Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Năm 1954, thực hiện Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, Bác Hồ, Trung ương Đảng và Chính phủ đã chủ trương lựa chọn một số con em cán bộ, chiến sỹ, gia đình cách mạng ở miền Nam đưa ra miền Bắc nuôi dạy để bảo vệ, gìn giữ, đào tạo, bồi dưỡng những “hạt giống đỏ” cho sự nghiệp cách mạng của đất nước. Chủ trương đó là tầm nhìn xa, trông rộng của Bác Hồ, của Đảng và Nhà nước ta, tầm nhìn chiến lược về chính trị, về công tác cán bộ và đào tạo nhân tài cho ngày thống nhất Bắc - Nam sum họp một nhà, xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh, sánh vai cùng các cường quốc năm châu.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với các đại biểu dự Lễ kỷ niệm. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN |
Chủ tịch nước cũng khẳng định: Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc là một trong những mô hình giáo dục thành công nhất của nền giáo dục, đào tạo cách mạng nước ta. Thành tựu to lớn, rất đáng tự hào của các trường học sinh miền Nam là trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, thiếu thốn, chiến tranh ác liệt, nhưng vẫn có chất lượng giáo dục toàn diện, đã cung cấp cho đất nước một đội ngũ cán bộ đông đảo với chất lượng cao. Rất nhiều anh, chị em được nuôi dạy ở các trường học sinh miền Nam đã tham gia trực tiếp vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc. Nhiều người, đã anh dũng hy sinh, hay đã để lại một phần máu thịt, tuổi trẻ của mình trên các chiến trường. Khi đất nước thống nhất, phần lớn học sinh miền Nam theo lời căn dặn của Bác Hồ đã trở về xây dựng quê hương, có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Xã hội chủ nghĩa.