Quảng Ninh bảo tồn và phát triển bền vững cây trà hoa vàng

Quảng Ninh bảo tồn và phát triển bền vững cây trà hoa vàng
Cây trà hoa vàng còn có tên gọi khác là kim hoa trà, trà trường thọ, trà rừng… Ảnh: caythuoc.org
Cây trà hoa vàng còn có tên gọi khác là kim hoa trà, trà trường thọ, trà rừng… Ảnh: caythuoc.org
Trà hoa vàng vốn là loại cây mọc tự nhiên trong rừng ở Ba Chẽ có từ rất lâu, nhưng phải đến gần đây, giá trị đích thực của cây trà hoa vàng mới được biết đến. Theo nghiên cứu của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Ơn - Trường Đại học Dược Hà Nội, hoa và lá trà có nhiều tác dụng bảo vệ sức khỏe, nâng cao sức đề kháng, ngăn ngừa bệnh tật… Tại Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Ơn trực tiếp truyền đạt 3 chuyên đề trọng tâm, gồm: Tổng quan về cây trà hoa vàng; bảo tồn, trồng cây trà hoa vàng; công tác nghiên cứu phát triển sản phẩm và xây dựng chuỗi giá trị trà hoa vàng Ba Chẽ. Các đại biểu thống nhất với công tác bảo tồn nguồn gen; nhân giống bằng phương pháp giâm hom, lấy mắt ghép; đa dạng hóa các sản phẩm xây dựng vườn trà để phục vụ tham quan, trải nghiệm, du lịch sinh thái; chế biến dược tính trong đồ ăn, đồ uống, sản phẩm chăm sóc gia đình từ sản phẩm trà hoa vàng... Nhiều đại biểu cho rằng, cần thống nhất thành lập công ty chung hoặc hiệp hội với sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trồng trà hoa vàng trên địa bàn huyện Ba Chẽ, nhằm tăng sản lượng, đảm bảo chất lượng, đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá, khẳng định thương hiệu, tìm thị trường tiêu thụ các sản phẩm trà hoa vàng Ba Chẽ. Hội thảo lần này đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng, phổ biến kiến thức, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ cho các doanh nghiệp, bà con nông dân trong việc trồng, chế biến, sản xuất, kinh doanh sản phẩm trà hoa vàng, bảo vệ nguồn dược liệu quý; tạo nguồn lực nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân địa phương. Qua đó, nhân rộng diện tích, góp phần nâng tầm giá trị thương hiệu trà hoa vàng hướng tới là một trong 6 sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, tiếp tục xây dựng Ba Chẽ thành vùng dược liệu của tỉnh Quảng Ninh. Theo quy hoạch xác định đến năm 2020, toàn huyện Ba Chẽ sẽ trồng 3.000 ha cây dược liệu, trong đó có 500 ha trà hoa vàng. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, đến nay, Ba Chẽ có diện tích trồng trà hoa vàng lớn nhất tỉnh với hơn 167 ha; trà hoa vàng Ba Chẽ đã được công nhận là sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm); đạt tiêu chuẩn 4 sao, trong đó sản phẩm hoa trà hoa vàng được công nhận là sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao. Từ năm 2016 đến nay, huyện Ba Chẽ thường niên tổ chức lễ hội Trà hoa vàng nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá, giới thiệu các sản phẩm thương hiệu của huyện; thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế địa phương và thực hiện chủ trương của UBND tỉnh Quảng Ninh về xây dựng chương trình OCOP; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, tăng cường hợp tác, kết nối và nâng cao chất lượng hiệu quả sản phẩm thương hiệu địa phương.
Văn Đức

Có thể bạn quan tâm