Bình Thuận phát huy hiệu quả Chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc thù

Tem chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Thanh long Bình Thuận” tại Nhật Bản (phải). Nguyễn Thanh - TTXVN
Tem chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Thanh long Bình Thuận” tại Nhật Bản (phải). Nguyễn Thanh - TTXVN

Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản gắn với đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý đã và đang trở thành một định hướng quan trọng nhằm gia tăng giá trị, khẳng định thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản của Bình Thuận. Đây được xem là công cụ cần thiết, quan trọng để khẳng định chất lượng, uy tín cho các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, đặc trưng của tỉnh.

Bình Thuận phát huy hiệu quả Chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc thù ảnh 1Tem chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Thanh long Bình Thuận” tại Nhật Bản (phải). Nguyễn Thanh - TTXVN

Chỉ dẫn địa lý - “Chìa khóa” chinh phục thị trường khó tính

Với diện tích gần 30.000 ha, thanh long được biết đến là một trong những đặc sản của tỉnh Bình Thuận và của Việt Nam. Hiện sản phẩm được tiêu thụ ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Với riêng thị trường xuất khẩu, thanh long Bình Thuận chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc (chiếm 95%), còn lại được xuất sang các thị trường như Mỹ, Hàn Quốc, Australia…

Năm 2006, Bình Thuận là tỉnh đầu tiên được Cục Sở hữu trí tuệ cấp đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa (Chỉ dẫn địa lý) cho sản phẩm thanh long Bình Thuận. Không chỉ được bảo hộ trong nước, thanh long Bình Thuận còn được bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý tại các nước trong khối Liên minh châu Âu theo Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu.

Và mới nhất là Nhật Bản, một trong những thị trường “khó tính” nhất hiện nay. Sau gần 3 năm nộp hồ sơ đăng ký với nhiều thủ tục rất phức tạp, thanh long Bình Thuận được chính thức bảo hộ tại Nhật Bản. Nhãn hiệu “Bình Thuận Dragon Fruit” đã được 14 quốc gia, vùng lãnh thổ bảo hộ như Hoa Kỳ, Anh, Đức, Hàn Quốc…

Bình Thuận phát huy hiệu quả Chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc thù ảnh 2Thanh long Bình Thuận đã được Nhật Bản cấp Bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Ảnh: TTXVN phát

Theo Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển thanh long, được xem là “chìa khóa” giúp thanh long tiêu thụ vững chắc không chỉ ở thị trường trong nước mà còn trên thế giới, là đòn bẩy để trái thanh long tiến mạnh vào các thị trường khó tính trên thế giới.

Cùng với thanh long, nước mắm Phan Thiết cũng là sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp đăng bạ tên gọi xuất xứ hàng hóa khá sớm, từ năm 2007. Ngoài được bảo hộ trong nước, đến nay nhãn hiệu “Phan Thiết” đã được 3 quốc gia bảo hộ gồm Hoa Kỳ, Thái Lan và Campuchia.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có khoảng 114 cơ sở sở xuất, kinh doanh nước mắm, trong đó Phan Thiết chiếm 77% với sản lượng khoảng 39 triệu lít. Nước mắm Phan Thiết được sản xuất theo phương pháp cổ truyền độc đáo, kết hợp với khí hậu, nguồn nguyên liệu phù hợp với nghề chế biến nước mắm.

Nước mắm Phan Thiết trở nên nổi tiếng và được nhiều người tiêu dùng cả nước ưa thích hàng trăm năm nay. Từ khi nước mắm Phan Thiết được mang chỉ dẫn địa lý người sản xuất, kinh doanh đã thực sự thay đổi nhận thức, chú trọng điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm và gìn giữ thương hiệu.

Ông Trần Viết Tiến, Giám đốc Công ty Cổ phần Lavela Chi nhánh Bình Thuận cho biết: Thời gian qua, đơn vị thu mua sản phẩm nước mắm truyền thống từ các cơ sở và xuất khẩu sang một số nước như Canada, Philippines, Malaysia…

Việc có chỉ dẫn địa lý có lợi thế rất lớn cho doanh nghiệp vì người tiêu dùng truy xuất được nguồn gốc, biết đến đặc sản vùng miền của địa phương, uy tín sản phẩm, giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí quảng cáo.

Để phục vụ thị trường nước ngoài, doanh nghiệp phải đầu tư công nghệ hiện đại, máy móc thiết bị để xử lý mùi, độ mặn nhưng vẫn giữ được độ ngon, đặc trưng của nước mắm Phan Thiết. Đồng thời, doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng, quy trình công nghệ để đáp ứng theo các chứng nhận quốc tế như FSSC 22000, ISO 22000…

Bà Mai Thanh Nga, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bình Thuận cho biết, việc xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý đã trở thành một chiến lược để bảo tồn đa dạng sinh học, văn hóa truyền thống và tăng cường khả năng cạnh tranh thương mại, giúp thúc đẩy tiềm năng các nguồn lực địa phương.

Đồng thời, thúc đẩy việc chống lạm dụng và gian lận thương mại; nâng cao nhận thức của người tiêu dùng; tăng sức cạnh tranh của sản phẩm; góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, gia tăng giá trị lợi nhuận…

Giải pháp phát triển chỉ dẫn địa lý

Trong những năm qua, Bình Thuận thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn để các tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh thực hiện các thủ tục cấp Giấy chứng nhận sử dụng chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” cho quả thanh long và “Phan Thiết” cho sản phẩm nước mắm.

Cùng với đó, việc kiểm soát chất lượng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý cũng như kiểm soát việc tuân thủ các điều kiện sử dụng chỉ dẫn địa lý của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý cũng được các địa phương, đơn vị triển khai lồng ghép với các nhiệm vụ như cấp chứng chỉ VietGAP, công tác kiểm dịch nội địa và an toàn thực phẩm…

Trên thực tế việc cấp chứng nhận, công kiểm soát quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý cho thanh long Bình Thuận và nước mắm Phan Thiết vẫn còn nhiều tồn tại, chưa phát huy hết hiệu quả. Theo Sở Khoa học và Công nghệ, tính đến nay, toàn tỉnh đã thẩm định và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” dùng cho quả thanh long cho 103 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh; tuy nhiên, đến nay chỉ còn 25 Giấy chứng nhận còn hiệu lực. Một số đơn vị có giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý đã hết hạn hoặc quá thời hạn đăng ký gia hạn nhưng không có nhu cầu đăng ký gia hạn sử dụng.

Nguyên nhân việc cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý còn quá ít so với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thanh long trên địa bàn tỉnh là do một số tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh đã giải thể, tạm dừng hoạt động.

Bên cạnh đó, số lượng các doanh nghiệp có năng lực mua bán, xuất khẩu chính ngạch thanh long trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, nên việc đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” cho quả thanh long chưa nhiều…

Đối với sản phẩm nước nắm, hiện chỉ có 32/63 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nước mắm cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Phan Thiết” cho sản phẩm nước mắm còn hiệu lực. Hiện nay, một số sản phẩm nước mắm ngoài thị trường đang lạm dụng chữ “Phan Thiết” trên nhãn hàng hóa điều này ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng sản phẩm nước mắm Phan Thiết được bảo hộ…

Về giải pháp phát triển chỉ dẫn “Phan Thiết” cho sản phẩm nước mắm trong thời gian tới, bà Mai Thanh Nga, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: Sở sẽ phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước và Hiệp hội nước mắm rà soát, chỉnh sửa lại quy trình quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nước mắm để phù hợp với tình hình hiện nay. Bên cạnh đó, Sở hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nước mắm tiếp cận và thực hiện hiệu quả các chính sách khoa học công nghệ trong sản xuất và chế biến để nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm.

Đối với sản phẩm thanh long, bên cạnh tăng cường công tác tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân sản xuất và kinh doanh thanh long thực hiện các thủ tục gia hạn hoặc tái cấp Giấy chứng nhận sử dụng chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” cho quả thanh long, tỉnh tăng cường hỗ trợ các đơn vị kết nối tiêu thụ, mở rộng thị trường, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, kênh phân phối nhằm phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, kiểm soát sử dụng chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” dùng cho quả thanh long; việc cấp phát, sử dụng tem chỉ dẫn địa lý nhằm tránh các trường hợp giả mạo sản phẩm, gây mất uy tín cho thương hiệu “Thanh long Bình Thuận” cũng sẽ được chú trọng thực hiện, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết thêm.

Hồng Hiếu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm