UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vừa ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025.
Theo đó, tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 150 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên; ưu tiên phát triển đối với các chủ thể là hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Sẽ có ít nhất là 20% chủ thể OCOP là hợp tác xã; 100% cán bộ phụ trách về OCOP các cấp huyện, xã, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia chương trình được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức các chuyên đề thuộc Chương trình OCOP; đối với nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch, phấn đấu có ít nhất 5 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.
Để hoàn thành tốt các mục tiêu trên, UBND tỉnh triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp như tuyên truyền, đào tạo tập huấn; kiện toàn hệ thống quản lý, điều hành thực hiện Chương trình OCOP; chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu thị trường; quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu; xây dựng, hoàn thiện hệ thống quản lý, giám sát; tăng cường chuyển đổi số trong Chương trình OCOP.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh yêu cầu, các sở, ngành, địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, phân công rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện Chương trình OCOP; bám sát quan điểm, mục tiêu chương trình của trung ương, đồng thời căn cứ tình hình thực tế của địa phương để xác định rõ nội dụng, nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm để triển khai Chương trình OCOP giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh đảm bảo hiệu quả, toàn diện và bền vững.
Riêng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện kế hoạch Chương trình OCOP ở địa phương; thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá thực hiện chương trình OCOP ở các huyện, thị xã, thành phố; tuyên truyền các nội dung về Chương trình OCOP; phát triển sản phẩm; tổ chức tập huấn nâng cao trình độ quản lý cho các chủ thể sản xuất và cán bộ quản lý thực hiện chương trình các cấp; đồng thời xây dựng, phát triển và nâng cao các sản phẩm OCOP; tham mưu tổ chức đánh giá phân hạng và công nhận sản phẩm tham gia chương trình cấp tỉnh theo đúng tiến độ đề ra và phối hợp tổ chức cho các đơn vị sản xuất sản phẩm tham gia các hội chợ OCOP trong và ngoài tỉnh.
Tính đến nay, sau 4 năm triển khai Chương trình OCOP, với sự vào cuộc quyết liệt của các sở ngành, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh, trên địa bàn tỉnh đã có 89 sản phẩm đặc trưng của các địa phương được gắn từ 3 - 5 sao đã được UBND tỉnh ra quyết định công nhận.
Đối với các sản phẩm được gắn sao OCOP, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương để tổ chức các hội nghị, chương trình xúc tiến thương mại để các chủ thể tham gia giới thiệu, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường.
Hoàng Nhị