Báo ảnh Dân tộc và Miền núi điện tử ra mắt giao diện mới

Báo ảnh Dân tộc và Miền núi điện tử ra mắt giao diện mới

Hôm nay, ngày 18/01/2024, Báo ảnh Dân tộc và Miền núi điện tử có địa chỉ tên miền là dantocmiennui.vn chính thức ra mắt giao diện mới. Sau nhiều tháng vận hành thử nghiệm, phiên bản mới của Báo ảnh Dân tộc và Miền núi điện tử với nhiều đổi mới về cả nội dung lẫn hình thức theo hướng hiện đại, mang bản sắc riêng và phát huy thế mạnh thông tin thị giác từ ảnh báo chí. Đây là cột mốc quan trọng đánh dấu sự nỗ lực chuyển mình của tòa soạn trong chiến lược chuyển đổi số để phục vụ bạn đọc tốt nhất của Thông tấn xã Việt Nam...

Cải tiến chất lượng thông tin và tăng trải nghiệm hình ảnh cho độc giả

Với nỗ lực khẳng định tính chuyên biệt trong công tác thông tin phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng đa dạng của độc giả, Báo ảnh Dân tộc và Miền núi điện tử tiếp tục tập trung đầu tư nâng cao chất lượng nội dung theo hướng chuyên sâu, mang bản sắc riêng.

1.png

Giao diện mới của Báo ảnh Dân tộc và Miền núi điện tử có bộ nhận diện hiện đại và sang trọng, được thiết kế theo xu hướng mới của báo chí thế giới, dễ theo dõi và thân thiện với độc giả. Các nội dung được tối ưu hiển thị trên đa nền tảng như bản website dành cho máy tính, bản mobile dành cho điện thoại thông minh, nâng cao trải nghiệm hình ảnh cho người dùng.

Bên cạnh thiết kế bố cục phù hợp các nguyên lý thị giác, bổ sung tính năng hiển thị full hình ảnh, nội dung trình bày dễ hiểu, dễ gây ấn tượng và hấp dẫn hơn đối với bạn đọc.

Cùng với việc đổi mới giao diện, dịp này Báo ảnh Dân tộc và Miền núi điện tử cũng cơ cấu và hệ thống hóa lại các chuyên mục cũng như cách thức phát triển nội dung mới, bao gồm: Thời sự, Tiềm năng địa phương, Gương sáng soi chung, Cuộc sống qua ảnh, E-magazine,… Giao diện mới tiếp tục đặt trọng tâm và chú trọng nâng cấp hình thức thể hiện nhiều ảnh, bài viết một cách hiện đại, đa phương tiện dưới dạng E-magazine… Đây là hình thức giúp chuyển tải các nội dung chuyên sâu, các phóng sự chuyên đề thực hiện trên ấn phẩm in 12 song ngữ, hướng đến cung cấp nội dung chất lượng cao, nhất là phần hình ảnh và nắm bắt xu hướng "đọc chậm" của độc giả.

2.png

Trong đợt cải tiến báo điện tử lần này, Báo ảnh Dân tộc và Miền núi cũng thay đổi toàn bộ giao diện trang https://km.dantocmiennui.vn/ và https://zh.dantocmiennui.vn/ theo hướng hiện đại, thân thiện với khả năng tiếp cận thông tin đối với đồng bào các dân tộc Khmer, Hoa.

Không chỉ giao diện và các định dạng trang có sự thay đổi, phần quản trị nội dung (CMS) cũng được bổ sung nhiều tính năng mới, hỗ trợ việc sản xuất thông tin phục vụ bạn đọc.

Báo ảnh Dân tộc và Miền núi - 34 năm "phủ sóng" tới đồng bào

Cách đây tròn 34 năm, tháng 01/1991, thực hiện Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị, Quyết định 72 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), Bản tin ảnh Dân tộc và Miền núi số đầu tiên ra đời. Đây cũng là tờ báo đầu tiên của cả nước do Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) xuất bản, có nội dung chuyên biệt về vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, được cấp phát tới tất cả các xã, trưởng thôn, trưởng bản, trường học, chùa Khmer, đồn biên phòng, các cơ quan làm công tác dân tộc... trong cả nước.

