Bến Tre xây dựng vùng sản xuất dừa hữu cơ xuất khẩu

Theo UBND tỉnh Bến Tre, thời gian tới, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, địa phương và người dân trên địa bàn tiếp tục duy trì, mở rộng diện tích sản xuất dừa hữu cơ và xây dựng mã số vùng trồng để phục vụ xuất khẩu, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.

vna_potal_ben_tre_gan_7250ha_san_xuat_dua_dat_tieu_chuan_huu_co_6155392.jpg
Vùng sản xuất dừa đạt tiêu chuẩn hữu cơ tại xã Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành và địa phương tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 21/01/2021 của Tỉnh ủy về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn với phát triển chuỗi giá trị nông sản chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 3003/KH-UBND của UBND tỉnh ngày 01/6/2021 về thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy.

Tỉnh Bến Tre đã xác định quy mô và lộ trình cụ thể thực hiện xây dựng vùng sản xuất dừa đến năm 2025 đạt 20.000 ha dừa hữu cơ và phân kỳ cụ thể cho từng năm để triển khai. Đến nay, diện tích dừa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ 20.781,6 ha, đạt 103,9% so với kế hoạch.

Hiện tại, các doanh nghiệp xuất khẩu dừa tươi trên địa bàn tỉnh đã và đang xuất khẩu vào thị trường Mỹ và Trung Quốc. Để hỗ trợ doanh nghiệp, UBND tỉnh chỉ đạo ngành công thương thường xuyên cập nhật các thông tin, quy định về xuất nhập khẩu dừa từ các quốc gia khác nhau để kịp thời cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu dừa thông qua website và fanpage sở, nhóm zalo hỗ trợ doanh nghiệp... Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ dừa, góp phần vào tăng trưởng bền vững cho ngành dừa và chế biến dừa của tỉnh.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Đoàn Văn Đảnh cho biết, toàn tỉnh đã xây dựng 133 vùng trồng được cấp mã số vùng trồng dừa tươi xuất khẩu với quy mô 8.373,61 ha, 12.892 hộ tham gia và 14 cơ sở đóng gói được cấp mã số xuất khẩu thị trường Trung Quốc, phân bố tại các huyện Châu Thành, Ba Tri, Giồng Trôm, Bình Đại, Mỏ Cày Bắc và thành phố Bến Tre.

Tại Bến Tre, việc xây dựng và quản lý vùng trồng, vùng sản xuất dừa được các ngành, các cấp quan tâm tổ chức thực hiện. Đặc biệt, đối với những khu vực trồng dừa theo các tiêu chuẩn hữu cơ, các chi phí chứng nhận, quản lý vùng nguyên liệu đã được doanh nghiệp tham gia xây dựng vùng sản xuất đầu tư và thực hiện khá tốt.

Ông Bùi Dương Thuật, Giám đốc Công ty TNHH trái cây Mekong, xã Hữu Định, huyện Châu Thành (Bến Tre) cho biết, do công ty đã xuất khẩu dừa tươi sang những quốc gia khó tính, nhất là thị trường châu Âu nên cách đây từ 5 đến 7 năm, công ty đã kiểm soát rất chặt chẽ đối với vùng trồng và cơ sở đóng gói. Tất cả các khâu trong nhà máy để sản xuất hàng xuất khẩu đã áp dụng theo đúng các tiêu chuẩn mà thị trường châu Âu, Mỹ đề xuất. Hiện mã vùng trồng của Công ty TNHH trái cây Mekong đang xây dựng với diện tích hơn 40 ha trên tổng số gần 200 ha vùng trồng để phục vụ cho thị trường Trung Quốc. Đến nay, công ty đã xuất khẩu sang 10 quốc gia trên thế giới, với công suất khoảng 30-40 containner dừa tươi mỗi tháng.

UBND tỉnh Bến Tre chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp với các ngành, địa phương vận động người dân chuyển đổi hình thức sản xuất theo hướng tổ hợp tác, hợp tác xã nhất là sản xuất dừa theo hướng hữu cơ, để mở rộng diện tích các vườn dừa hữu cơ tập trung, xây dựng mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu dừa tươi, đồng thời vận động doanh nghiệp trên địa bàn tham gia liên kết với tổ hợp tác, hợp tác xã.

Qua đó, số lượng hợp tác xã tham gia vào chuỗi giá trị dừa ngày càng tăng. Từ năm 2021 đến nay, tăng 16 tổ hợp tác, hợp tác xã tham gia vào chuỗi giá trị dừa. Đến nay, tỉnh có 32 tổ hợp tác, 34 hợp tác xã tham gia vùng sản xuất gắn với chuỗi giá trị dừa với tổng diện tích đạt 10.094,55 ha với 7.048 thành viên.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ cho nông dân trồng dừa, cũng như đồng hành cùng doanh nghiệp, UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác, tư vấn kỹ thuật canh tác dừa hữu cơ; tuyên truyền, vận động tham gia xây dựng vùng sản xuất. Tỉnh xây dựng mô hình điểm về xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với phát triển chuỗi giá trị; xây dựng và mở rộng vùng trồng dừa tươi xuất khẩu đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.... Qua đó, nhằm giới thiệu, quảng bá rộng rãi về tiềm năng của cây dừa Bến Tre, cũng như kết nối tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng của tỉnh.

Năm 2024, ngành chức năng tỉnh thực hiện 100 cuộc tư vấn kỹ thuật, 190 cuộc tư vấn thực hành ủ phân hữu cơ, 105 lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác dừa tươi xuất khẩu, ủ phân hữu cơ, xử lý sâu đầu đen hại dừa, kỹ thuật canh tác dừa hữu cơ trên địa bàn các huyện. Đồng thời, xây dựng thí điểm 1 mô hình “Hội nông dân xã, chi hội trưởng nông dân ấp tham gia làm cộng tác viên sản xuất dừa hữu cơ, quản lý vùng sản xuất dừa hữu cơ" tại xã Tân Trung, huyện Mỏ Cày Nam.

Công Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm