Bắc Giang bảo tồn và phát triển các làng nghề

Bắc Giang bảo tồn và phát triển các làng nghề

Bắc Giang đang triển khai kế hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2030.

Bắc Giang bảo tồn và phát triển các làng nghề ảnh 1Nem ngựa Lục Ngạn (Bắc Giang)- một đặc sản nổi tiếng nơi đây hút khách dịp tết Nguyên đán 2023. Ảnh: Danh Lam - TTXVN

Bắc Giang xác định việc bảo tồn và phát triển làng nghề có vai trò quan trọng trong thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động nông thôn, tạo việc làm và nâng cao đời sống của người dân; bảo vệ, giữ gìn cảnh quan, không gian làng nghề, đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Thời gian tới, Bắc Giang duy trì, bảo tồn và phát triển 27 làng nghề hiện có trên địa bàn; khuyến khích phát triển các làng nghề mới; đầu tư hỗ trợ có trọng tâm trọng điểm, hỗ trợ các làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận và đang hoạt động hiệu quả để phát triển và nhân rộng; khôi phục, bảo tồn các nghề, làng nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một, thất truyền.

Bắc Giang đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường; phát huy vai trò của các nghệ nhân, thợ giỏi, người có tay nghề cao; khuyến khích sự lan tỏa, cấy nghề và phát triển sản phẩm mới; hỗ trợ phát triển làng nghề có điều kiện gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới.

Bắc Giang phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 60% trở lên làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận hoạt động hiệu quả; có khoảng 22 sản phẩm làng nghề được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP; khoảng 35% số làng nghề, làng nghề truyền thống có sản phẩm được bảo hộ sở hữu thương hiệu.

Đến năm 2030, tỉnh có khoảng 70% làng nghề đã được công nhận hoạt động hiệu quả; khoảng 30 sản phẩm làng nghề được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP; 45% số làng nghề có sản phẩm được bảo hộ sở hữu thương hiệu; thu nhập bình quân của người lao động tăng khoảng 1,5 lần so với năm 2021; thu hút khoảng 15% lao động tăng thêm hàng năm tham gia vào các hoạt động ngành nghề nông thôn trong làng nghề…

Để đạt mục tiêu, Bắc Giang tập trung duy trì và phát triển đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi, tạo nòng cốt thúc đẩy công tác đào tạo, truyền nghề, thực hành nghề thủ công truyền thống; bảo tồn, phát triển kỹ năng, sáng tạo thêm nhiều sản phẩm, tác phẩm mới có giá trị.

Bắc Giang bảo tồn và phát triển các làng nghề ảnh 2Sản phẩm xe rùa của anh Trần Văn Hùng sinh năm 1970 (Bắc Giang). Sản phẩm được xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn như: Mỹ, Australia, với giá trị đạt gần 2 triệu USD/năm. Ảnh: Danh Lam -TTXVN

Đối với những nghề, làng nghề truyền thống đang hoạt động cầm chừng, có nguy cơ mai một, Bắc Giang hỗ trợ bảo tồn, phục dựng làng nghề, gắn phát triển làng nghề với phát triển du lịch, hỗ trợ các hộ hoặc nhóm hộ nghề, nghệ nhân duy trì hoạt động, trình diễn nghề nhằm lưu giữ, truyền nghề và phục vụ nhu cầu du lịch, văn hóa. Cùng với đó, sưu tầm, tài liệu hóa, bảo tồn bí quyết, công nghệ cổ truyền tinh xảo, độc đáo, các sản phẩm được lưu truyền, các mẫu hoa văn truyền thống, các lễ hội truyền thống của làng nghề.

Ngoài ra, Bắc Giang tập trung hỗ trợ các làng nghề đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, máy móc, trang thiết bị, dây chuyền sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm. Tỉnh phát triển các làng nghề sản xuất những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, có khả năng phát triển mở rộng thị trường trong nước và tiềm năng xuất khẩu, gồm các nhóm nghề (chế biến bảo quản nông, lâm sản,...); hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, hỗ trợ tem, nhãn, truy xuất nguồn gốc sản phẩm làng nghề. Đồng thời, hỗ trợ phát triển làng nghề gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới. Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện điều kiện sản xuất và bảo vệ môi trường làng nghề…

Bắc Giang là tỉnh có nhiều làng nghề, là một trong những cái nôi của các làng nghề thủ công truyền thống ở nước ta. Các làng nghề ở Bắc Giang được hình thành từ xa xưa, xuất phát từ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân với những bí quyết cổ truyền đã được đúc kết qua nhiều thế hệ, sản xuất ra một số sản phẩm nổi tiếng trong khắp cả nước như: rượu làng Vân, bánh đa Thổ Hà, mây tre đan Tăng Tiến (huyện Việt Yên); bánh đa Kế, bún Đa Mai, nuôi tằm ươm tơ ở Phú Giã, mộc Bãi Ổi – Dĩnh Trì (thành phố Bắc Giang); mỳ Chũ Thủ Dương (huyện Lục Ngạn); gốm làng Ngòi (huyện Yên Dũng)...

Các làng nghề ở tỉnh Bắc Giang chủ yếu sản xuất ở lĩnh vực mây tre đan; làm mỳ gạo, bún, bánh đa, nấu rượu; sản xuất mộc dân dụng; làm chổi; dệt thổ cẩm; làm giấy gió; nuôi tằm ươm tơ…

Một số làng nghề ở Bắc Giang đã kết hợp công nghệ truyền thống với công nghệ hiện đại, áp dụng máy móc vào từng công đoạn như nghề mây tre đan đưa máy móc vào công đoạn chẻ nan; nghề sản xuất bún, bánh đa, mỳ gạo dùng máy trong công đoạn xay, nghiền bột; nghề sản xuất rượu ứng dụng công nghệ trưng cất để loại bỏ độc tố; nghề sản xuất đồ mộc đã sử dụng máy cưa, máy bào…

Việt Hùng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm