Bà Rịa-Vũng Tàu: Xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP vùng miền

Phòng nuôi cấy nấm Đông trùng hạ Thảo của Công ty TNHH Đông trùng hạ thảo Trung Nhân, địa chỉ tại xã Tân Hưng, thành phố Bà Rịa. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN
Phòng nuôi cấy nấm Đông trùng hạ Thảo của Công ty TNHH Đông trùng hạ thảo Trung Nhân, địa chỉ tại xã Tân Hưng, thành phố Bà Rịa. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với tái cơ cấu sản xuất đang được các địa phương, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nỗ lực triển khai với mục tiêu tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, mang tính đặc trưng, và lợi thế của mỗi vùng miền. Qua đó, tạo động lực tiếp sức cho các địa phương xây dựng nông thôn mới bền vững.

Bà Rịa-Vũng Tàu: Xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP vùng miền ảnh 1 Phòng nuôi cấy nấm Đông trùng hạ Thảo của Công ty TNHH Đông trùng hạ thảo Trung Nhân, địa chỉ tại xã Tân Hưng, thành phố Bà Rịa. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Nỗ lực đạt sản phẩm OCOP

Mặc dù, mới được xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2019, nhưng sản phẩm được chiết xuất từ quả nhàu của Công ty TNHH Nông nghiệp và Dược liệu Xuất nhập khẩu Phong Thảo, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc đã có mặt trên thị trường trong nước và được xuất khẩu đi Hàn Quốc. Tuy nhiên, để được trở thành sản phẩm OCOP của tỉnh là điều không dễ dàng, phải trải qua nhiều khâu thẩm định rất kỹ càng và khắt khe.

Xác định như vậy, anh Phạm Văn Phong, Giám đốc Công ty cho biết, hiện nay 2 sản phẩm nước cốt và tinh dầu nhàu của công ty đang được thẩm định xét duyệt là sản phẩm OCOP của tỉnh. Để có vùng nguyên liệu sản xuất ổn định, đến nay, công ty đã tăng thêm 10 ha so với thời điểm mới thành lập, nâng tổng số diện tích vùng nguyên liệu lên 70 ha trồng nhàu. Hiện nay, mỗi năm công ty có thể sản xuất được 25 tấn nước cốt và khoảng 500 lít tinh dầu nhàu. Các sản phẩm này chủ yếu xuất đi thị trường Hàn Quốc và số ít bán thị trường nội địa trong nước.

Để mở rộng thị trường xuất khẩu, anh Phạm Văn Phong đang bỏ ra hơn 6 tỷ đồng để đầu tư dàn máy mới, hiện đại, gần như tự động hóa hoàn toàn để chuyên sản xuất các sản phẩm từ quả nhàu xuất khẩu sang các nước Thái Lan và Campuchia. Với dàn máy mới được đầu tư, lắp ráp, mỗi tháng, công ty có thể xuất khẩu 40 container, thay vì dàn máy cũ 1 tháng được 15 container hàng như trước đây. Các sản phẩm được chiết xuất từ quả nhàu của Công ty TNHH Nông nghiệp và Dược liệu xuất nhập khẩu Phong Thảo đang khẳng định được chất lượng và thương hiệu ở thị trường trong nước và được người tiêu dùng các nước ưu chuộng.

Bà Rịa-Vũng Tàu: Xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP vùng miền ảnh 2Sản phẩm đăng ký Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP của Công ty TNHH Đông trùng hạ thảo Trung Nhân, xã Tân Hưng, thành phố Bà Rịa. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Còn Công ty TNHH Đông trùng hạ thảo Trung Nhân, có địa chỉ tạ ấp Phước Tân 4, xã Tân Hưng, thành phố Bà Rịa đã sớm xác định, điểm mấu chốt quyết định đó là chất lượng phải mang tầm quốc tế. Theo đó, công ty đã không ngừng mở rộng quy mô, cải tiến quy trình sản xuất, nhằm đáp ứng các chỉ số khắt khe mà thị trường phân khúc cao đòi hỏi.