3.jpg
Thư tay của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh gửi Bản tin ảnh Dân tộc và Miền núi ngày 1/1/1991

Đầu năm 1990, Ban lãnh đạo TTXVN chủ trương có một ấn phẩm dành cho miền núi và vùng đồng bào dân tộc và giao nhiệm vụ cho tiểu ban (phòng) Miền núi và Lâm nghiệp (thuộc Ban biên tập tin Trong nước) làm nòng cốt chuẩn bị các điều kiện để xuất bản ấn phẩm này.

Cuối năm 1990, lãnh đạo TTXVN đã có cuộc làm việc với 14 ủy viên Trung ương Đảng, bí thư tỉnh ủy các tỉnh miền núi tại trụ sở số 5, phố Lý Thường Kiệt. Tại cuộc làm việc, tất cả bí thư tỉnh ủy đều nhất trí ủng hộ chủ trương của TTXVN xuất bản tờ báo duy nhất trong cả nước tại thời điểm đó dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Tiếp đó, ngày 28/11/1990, TTXVN đã tổ chức hội nghị phóng viên miền núi toàn ngành để bàn việc xuất bản Bản tin ảnh với sự tham dự của Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Nguyễn Khánh. Với sự ủng hộ, đồng thuận cao, công việc chuẩn bị ra mắt số đầu tiên Bản tin ảnh được Ban lãnh đạo TTXVN, trực tiếp là Tổng Giám đốc Đỗ Phượng (cũng là Tổng Biên tập đầu tiên của báo) thực hiện khẩn trương.

4.jpg
Tháng 10 năm 1990, Lãnh đạo TTXVN làm việc với 14 ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy các tỉnh miền núi tại trụ sở số 5, phố Lý Thường Kiệt về việc ra Bản tin ảnh Dân tộc và Miền núi.

Tháng 01/1991, số đầu tiên Bản tin ảnh Dân tộc và Miền núi bằng tiếng Việt chính thức ra mắt với số lượng 10.000 bản/kỳ và đã nhận được sự chào đón của đồng bào. Từ nhu cầu thực tế, Bản tin ảnh đã lần lượt tăng số lượng lên 20.000 bản/kỳ (tháng 12/1992), 40.000 bản/kỳ (tháng 02/1995), 60.000 bản/kỳ (tháng 3/1996).

Sau ba tháng ra mắt số đầu tiên, tháng 4/1991, Bản tin ảnh Dân tộc và Miền núi bằng tiếng Việt đã được chuyển ngữ sang tiếng Khmer cung cấp cho vùng đồng bào Khmer Nam Bộ. Từ tháng 10/2003, tiếp tục chuyển sang 3 ngữ Ê đê, Jrai và Bahnar phát hành tại vùng Tây Nguyên. Tháng 10/2006, chuyển tiếp sang ngữ Chăm phát hành tại các tỉnh Nam Trung Bộ. Như vậy, ngoài Bản tin ảnh Dân tộc và Miền núi bằng tiếng Việt, từ cuối năm 2006, hằng tháng, tòa soạn còn thực hiện chuyển nội dung sang 5 ngữ dân tộc khác nhau là Khmer, Bahnar, Jrai, Ê đê và Chăm với số lượng phát hành lên 10.000 bản/kỳ. Bên cạnh đó, từ năm 1992, song song với xuất bản Bản tin ảnh Dân tộc và Miền núi, tòa soạn còn thực hiện xuất bản số Chuyên đề Dân tộc và Miền núi hằng tháng với số lượng gần 10.000 bản/kỳ.

5.jpg
Tổng Giám đốc Đỗ Phượng (cũng là Tổng Biên tập đầu tiên của báo) tại Hội nghị Thông tin về Miền núi và Dân tộc thiểu số tổ chức tại TTXVN tháng 10 năm 1993

Đầu năm 2011, trước sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình thông tin, trong đó có thông tin phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số, để tiếp tục khẳng định bản sắc riêng, tính chuyên biệt duy nhất của ấn phẩm, Ban lãnh đạo TTXVN đã chỉ đạo tòa soạn cần phải có sự đổi mới mạnh mẽ, mang tính đột phá. Nhận thức được tính cấp thiết trong chỉ đạo của cấp trên, tập thể cán bộ, phóng viên, nhân viên tòa soạn đã động viên nhau chung sức, chung lòng phấn đấu, bằng nỗ lực cao nhất để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Cuối năm 2011, sau khi lấy ý kiến của bí thư tỉnh ủy 40 tỉnh miền núi và vùng đồng bào dân tộc về việc nâng cấp Bản tin ảnh Dân tộc và Miền núi thành Báo ảnh Dân tộc và Miền núi, tại cuộc họp ngày 14/02/2012, Ban Bí thư đã có kết luận đồng ý chủ trương của TTXVN xuất bản Báo ảnh Dân tộc và Miền núi song ngữ bằng tiếng Việt và chữ viết của đồng bào các dân tộc thiểu số được Nhà nước công nhận.

Báo ảnh Dân tộc và Miền núi xuất bản hằng tháng 12 ấn phẩm song ngữ, bao gồm: Việt-Khmer, Việt-Bahnar, Việt-Jrai, Việt-Êđê, Việt-Chăm, Việt-Mông, Việt-K’ho, Việt-M’nông, Việt-Tày, Việt-Xê đăng, Việt-Cơtu và Việt-Hoa với số lượng 69.000 cuốn/kỳ.

Báo ảnh Dân tộc và Miền núi - tờ báo duy nhất có nhiều song ngữ, tính chuyên biệt cao

Qua khảo sát, đánh giá của các địa phương về hiệu quả của Báo ảnh Dân tộc và Miền núi từ số đầu tiên năm 2012 đến nay, tất cả đều khẳng định: Đây là tờ báo duy nhất có nhiều song ngữ, tính chuyên biệt cao, có bản sắc riêng của cả nước do TTXVN xuất bản.

bia BADTMN so 1b.jpg

Trong cuốn sách “Giải pháp nâng cao hiệu quả cho đồng bào dân tộc hiện nay” do Bộ Thông tin và Truyền thông xuất bản quý I/2022, khi đánh giá về thực trạng phương thức, phương tiện truyền thông (phần báo in, báo điện tử và ảnh báo chí), Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhận định: “Báo ảnh Dân tộc và Miền núi là tờ báo được bà con dân tộc thiểu số yêu thích và sử dụng nhiều nhất” (trang 195).

6.jpg
Trong cộng đồng các tộc người Việt Nam, trang phục truyền thống của người Khmer Nam Bộ mang nhiều nét văn hóa độc đáo thể hiện ở sự đa dạng chất liệu vải, màu sắc, hoa văn và cách thức sử dụng. Trong ảnh: Thiếu nữ Khmer rạng rỡ trong trang phục truyền thống. (Phóng sự: Nét độc đáo trên trang phục truyền thống Khmer Nam Bộ, Báo ảnh Dân tộc và Miền núi số 7/2023). Ảnh: An Hiếu
7.jpg
Bé gái Chăm mặc abaja và quấn khăn hijab ché kín phần tóc, một hình ảnh đặc trưng bên ngoài các Thánh đường ở Châu Phong. (Phóng sự: Thánh đường Chăm bên dòng sông Hậu, Báo ảnh Dân tộc và Miền núi điện tử 9/2023). Ảnh: Trọng Chính
8.jpg
Mô hình trồng hoa công nghệ cao của Công ty cổ phần hoa Nhiệt đới Mộc Châu, đem lại doanh thu 25 tỷ đồng/ha/năm. (Phóng sự chuyên đề: Sơn La với mục tiêu trở thành trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Tây Bắc, Báo ảnh Dân tộc và Miền núi số 2/2023). Ảnh: An Thành Đạt
9.jpg
Nụ cười thế hệ tương lai người Rục (thuộc dân tộc Chứt) sinh sống chủ yếu ở xã Thượng Hóa, huyện miền núi Minh Hóa (Quảng Bình). Hơn 60 năm kể từ ngày được phát hiện và bước ra từ hang đá, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, người Rục đã vươn lên, xóa bỏ dần những mặc cảm, âu lo trước cuộc sống từng bấp bênh “như ngọn đèn trước gió”… (Phóng sự chuyên đề: Người Rục nơi đại ngàn Trường Sơn, Báo ảnh Dân tộc và Miền núi số 12/2023). Ảnh: An Thành Đạt

