Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, hiện toàn tỉnh có 36 homestay, tập trung chủ yếu tại thành phố Kon Tum và các huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông, Ngọc Hồi và Kon Rẫy. Việc phát triển các homestay không chỉ tạo ra loại hình lưu trú mới, giúp cho du khách có thêm những trải nghiệm lý thú tại các điểm du lịch, hòa mình cùng với các cộng đồng dân tộc thiểu số tại chỗ. Các homestay còn giúp giải tỏa áp lực cho các cơ sở lưu trú ở khu vực trung tâm của huyện, thành phố trong các dịp lễ hội.
Huyện Kon Plông là địa phương có nhiều homestay nhất của tỉnh Kon Tum, khi có tới 27 homestay, nằm rải rác tại khu vực quanh Khu du lịch sinh thái Măng Đen và tại các làng du lịch cộng đồng. Ngoài các homestay phục vụ cho nhu cầu lưu trú của du khách, tại các làng du lịch cộng đồng, các homestay còn bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người dân tộc thiểu số tại chỗ.
Thôn Vi Rơ Ngheo (xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông) tuy mới được công nhận là làng du lịch cộng đồng từ năm 2023, nhưng đây đang là điểm du lịch thu hút được sự chú ý của đông đảo du khách. Bên cạnh vẻ đẹp hoang sơ, cùng khung cảnh nên thơ, người dân Vi Rơ Ngheo cũng đã biết cách “chiều lòng” du khách, khi đầu tư xây dựng được 5 homestay để làm nơi lưu trú. Do nằm cách thị trấn Măng Đen khoảng 30 km, nên các homestay thường được sử dụng, nhất là vào dịp cuối năm, khi địa lan – loài lan đặc trưng của Vi Rơ Ngheo – nở rộ.
Anh A Hiền, trú làng Vi Rơ Ngheo cho biết, gia đình anh đã đầu tư xây dựng homestay dạng nhà dài truyền thống của người Xơ Đăng trên diện tích đất của gia đình. Toàn bộ kết cấu của homestay được mô phỏng lại theo đúng kiến trúc của nhà dài, với các nguyên vật liệu tự nhiên, mang đến trải nghiệm độc đáo cho du khách. Tất cả các homestay đều phải đảm bảo sạch sẽ, có đầy đủ các khu vực phục vụ nhu cầu thiết yếu cho du khách.
“Thông thường, mỗi tháng các homestay trong thôn đón được khoảng hai đoàn khách, riêng dịp lễ, Tết, hay dịp cuối năm hoa địa lan nở, thôn đón lượng khách rất lớn, có thể lên đến cả ngàn khách. Nhờ đó, lượng du khách lưu trú tại các homestay cũng tăng lên. Mỗi du khách nghỉ qua đêm tại homestay sẽ trả tiền cho các homestay với giá niêm yết, khoảng 100.000 – 150.000 đồng/đêm, các hộ làm homestay cũng có nguồn tài chính để duy trì và phục vụ cho đời sống gia đình, phát triển du lịch”, anh A Hiền nói.
Theo ông Đặng Đình Toán, Trưởng phòng Văn hóa huyện Kon Plông, toàn huyện có 132 cơ sở lưu trú; trong đó có 27 homestay, có khả năng phục vụ nhu cầu lưu trú của hơn 5.000 khách/ngày đêm. Các cơ sở lưu trú hình thức homestay được phát triển ở thôn Kon Pring và thôn Kon Vơng Kia, thị trấn Măng Đen; thôn Kon Chênh và thôn Kon Tu Rằng, xã Măng Cành; thôn Vi Rơ Ngheo của xã Đăk Tăng. Trong năm 2025, định hướng của huyện Kon Plông sẽ triển khai phát triển homestay ở thôn Kon Plông, xã Hiếu và thôn Đăk Chè, xã Ngọc Tem.
Riêng đối với phát triển các homestay trong các làng đồng bào dân tộc thiểu số thì đó là định hướng trong phát triển du lịch của huyện, gắn kết cùng với phát triển du lịch cộng đồng. Các homestay vừa tạo điều kiện cho các hộ gia đình có việc làm, tăng thêm thu nhập, đảm bảo đón khách trong các ngày lễ, Tết, giảm tải cho các cơ sở lưu trú ở khu vực trung tâm. Các homestay cũng như các điểm du lịch cộng đồng là điểm sáng để người dân học tập, làm theo. Từ đó nhân rộng ra mô hình cơ sở lưu trú homestay. Các homestay cũng góp phần thu hút du khách đến với Khu du lịch sinh thái Măng Đen và huyện Kon Plông, để huyện sớm đạt mục tiêu đón 1,2 triệu lượt khách trong năm 2024.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum Bạch Thị Mân khẳng định, trên địa bàn tỉnh Kon Tum hiện nay, loại hình cơ sở lưu trú homestay xuất hiện tại nhiều địa phương, đã đóng góp tích cực cho dịch vụ du lịch nói chung và lưu trú nói riêng. Quy mô homestay là hộ gia đình, tổ hợp tác như ở Làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu, thành phố Kon Tum; Làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo, huyện Kon Plông; Làng du lịch cộng đồng Đắk Răng, huyện Ngọc Hồi,… Tuy nhiên, một số mô hình homestay còn đơn thuần tổ chức dịch vụ lưu trú, chưa có các dịch vụ trải nghiệm đi kèm làm hạn chế loại hình du lịch này.
Hằng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum đã có văn bản triển khai đến phòng Văn hóa - Thông tin các huyện, thành phố để hướng dẫn các điều kiện đón khách du lịch của các đơn vị kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh, trong đó có hình thức lưu trú homestay. Cùng với đó, đề nghị các phòng Văn hóa -Thông tin các huyện, thành phố hướng dẫn doanh nghiệp về quy trình, thủ tục đăng ký homestay và các quy định liên quan về kinh doanh lưu trú du lịch đảm bảo các quy định. Nhờ đó, góp phần đưa lượng khách đến với Kon Tum tăng đột biến, với 10 tháng đầu năm đã đạt 2,4 triệu lượt khách, tăng hơn 105% so với cùng kỳ năm 2023.
“Ngành du lịch tỉnh Kon Tum tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân tham gia kinh doanh dịch vụ homestay, trên cơ sở tuân thủ và thực hiện tốt các quy định về đăng ký kinh doanh, an ninh, trật tự, an toàn về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, ngành sẽ đầu tư các dịch vụ trải nghiệm cho khách du lịch, nhất là ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; khuyến khích các hộ dân, tổ hợp tác, hợp tác xã du lịch, các chủ thể OCOP, các công ty lữ hành có các liên kết cụ thể, phân công rõ trách nhiệm từng khâu dịch vụ để cùng hưởng lợi, xây dựng sản phẩm du lịch ngày một tốt hơn, thu hút du khách ngày càng đông đến Kon Tum”, bà Bạch Thị Mân nhấn mạnh.
Dư Toán