Mặc dù, cơ sở sản xuất của công ty mới đi vào hoạt động được gần 2 năm nhưng đã được người tiêu dùng đón nhận. Với quy mô 20 phòng cấy và nuôi nấm Đông trùng hạ thảo rất quy mô, hiện đại, 3 sản phẩm của công ty là Đông trùng hạ thảo X3 Gold, Đông trùng hạ thảo X3 Ruby và Đông trùng hạ thảo X3 Premium là những sản phẩm được đăng ký là sản phẩm OCOP của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đang được các cơ quan chức năng của tỉnh thẩm định hồ sơ sản phẩm.

Anh Nguyễn Nhật Nhân, Trưởng Phòng Kinh doanh và chịu trách nhiệm sản xuất, Công ty TNHH Đông trùng hạ thảo Trung Nhân cho biết, phía công ty đã đăng ký là sản phẩm OCOP của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu năm 2021. Để đạt được danh hiệu sản phẩm uy tín, chất lượng trên thị trường cũng như được chứng nhận OCOP, phía công ty đã đầu tư rất bài bản từ khâu sản xuất tới nhà xưởng, công nghệ hiện đại và mẫu mã đẹp mắt. Đặc biệt, phía công ty rất chú trọng đến khâu chất lượng nên hiện công ty đã đạt Chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP và FDA do Hoa Kỳ cấp.

Bà Rịa-Vũng Tàu: Xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP vùng miền ảnh 3Sơ chế quả nhàu để làm tinh dầu và nước ép từ nhàu tại Công ty TNHH Nông nghiệp và Dược liệu xuất nhập khẩu Phong Thảo (Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu). Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Không phát triển tràn lan

Với quyết tâm đưa các sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của địa phương đến với Chương trình OCOP, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã cụ thể hóa và triển khai nhiều chủ trương, chính sách nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, liên kết và tiêu thụ sản phẩm, phát triển ngành nghề nông thôn. Chương trình OCOP nhận được sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp của cả hệ thống chính trị các cấp từ Trung ương đến địa phương.

Đến nay, Bà Rịa-Vũng Tàu có 5 chủ thể với 21 sản phẩm được UBND tỉnh phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2021; trong đó, có 5 sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao và đang đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP Quốc gia. Ngoài ra, tỉnh còn có 16 sản phẩm đạt hạng 4 sao.

Ông Vũ Ngọc Đăng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết, ngành nông nghiệp khuyến cáo các chủ thể sản phẩm OCOP phải xác định rõ không phát triển tràn lan, không lấy số lượng mà tập trung vào chất lượng để phát triển thúc đẩy sản phẩm một cách bài bản, căn cơ; trong đó, tập trung vào các sản phẩm chủ lực nông nghiệp của tỉnh để có định hướng cụ thể, tránh trường hợp phát triển tràn lan và không duy trì được OCOP.

Cũng theo ông Vũ Ngọc Đăng, trong thời gian tới ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục hỗ trợ các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất thực hiện các quy định liên quan đến an toàn thực phẩm, quy trình thực hiện các thủ tục đăng ký và công bố chất lượng sản phẩm. Đồng thời, hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ sản xuất xây dựng các mô hình sản xuất an toàn theo VietGAP, hữu cơ...; triển khai Bộ tiêu chí đánh giá OCOP đến các chủ thể đến địa phương.

Bà Rịa-Vũng Tàu là địa phương có nhiều sản phẩm đặc trưng nên tiềm năng xây dựng sản phẩm OCOP là rất lớn. Đây là cơ hội lớn, không chỉ khẳng định tiêu chuẩn, chất lượng và tính truyền thống của sản phẩm địa phương mà còn góp phần thay đổi tư duy, cách làm trong sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ cho đến xây dựng nhãn mác hàng hóa, thương hiệu sản phẩm của chính quyền, người nông dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Hoàng Nhị

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm