Chiều 30/9, UBND huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức Ngày hội hồng không hạt Bảo Lâm năm 2022. Đây là một trong những hoạt động góp phần nâng cao hiệu quả truyền thông trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, thương lái và người tiêu dùng hiểu rõ hơn về sản phẩm hồng không hạt Bảo Lâm; đồng thời mở rộng giao lưu văn hóa, hợp tác phát triển kinh tế, thúc đẩy hoạt động du lịch gắn với liên kết tiêu thụ nông sản vùng miền…
Theo Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc Nguyễn Duy Anh, những năm qua, cùng với việc phát triển các vùng cây ăn quả, cây hồng không hạt Bảo Lâm tiếp tục được huyện Cao Lộc ưu tiên đầu tư mở rộng diện tích và xác định là một trong những cây trồng chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Cây hồng không hạt Bảo Lâm là loại nông sản sản đặc hữu rất phù hợp trồng ở khu vực địa lý có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu như huyện Cao Lộc.
Đến nay, cây hồng không hạt Bảo Lâm đã phát triển, nhân rộng tập trung tại 10 xã, thị trấn trong huyện với tổng diện tích vùng trồng trên 460 ha, diện tích cho thu hoạch trên 250 ha. Tổng sản lượng 3 năm gần đây ước đạt 1.300 - 1.500 tấn, doanh thu cho các hộ trồng trên địa bàn huyện từ 60 - 70 tỷ đồng/năm, có hộ đạt doanh thu từ 400 - 500 triệu đồng/năm.
Hồng không hạt Bảo Lâm có đặc trưng riêng như: quả thuôn dài, có từ 4 - 6 rãnh dọc, tai quả nhỏ, mặt cắt ngang của quả có hình hoa thị 8 – 12 cánh đều nhau, đặc biệt là thịt quả giòn, có bột cát mịn, vị ngọt đậm, thơm khác hẳn giống cây hồng không hạt trồng ở địa phương khác.
UBND huyện Cao Lộc đã chỉ đạo quyết liệt chuyển dịch cơ cấu vùng sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng hàng hóa, tiến tới tạo thu nhập ổn định cho người dân; cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn đã tích cực vận động nhân dân phát triển vùng trồng cây ăn quả, đặc biệt là cây hồng không hạt Bảo Lâm theo hướng nâng cao năng xuất, tăng giá trị, thu nhập cho nhân dân và làm giàu bền vững.
Trong những năm gần đây, cây hồng không hạt Bảo Lâm đã được áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc nên cải thiện đáng kể về năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo tiền đề để các tổ chức, cá nhân phát triển thương hiệu, từng bước sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap - ông Nguyễn Duy Anh chia sẻ.
Từ năm 2012, hồng không hạt Bảo Lâm nằm trong Top 50 loại quả đặc sản của Việt Nam, được thị trường tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến và ưa chuộng. Hồng không hạt Bảo Lâm đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận bảo hộ Chỉ dẫn địa lý.
Hiện nay, huyện Cao Lộc đã phối hợp với Sở Khoa học công nghệ tỉnh hoàn thiện hồ sơ đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ triển khai mở rộng vùng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm này.
Trong khuôn khổ chuỗi sự kiện đã diễn ra các hoạt động thi vườn hồng, thi trưng bày các gian hàng sản phẩm đặc trưng, hội nghị kết nối giao thương giữa các đơn vị tiêu thụ nông sản với doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà vườn trên địa bàn.
Nguyễn Quang Duy