Nghề đan lát mang lại giá trị truyền thống lẫn kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Kon Tum

Đối với bà con dân tộc thiểu số tại tỉnh Kon Tum, đan lát được xem là một nét đẹp văn hóa từ bao đời, được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhằm bảo tồn và phát triển nghề truyền thống này, cộng đồng dân tộc thiểu số luôn tích cực truyền dạy lại cho thế hệ trẻ; đồng thời, đưa sản phẩm đan lát thành hàng hóa để phát triển kinh tế, tăng cao thu nhập.

ảnh 1.jpg
Già Luk (69 tuổi, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) miệt mài đan lát để tạo ra các sản phẩm chất lượng đến tay người tiêu dùng.

Từ nhỏ, già Luk (69 tuổi, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) đã biết đến nghề đan lát qua người cha của mình. Hình ảnh thế hệ đi trước là các bậc cha, ông ngồi đan lát trước hiên nhà là nét đẹp văn hóa luôn hiện hữu trong trí nhớ già Luk mỗi khi nhắc lại. Trải qua quá trình quan sát, “ngọn lửa” đam mê đan lát già Luk đã được nhen nhóm và trở thành sở thích đặc biệt của ông so với bạn bè cùng trang lứa.

Già Luk bắt tập quá trình tập đan lát của mình bằng những món đồ đơn giản như con chim, chuồn chuồn để chơi hoặc tặng cho bạn bè. Lúc rảnh rỗi, ông còn phụ cha mình và các già làng làm công việc chuốt nan, chẻ sợi. Ông xem những việc này là cơ hội quý báu để trau dồi khả năng đan lát của bản thân và có thêm kinh nghiệm trong việc lựa chọn ra những nguyên liệu chất lượng để sản phẩm làm ra đạt tốt nhất.

Già Luk chia sẻ: Khoảng thời gian đầu được tiếp cận về đan lát, ông luôn chú ý theo dõi từng cử chỉ, hành động của người lớn để học làm theo. Với năng khiếu của mình, chỉ sau thời gian ngắn, ông đã có thể thành thạo các kỹ thuật về đan lát. Những chỗ không biết, ông sẽ hỏi cha, ông chỉ dạy để hoàn thiện bản thân. Nhờ đó, từng sợi mây, sợi tre qua bàn tay khéo léo của ông được uốn cong, tạo hình ra những sản phẩm với độ chính xác, tỉ mỉ cao.

ảnh 3.jpg
Những sản phẩm đan lát được người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum bán với giá giao động từ 30.000 - 200.000 đồng tùy từng sản phẩm.

Đa phần người Bahnar khác tại thôn Kon Tum Kơ Pơng rất thành thạo về nghề truyền thống là đan lát bằng mây, tre. Riêng cạnh nhà già Luk đã có đến gần 10 người hàng xóm thành thạo đan lát. Không chỉ đàn ông, trong số này còn có những người phụ nữ đan lát rất đẹp. Đối với người Bahnar, các vật dụng từ đan lát luôn hiện diện trong đời sống của mỗi người dân bởi những vật dụng đời thường như gùi lúa, nia, đơm cá… Hình ảnh thế hệ đi trước là các bậc cha, ông ngồi đan lát trước hiên nhà là nét đẹp văn hóa luôn hiện hữu trong trí nhớ của mỗi người.

Ngoài nhu cầu phục vụ hằng ngày, người Bahnar còn dùng vật dụng đan lát để trao đổi, buôn bán với các làng khác. Đơn cử như việc không cần dùng tiền mặt, người Bahnar có thể mua một con gà, một kí nếp hoặc thịt bò bằng việc đổi chiếc gùi, cái nia của mình.

Đến nay, dù nghề đan lát mây tre không còn thịnh hành như xưa nhưng vẫn còn nhiều người dân tộc thiểu số vẫn xem đây như một nghề giúp họ có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống. Đơn cử như vài năm trước, nhu cầu về các sản phẩm đan lát còn cao, người Bahnar tại thôn Kon Tum Kơ Pơng đã nhận đặt hàng với số lượng lớn và chung tay cùng nhau đan lát để tăng thu nhập.

Già Luk chia sẻ, khi được thương lái đặt hàng, bà con trong thôn đều tập trung lại và đan lát. Mỗi người một việc thể hiện sự gắn bó của cả cộng đồng với ngành nghề truyền thống này. Trung bình mỗi ngày, một người thành thạo có thể đan được hơn 10 sản phẩm. Với giá bán từ 30-60 nghìn đồng/cái tùy kích cỡ, việc làm này không những tạo ra thu nhập mà còn giúp người dân có thêm động lực trong việc bảo tồn nghề truyền thống.

ảnh 2.jpg
Rất nhiều người dân tộc thiểu số tại tỉnh Kon Tum xem nghề đan lát như một nguồn thu nhập bền vững để trang trải cuộc sống.

Cạnh đó, người Rơ Ngao (một nhánh của dân tộc Bahnar) sinh sống tại làng Kon Trang Long Loi (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) xem nghề đan lát như một nguồn thu nhập bền vững. Để có thể đan được một sản phẩm, người Rơ Ngao phải mất 3 ngày để vào rừng tìm kiếm các vật dụng như lồ ô, nứa, cây gạo, dây mây. Sau đó, họ phải mất thêm 2 ngày để trau chuốt các vật dụng và đan hoàn chỉnh sản phẩm.

Người Rơ Ngao chủ yếu dựa vào đan cái nia, đơm cá để kiếm thêm thu nhập. Với mức giá dao động từ 70.000 – 200.000 đồng tùy từng sản phẩm, những người dân tộc thiểu số biết đan lát tại làng Kon Trang Long Loi có thể kiếm được khoảng 2 triệu đồng/tháng từ việc bán sản phẩm. Nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của ngành nghề truyền thống, người dân Rơ Ngao thường truyền dạy lại cho thế hệ trẻ cách đan lát và chú trọng phát triển các sản phẩm để phục vụ du lịch.

Với việc hình thành Làng du lịch cộng đồng Kon Trang Long Loi vào đầu năm 2021, sản phẩm đan lát của người dân tộc thiểu số nơi đây dần dễ dàng đến được tay các du khách. Đây là điểm tựa vững chắc để người Rơ Ngao có nguồn thu nhập bền vững từ nghề đan lát; đồng thời, thúc đẩy thế hệ trẻ tiếp tục bảo tồn và giữ vững ngành nghề truyền thống.

Có thể nói, phần lớn người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã dần thay đổi tư duy về ngành nghề truyền thống, biến những sản phẩm làm ra thành hàng hóa. Từ đó, có thêm nguồn thu nhập bền vững bên cạnh việc sản xuất nông nghiệp. Việc làm này giúp những ngành nghề truyền thống nói chung và đan lát nói riêng dần trở lại với đời sống văn hóa các dân tộc, tạo ra bước đệm để bảo tồn và tiếp tục phát triển hơn về sau./.

Khoa Chương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm