Cà Mau đặt mục tiêu đến năm 2025 cấp từ 120-130 mã số vùng trồng

Cà Mau đặt mục tiêu đến năm 2025 cấp từ 120-130 mã số vùng trồng

Nhằm chủ động trong định hướng phát triển một nền nông nghiệp cạnh tranh, ngay từ cuối năm 2022, UBND tỉnh Cà Mau đã phê duyệt kế hoạch “Thiết lập, quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn năm 2023-2025”. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh cấp từ 120-130 mã số vùng trồng và 1-2 cơ sở đóng gói trên cây lúa; 5-10 mã số vùng trồng và 1-3 cơ sở đóng gói đối với rau màu và cây ăn trái; cấp từ 2-3 mã số vùng trồng và 1-2 cơ sở đóng gói đối với cây dược liệu…

Theo các chuyên gia, hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới có quy định bắt buộc, trái cây tươi từ các nước khác muốn xuất khẩu vào nước sở tại phải được cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói. Thêm vào đó, người tiêu dùng trong nước cũng đòi hỏi nhu cầu ngày càng cao hơn việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Do vậy, việc xây dựng và cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói không chỉ là cơ sở để truy xuất nguồn gốc nông sản, kiểm soát sản xuất gắn theo quy trình an toàn mà còn được xem như “giấy thông hành” giúp nông sản có thể đi xa, thâm nhập sâu vào các thị trường khó tính khác.

Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát sinh vật gây hại; truy xuất nguồn gốc nông sản. Vùng trồng có thể gồm một hay nhiều điểm sản xuất, bảo đảm nguyên tắc sản xuất tập trung, sử dụng thống nhất một quy trình sản xuất, một quy trình quản lý sinh vật gây hại, có nhật ký canh tác ghi chép chi tiết các hoạt động tác động lên cây trồng.

Theo kỹ sư Nguyễn Trần Thức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau đánh giá, việc xây dựng mã số vùng trồng không chỉ giúp nông sản đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao của nước nhập khẩu mà còn định hình quy trình sản xuất theo một chuẩn nhất định, giúp nông dân ý thức được vấn đề sản xuất liên quan chặt chẽ đến chất lượng và giá thành.

“Một số quốc gia yêu cầu nông sản của phía Việt Nam phải có mã số vùng trồng mới được phép xuất khẩu sang các nước này, như: Hoa Kỳ, Australia, Trung Quốc… Các nước nhập khẩu có thể sang Việt Nam để kiểm tra đột xuất bất kỳ lúc nào đối với các vùng trồng đã được cấp mã số, về tình hình sản xuất, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm”, kỹ sư Nguyễn Trần Thức thông tin, đồng thời cho biết thêm, hiện địa phương cơ bản đã chuẩn bị xong mọi điều kiện để tổ chức triển khai ngay trong quý I năm 2023. Theo đó, địa phương sẽ tập trung ưu tiên cho các tổ chức, cá nhân chủ động đăng ký và các xã đăng ký xây dựng nông thôn mới nâng cao; hướng dẫn thiết lập, nộp hồ sơ và kiểm tra đánh giá ngay trong quý II đối với các loại cây trồng khác ngoài lúa; đối với cây lúa, thực hiện ngay sau khi tổ chức sản xuất các vụ lúa.

Cà Mau từ lâu được biết đến là địa phương có nhiều thế mạnh về lĩnh vực trồng trọt, đặc biệt là cây lúa, để có thể triển khai xây dựng và cấp mã số vùng trồng. Chỉ tính riêng năm 2022, với diện tích gieo trồng lúa đạt gần 111.000 ha, đã mang về tổng sản lượng lúa gần 544.000 tấn. Thời gian qua, tỉnh đang tập trung phát triển sản xuất lúa theo mô hình liên kết xây dựng vùng nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm lúa an toàn và lúa hữu cơ. Tỉnh đã xây dựng vùng nguyên liệu lúa hữu cơ theo chuỗi giá trị trên đất lúa - tôm 795,5 ha, liên kết tiêu thụ sản xuất lúa hữu cơ với 4 công ty và 9 hợp tác xã. Ngoài ra, đã xây dựng vùng sản xuất rau an toàn, rau theo hướng VietGAP, vùng sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGAP…

Ðể triển khai xây dựng, thiết lập mã số vùng trồng đạt hiệu quả cao nhất, kỹ sư Nguyễn Trần Thức cho biết, đơn vị đã xây dựng và sẽ triển khai quyết liệt các cuộc hội thảo, mở các lớp tập huấn để tuyên truyền, hướng dẫn cho cán bộ thuộc sở, ngành tỉnh, các huyện và các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân các nội dung có liên quan đến mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.

Ðồng thời, tổ chức và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói của các tổ chức, cá nhân để kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn thực hiện đúng theo các quy định; trong đó, tập trung yếu tố tổ chức sản xuất tập trung, sử dụng thống nhất một quy trình sản xuất, quy trình quản lý sinh vật gây hại, nhật ký canh tác ghi chép chi tiết các hoạt động tác động lên cây trồng... để những sản phẩm nông sản từ các vùng được cấp mã số luôn đạt chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường và giá thành cao nhất.

Huỳnh Anh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm