Khởi sắc mô hình nông dân vùng cao làm homestay ở huyện Mai Châu

Nhận thấy những tiềm năng, lợi thế tại địa phương, nhiều nông dân ở huyện Mai Châu (Hòa Bình) đã lựa chọn và đầu tư làm du lịch cộng đồng (homestay), phấn đấu vươn lên làm giàu bền vững; đồng thời, cùng chia sẻ kinh nghiệm và triển khai kinh tế tập trung, góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

vna_potal_hoa_binh_hop_tac_xa_det_tho_cam_va_dich_vu_chieng_chau_tao_viec_lam_on_dinh_cho_nhieu_lao_dong_5964040.jpg
Chị Vì Thị Oanh (áo xanh), Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch Chiềng Châu, huyện Mai Châu (Hòa Bình) hướng dẫn kỹ thuật dệt thổ cẩm cho hội viên. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Bản Lác (xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu) có 125 hộ (đa phần là người dân tộc Thái, chiếm 98%); trong đó hiện đã có 76 hộ đăng ký kinh doanh dịch vụ du lịch. Năm 2021, chính quyền xã đã có quyết định về việc thành lập Chi hội "Nông dân làm homestay” với 18 hội viên. Các hoạt động của Chi hội gồm: Tuyên truyền, phổ biến, cung cấp, thông tin, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, định hướng ngành nghề của địa phương; phối hợp tổ chức tập huấn về kỹ năng làm du lịch, thảo luận và xây dựng kế hoạch về tổ chức sản xuất, xây dựng mô hình kinh doanh, dịch vụ nhằm nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của sản phẩm..., giúp hội viên có việc làm, thu nhập ổn định.

Bà Vì Thị Oanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Chiềng Châu, Giám đốc Hợp tác xã dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch Chiềng Châu cho biết, Chi hội "Nông dân làm homestay” được thành lập đã tập trung huy động mọi nguồn lực xây dựng chi hội nghề nghiệp điển hình, phát huy tiềm năng sẵn có, thế mạnh tại địa phương thúc đẩy du lịch phát triển bền vững, nâng cao đời sống cho hội viên.

Huyện Mai Châu có nhiều lợi thế, thuận lợi cho việc phát triển các hoạt động du lịch trải nghiệm, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái với bản sắc văn hóa các dân tộc độc đáo được gìn giữ, ẩm thực dân tộc đa dạng phong phú, cảnh quan làng quê yên bình, trong lành... Mô hình du lịch nông nghiệp, nông dân làm homestay ra đời với tiêu chí lấy người nông dân làm trung tâm có vai trò vừa tham gia sản xuất vừa trở thành hướng dẫn viên phục vụ du khách.

Ông Phạm Thế Anh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mai Châu cho biết, sau hơn 2 năm thành lập và trải qua thời gian gián đoạn do COVID-19, hiện thu nhập của thành viên các Chi hội "Nông dân làm homestay"; đã dần ổn định (trên 100 triệu đồng/hộ/năm). Việc phát triển kinh tế thông qua du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới là xu thế tất yếu trong thời gian tới. Vì vậy, Hội Nông dân huyện tiếp tục đồng hành, hỗ trợ người dân trong phát triển mô hình chi, tổ hội "Nông dân làm homestay"; góp phần phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Hội Nông dân huyện đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên có chung ngành nghề sản xuất tham gia thành lập các chi hội, tổ hội nghề nghiệp; tổ chức xây dựng, ra mắt các chi, tổ hội điểm nghề nghiệp để rút kinh nghiệm và nhân rộng trên địa bàn. Đến nay, huyện đã thành lập được 2 Chi hội "Nông dân làm homestay"; ở 2 xã Pà Cò và Chiềng Châu với 42 thành viên. Các Chi hội tiếp tục phát huy tiềm năng, tạo mối liên kết chặt chẽ với những hội viên có cùng đam mê làm du lịch cộng đồng, hoạt động dựa trên nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tập trung dân chủ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Châu Hoàng Đức Minh cho biết, thời gian qua, chính quyền huyện Mai đã tạo điều kiện cho hội viên tham gia tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh du lịch. Địa phương đẩy mạnh quảng bá hình ảnh về mô hình Chi hội "Nông dân làm homestay” trên các phương tiện thông tin đại chúng; thường xuyên tổ chức hội thảo với các địa phương khác để dần hoàn thiện mô hinh Chi hội "Nông dân làm homestay”, phấn đấu trong thời gian gần nhất đưa chi hội thành hợp tác xã theo quy định của pháp luật.

Mô hình Chi hội “Nông dân làm homestay” là việc làm sáng tạo của Hội Nông dân huyện Mai Châu, qua đó đã tập hợp các hội viên để cùng xây dựng sản phẩm du lịch, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với hoạt động sinh kế. Đồng thời, xây dựng các chuỗi giá trị, duy trì và thúc đẩy hoạt động du lịch phát triển bền vững tại địa phương.

Lưu Trọng Đạt

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm