Tỉnh ủy Cà Mau xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Việc xây dựng nông thôn mới phải đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả, không chạy theo thành tích, đảm bảo tiêu chí quy định, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của địa phương; gắn xây dựng nông thôn mới với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn và quá trình đô thị hóa hiệu quả, bền vững.
Tỉnh xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm vệ sinh môi trường, cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Công tác xây dựng nông thôn mới đảm bảo phát triển hài hòa, đồng bộ cả nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ gắn với cơ cấu lao động, tạo việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho người dân và dân cư nông thôn; quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên...
Cà Mau đề ra mục tiêu đến năm 2025, có 80% trở lên số xã đạt chuẩn nông thôn mới (tương đương 66/82 xã); trong đó 30% trở lên số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (tương đương 20/66 xã). Trong số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có 10% đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (tương đương 2/20 xã), không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí. 30% trở lên đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (tương đương 3/9 đơn vị cấp huyện, thành phố).
Đến năm 2030, tỉnh có 90% trở lên số xã đạt chuẩn nông thôn mới (tương đương 74/82 xã); trong đó, có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (tương đương 37/74 xã). Trong số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có 20% đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (tương đương 7/37 xã). 70% trở lên đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (tương đương 6/99 đơn vị cấp huyện); trong đó phấn đấu hai huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Để thực hiện hoàn thành tốt các mục tiêu xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn mới, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nâng cao trách nhiệm, sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trong xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt là xây dựng, triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình số 28-CTr/TU, ngày 20/7/202 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp đột phá phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030 và định hướng đến năm 2050.
Giải pháp quan trọng, đó là tập trung tuyên truyền để doanh nghiệp, người dân nhận thức được vai trò chủ thể, đồng lòng chung tay, chung sức tích cực tham gia thực hiện xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Cà Mau chung sức xây dựng nông thôn mới”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; nhân rộng các mô hình hiệu quả, các điển hình tiên tiến, các kinh nghiệm và cách làm hay, sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới.
Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau đề nghị cấp ủy, các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển sản xuất các sản phẩm chủ lực của địa phương theo liên kết chuỗi giá trị; triển khai mạnh mẽ hơn Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); thực hiện mạnh mẽ chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ trong phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn. Củng cố tổ chức bộ máy, hệ thống quản lý, tham mưu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới các cấp theo hướng chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa, nhất là cấp huyện và cơ sở; khẩn trương cụ thể hóa, ban hành quy định, hướng dẫn thực hiện các bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới để triển khai thực hiện.
Tỉnh Cà Mau tập trung rà soát quy hoạch các ngành, lĩnh vực trong khuôn khổ quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng huyện, làm cơ sở rà soát, điều chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn mới cấp xã phù hợp với đặc điểm, điều kiện của địa phương và quy định của Bộ tiêu chí mới; xây dựng kế hoạch, xác định lộ trình đầu tư hạ tầng kinh tế, xã hội ở nông thôn theo quy hoạch, phù hợp với khả năng huy động nguồn lực đầu tư công, tích cực huy động nguồn lực xã hội để tham gia đầu tư hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội; triển khai đồng bộ các giải pháp giữ vững ổn định quốc phòng, an ninh, bài trừ tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh nông thôn.
Tỉnh Cà Mau hiện có 54/82 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 65,8%); trong đó có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; đạt bình quân 16,5 tiêu chí/xã (năm 2010 bình quân 3,5 tiêu chí/xã). Riêng thành phố Cà Mau là đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới tỉnh Cà Mau giai đoạn 2011 - 2015 và những năm tiếp theo chưa đạt mục tiêu Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy đề ra. Bên cạnh vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy đảng, chính quyền, từng lúc, từng nơi chưa sâu sát, thiếu kỳ quyết, hiệu quả thấp, còn có nguyên nhân do công tác tuyên truyền, vận động có lúc chưa được quan tâm đúng mức; nhận thức về xây dựng nông thôn mới của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân một số nơi chưa cao, có tâm lý trông chờ vào sự đầu tư của nhà nước, còn thờ ơ với công tác xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, chất lượng các tiêu chí nông thôn mới ở một số xã chưa cao, thiếu bền vững; kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, thương mại ở nông thôn phát triển chưa nhiều; chất lượng, hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa cao; thiết chế văn hóa ấp, xã ở một số nơi chưa phát huy hiệu quả; một số địa phương thiếu quan tâm củng cố, nâng chất các tiêu chí sau khi đạt chuẩn nông thôn mới.
Kim Há