Báo đã tạo cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với người dân, góp phần đắc lực vào việc bảo tồn tiếng nói - chữ viết của đồng bào các dân tộc; đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, văn hóa phẩm độc hại; chống lại sự chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch, phản động, tạo sự đồng thuận để xây dựng quê hương. Báo có hình ảnh đẹp, chân thực và hấp dẫn. Nội dung phong phú, chuyên trang, chuyên mục được sắp xếp khoa học. Chất lượng biên dịch chính xác, ngôn từ trong sáng và dễ hiểu...

Cùng với báo in, nhiều giải pháp nhằm đổi mới nội dung thông tin và hình ảnh trên Trang thông tin điện tử tổng hợp cũng được Ban Biên tập cũng như tập thể phóng viên, biên tập viên chú trọng. Trang thông tin điện tử tổng hợp từ ngày 16/5/2023 đã trở thành Báo điện tử sau khi tòa soạn hoàn thành các thủ tục hành chính về mặt giấy phép hoạt động, xin phép Ban lãnh đạo TTXVN cũng như Bộ Thông tin và Truyền thông thay đổi giao diện mới. Báo ảnh Dân tộc và Miền núi điện tử với “không gian” thông tin không giới hạn đã thông tin đầy đủ, đều đặn về các vấn đề thời sự - chính trị của đất nước; các phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số; các kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; các bài học kinh nghiệm, gương làm kinh tế, gương người tốt việc tốt liên quan đến nông, lâm, ngư nghiệp, thiết thực với đồng bào dân tộc và miền núi.

Mỗi tháng, Báo ảnh Dân tộc và Miền núi điện tử phát gần 700 tin, bài tiếng Việt (cả 3 ngữ là hơn 850 tin, bài). Tính riêng năm 2023, tòa soạn phát gần 8.000 tin, bài tiếng Việt (cả 3 ngữ hơn 10.100 tin, bài).

Từ ngày 18/01/2024, Báo ảnh Dân tộc và Miền núi điện tử chính thức vận hành giao diện mới. Đây cũng là kết quả của việc thực hiện các chủ trương, chương trình, kế hoạch hành động của Đảng ủy, Ban lãnh đạo TTXVN trong việc thực hiện chuyển đổi số báo chí.

10.png

Thành công hôm nay còn có sự góp sức của nhiều thế hệ phóng viên thường trú TTXVN tại các địa phương. Để có được một phóng sự hay, một tấm ảnh đẹp trên mỗi số báo do tòa soạn đặt, những người làm báo TTXVN tại các địa phương cũng phải trăn trở, vất vả trên từng chặng đường tác nghiệp. Cũng không thể quên sự hợp tác, giúp đỡ của các đơn vị trong ngành, của các địa phương trong việc phối hợp biên dịch, hiệu đính, in ấn, phát hành. Và trên hết là lòng tri ân sâu sắc đến các thế hệ cán bộ lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên, nhân viên... đã có nhiều đóng góp và tạo dựng nền móng vững chắc cho tờ báo hôm nay không ngừng phát triển.

Nhân dịp năm mới Giáp Thìn 2024, Báo ảnh Dân tộc và Miền núi xin kính chúc bạn đọc trên khắp mọi miền Tổ quốc một năm mới Bình an, Hạnh phúc, Thịnh vượng. Mong bạn đọc tiếp tục gắn bó, đồng hành cùng Báo ảnh Dân tộc và Miền núi để Tòa soạn có thêm nhiều khát vọng, vững vàng, kiên định hơn trong việc tiếp tục đổi mới và sáng tạo!

Trân trọng cảm ơn quý bạn đọc!

Báo ảnh Dân tộc và Miền núi

Có thể bạn quan tâm