng Tháp sẽ phát triển tổng đàn vịt là 7,5 triệu con, sản lượng 291 triệu trứng. Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Tấn Đạt, ngành hàng vịt đang đối diện với những khó khăn nhất định, nhiều hộ chăn nuôi thiếu tiềm lực kinh tế đầu tư chuồng trại theo hướng an toàn sinh học và theo chuẩn VietGAP. Mặt khác, trên địa bàn chưa có doanh nghiệp đầu tư sản xuất, cung ứng con giống chất lượng cao, an toàn dịch bệnh cho người chăn nuôi. Trong khi đó, lợi thế của vịt chạy đồng ngày càng mất dần do nguồn thức ăn trên đồng ruộng suy giảm, sản phẩm trứng vịt chạy đồng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Nông dân chưa tìm được doanh nghiệp đủ mạnh xây dựng chuỗi khép kín từ khâu sản xuất giống, vật tư đầu vào, chăn nuôi, chế biến và phân phối sản phẩm đầu ra đến tay người tiêu dùng. Từ đó, dẫn đến việc nông dân lao đao, thậm chí thua lỗ.
Mô hình chăn nuôi vịt rọ của ông Phạm Văn Mướt, Tổ hợp tác chăn nuôi vịt rọ xã Phú Thành B, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Chương Đài - TTXVN |
Thời gian qua, người chăn nuôi vịt đã từng bước thay đổi tập quán chạy đồng trong chăn nuôi vịt vốn không an toàn về dịch bệnh, vệ sinh thực phẩm. Hiện tại, Đồng Tháp đã hình thành mô hình liên kết sản xuất tập trung gồm 5 tổ hợp tác chăn nuôi vịt rọ, với 26 thành viên, tổng đàn vịt trên 154 nghìn con, sản lượng trứng bình quân/đêm khoảng trên 128 nghìn trứng. Một số hộ cũng ý thức tạo được chuỗi liên kết cung ứng - sản xuất - tiêu thụ với sự tham gia của các công ty cung ứng về thức ăn, thuốc thú y, công ty thu mua sản phẩm trứng vịt. Điều này làm giảm đáng kể các chi phí trung gian; tham gia chuỗi truy xuất nguồn gốc trứng vịt khi tham gia vào thị trường Thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt, tỉnh đã xây dựng cơ sở chăn nuôi vịt trứng đạt chứng nhận VietGAP đầu tiên của Đồng bằng sông Cửu Long. Theo bà Phạm Thị Huân - Tổng Giám đốc Công ty Ba Huân, trứng vịt xuất khẩu là mặt hàng có tiềm năng khá cao. Trứng vịt tại Đồng Tháp có chất lượng tốt, nguồn nguyên liệu dồi dào song người nuôi cần tham gia chuỗi nuôi an toàn, xem chất lượng là điều quan trọng nhất để hướng tới phát triển, lâu dài, bền vững. Thêm vào đó, cần kiểm soát nguồn thức ăn đầu vào, hạn chế hàm lượng chất tạo màu tồn tại trong trứng. Để chung tay giảm rủi ro cùng với nông dân, đơn vị sẽ khởi động chương trình liên kết cung cầu giữa công ty với các hộ chăn nuôi vịt lấy trứng theo hướng an toàn sinh học trong giữa tháng 3/2020.
Ký kết liên kết, tiêu thụ trứng vịt giữa Công ty Ba Huân và Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Chương Đài - TTXVN |
Ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, việc ký kết tiêu thụ sản phẩm trứng vịt với Công ty Ba Huân đã mở ra hướng mới trong tiêu thụ ổn định mặt hàng gia cầm cho nông dân, nhất là thời điểm tiêu thụ khó khăn như hiện nay, giúp nông dân an tâm trong sản xuất. Qua đó, tỉnh từng bước xây dựng chuỗi ngành hàng chăn nuôi bền vững. Với mục tiêu phát triển ngành chăn nuôi vịt thành một ngành sản xuất chiến lược của tỉnh, có quy mô lớn, tập trung, bền vững, khai thác hết phụ phẩm tạo ra giá trị gia tăng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, Đồng Tháp sẽ phát triển hình thức nuôi tập trung khép kín, chăn nuôi an toàn sinh học để đảm bảo về quy mô, chất lượng, an toàn dịch bệnh. Tỉnh cũng kêu gọi doanh nghiệp đầu tư Trung tâm sản xuất giống gia cầm cấp bố mẹ phục vụ sản xuất đạt tiêu chuẩn và an toàn. Ngoài ra, tỉnh cũng nghiên cứu, xây dựng chính sách đặc thù phát triển ngành hàng vịt, tạo điều kiện hỗ trợ người dân xây dựng mô hình chăn nuôi đạt chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, góp phần tăng khả năng cạnh tranh.
Chương Đài