Bình Thuận chú trọng phát huy hiệu quả Chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm lợi thế địa phương

Tem chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Thanh long Bình Thuận” tại Nhật Bản (phải). Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN
Tem chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Thanh long Bình Thuận” tại Nhật Bản (phải). Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Sáng 22/8, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Thuận tổ chức Hội nghị thúc đẩy phát triển thị trường và thương hiệu Chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” dành cho quả thanh long và Chỉ dẫn địa lý “Phan Thiết” cho sản phẩm nước mắm.

Bình Thuận chú trọng phát huy hiệu quả Chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm lợi thế địa phương ảnh 1Tem chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Thanh long Bình Thuận” tại Nhật Bản (phải). Ảnh: Nguyễn Thanh - TTXVN

Xác định việc xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý là một chiến lược để tăng cường khả năng cạnh tranh thương mại, tạo dựng được hình ảnh, uy tín và thương hiệu cho sản phẩm đặc trưng, lợi thế, những năm qua, tỉnh Bình Thuận thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn để các tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh thực hiện các thủ tục cấp Giấy chứng nhận sử dụng chỉ dẫn địa lý. Cùng với đó, việc kiểm soát chất lượng quả thanh long, nước mắm mang chỉ dẫn địa lý được thực hiện nghiêm ngặt.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ, Bình Thuận hiện là địa phương có diện tích sản xuất thanh long lớn nhất cả nước. Năm 2006, Bình Thuận là tỉnh đầu tiên được Cục Sở hữu trí tuệ cấp đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa (chỉ dẫn địa lý) cho sản phẩm Thanh long Bình Thuận. Không chỉ được bảo hộ trong nước, Thanh long Bình Thuận còn được bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý tại các nước trong khối Liên minh châu Âu theo Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. Ngoài ra, nhãn hiệu “Bình Thuận Dragon Fruit” đã được 14 nước bảo hộ.

Cùng với thanh long, nước mắm cũng là sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý “Phan Thiết”. Ngoài được bảo hộ trong nước, đến nay nhãn hiệu “Phan Thiết” đã được 3 quốc gia bảo hộ gồm Hoa Kỳ, Thái Lan và Campuchia. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 38 nhãn hiệu cộng đồng được bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Ông Nguyễn Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh cho biết, hiện nay quá trình xây dựng thương hiệu, quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm địa phương còn nhiều khó khăn, bất cập... Phần lớn các doanh nghiệp tập trung sản xuất chưa xác định được thị trường xuất khẩu, quá trình sản xuất tại các doanh nghiệp hiện nay chưa đáp ứng được các rào cản thương mại và rào cản kỹ thuật khi đi ra thị trường quốc tế. Vì vậy, xuất khẩu trực tiếp đối với các doanh nghiệp tại Bình Thuận hiện rất ít, phần lớn xuất sang một thị trường trung gian nên các đối tác của các nước xuất khẩu không yêu cầu phải sử dụng tem chỉ dẫn địa lý (trên sản phẩm và bao bì đựng sản phẩm). Bên cạnh đó, nhận thức của các tổ chức, cá nhân về vai trò, ý nghĩa chỉ dẫn địa lý chưa cao; giá trị của sản phẩm mang và không mang chỉ dẫn địa lý như nhau; hầu hết các doanh nghiệp chưa thấy được lợi ích lâu dài của chỉ dẫn địa lý… là những nguyên nhân khiến việc xây dựng, phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chưa được như ý.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm khai thác, quản lý, phát triển chỉ dẫn địa lý sản phẩm nông nghiệp và vận dụng cho sản phẩm Thanh long Bình Thuận và Nước mắm Phan Thiết. Đây cũng là dịp để các chuyên gia, nhà quản lý và tổ chức, cá nhân cùng chia sẻ trao đổi giải pháp hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp trong tỉnh phát triển thương hiệu và nâng cao giá trị cho nông sản Bình Thuận.

Theo ông Trần Giang Khuê, Phó trưởng Văn phòng đại diện phía Nam, Cục Sở hữu trí tuệ, để phát huy ý nghĩa, giá trị của việc bảo hộ sở hữu trí tuệ cần triển khai công tác quản lý và khai thác giá trị của các đối tượng sở hữu trí tuệ sau khi được bảo hộ. Các đặc sản truyền thống, sản phẩm luôn gắn liền với địa danh, vùng sản xuất rất cần sự quan tâm của chính quyền địa phương trong quá trình tổ chức quản lý và khai thác giá trị quyền sở hữu trí tuệ.

Tại Hội nghị, ứng dụng giải pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm góp phần đổi mới phương thức trong sản xuất và thương mại bền vững; lộ trình chuyển đổi số trong nông nghiệp; phương pháp đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử và mạng xã hội… cũng là những vấn đề được quan tâm.

Hồng Hiếu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm