Trà Vinh xây dựng thương hiệu, hình thành liên kết chuỗi giá trị sản phẩm lúa và dừa

Tỉnh Trà Vinh có diện tích đất trồng lúa chiếm hơn 58% đất nông nghiệp của tỉnh, diện tích trồng dừa đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau tỉnh Bến Tre, nên tỉnh xác định đây là 2 cây trồng chủ lực, lợi thế của địa phương.

vna_potal_tra_vinh_trung_mua_vu_lua_dong_xuan_2023-2024_7305615.jpg
Nông dân xã Thanh Mỹ (Châu Thành, Trà Vinh) thu hoạch lúa vụ Đông Xuân 2023-2024. Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN

Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho biết: Tỉnh đã tập trung nhiều giải pháp để nâng cấp chuỗi giá trị 2 ngành hàng hàng này; trong đó chú trọng việc định hướng nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, hữu cơ, tham gia hợp tác xã, đẩy mạnh liên kết hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ để nâng cao giá trị sản phẩm và có thị trường tiêu thụ bền vững.

Ngành hàng lúa gạo ở Trà Vinh những năm gần đây đã có nhiều “điểm sáng” khi các hợp tác xã phát huy cao vai trò cầu nối, thắt chặt liên kết giữa nông dân với nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp để tiếp cận các chính sách, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, giảm giá thành và có thị trường tiêu thụ bền vững. Đồng thời, các hợp tác xã chú trọng xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để khẳng định uy tín, chất lượng; từng bước xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao, giảm phát thải… Nhờ vậy, hạt gạo quê hương Trà Vinh ngày càng vươn xa, có chỗ đứng ở thị trường trong nước và đang hướng đến chinh phục thị trường xuất khẩu; giúp nông dân sản xuất đạt lợi nhuận cao.

Đối với ngành hàng dừa, toàn tỉnh hiện có 5.276 ha dừa hữu cơ được 8 công ty, hợp tác xã liên kết tiêu thụ; nhà vườn sản xuất trong mô hình luôn đạt được lợi nhuận cao hơn tập quán canh tác cũ, do giá bao tiêu cao hơn từ 5-10% so với giá thị trường.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Lê Văn Đông, thực tế đã chứng minh các hợp tác xã hoạt động đúng bản chất, thắt chặt liên kết hợp tác sản xuất, tiêu thụ mang lại hiệu quả rất cao cho thành viên. Tuy nhiên, phần lớn 2 ngành hàng này ở Trà Vinh sản xuất vẫn còn ở quy mô manh mún, nhỏ lẻ; diện tích trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ vẫn còn khá “khiêm tốn”; số lượng nông dân tham gia kinh tế hợp tác và liên kết tiêu thụ sản phẩm còn rất hạn chế, thiếu đầu mối, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Toàn tỉnh hiện chỉ có trên 3.434 ha trồng lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ, 6 hợp tác xã hoạt động lĩnh vực lúa, với tổng diện tích 5.197 ha, chiếm 6,5% tổng diện tích lúa toàn tỉnh; 12 hợp tác xã hoạt động ngành hàng dừa trên tổng diện tích 882,7 ha, chiếm 3,22% diện tích dừa của tỉnh.

Để nâng cao giá trị sản phẩm lúa và dừa, tạo vùng nguyên liệu tập trung, dễ ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nhà nước và vật tư đầu vào chất lượng, giá rẻ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn vừa chỉ đạo ngành chức năng tỉnh tăng cường hỗ trợ các địa phương và nông dân thành lập hợp tác xã lúa và dừa. Đây được xem là giải pháp “then chốt” để thúc đẩy ngành hàng lúa và dừa phát triển bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh và tăng thu nhập cho nông hộ.

Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ đến địa phương, hợp tác xã, cán bộ quản lý, thành viên hợp tác xã nông nghiệp; trong đó, ưu tiên phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới, hoạt động hiệu quả, gắn với vùng sản xuất, sản phẩm OCOP; liên kết với doanh nghiệp hình thành chuỗi giá trị quy mô lớn, cung cấp nguyên liệu đầu vào, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp về sản lượng, chất lượng, phục vụ thị trường tiêu thụ lúa và dừa trong nước và xuất khẩu.

Các sở, ngành, địa phương khuyến khích, hỗ trợ hợp tác xã tham gia phát triển vùng nguyên liệu tập trung, gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cấp mã số vùng trồng, xây dựng thương hiệu sản phẩm, hình thành liên kết chuỗi giá trị lúa và dừa. Ông Lê Văn Hẳn lưu ý các địa phương phát triển đội ngũ tư vấn, lực lượng khuyến nông, khuyến nông cộng đồng tham gia hỗ trợ phát triển hợp tác xã.

Liên minh Hợp tác xã tỉnh phối hợp với các địa phương tích cực tuyên truyền, vận động các hộ trồng, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ lúa và dừa tham gia hoặc thành lập mới các hợp tác xã; đặc biệt là diện tích lúa tham gia Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” và các diện tích trồng dừa hữu cơ.

Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các địa phương, tham mưu UBND tỉnh phân bổ nguồn lực hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến và thương mại sản phẩm, mua sắm trang thiết bị, máy móc phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của hợp tác xã lúa và dừa.

Tỉnh Trà Vinh ưu tiên cân đối bố trí nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 để hỗ trợ kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn phát triển.

Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai hiệu quả chính sách ưu đãi về đất đai đối với hợp tác xã; tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xã thuê đất ổn định, lâu dài, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Đồng thời thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích hợp tác xã tập trung, tích tụ đất đai; hình thành vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm lúa và dừa; hỗ trợ, hướng dẫn, tạo điều kiện để các hợp tác xã được chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất xây dựng cơ sở hạ tầng (nhà kho, nhà xưởng, cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm…) gắn với điều kiện thực tiễn và phương án sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã.

Lãnh đạo UBND tỉnh Trà Vinh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm đặc biệt việc phát triển hợp tác xã, tăng cường nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức về vai trò của hợp tác xã, xem đây là một trong những giải pháp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tránh lơ là, chủ quan; chỉ đạo các phòng chuyên môn huyện, UBND cấp xã bố trí công chức năng lực, kinh nghiệm, tâm huyết, trách nhiệm cao để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn phụ trách.

Các địa phương phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức truyền thông, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nhận thức, năng lực cho đội ngũ cán bộ chuyên trách của địa phương và đội ngũ cán bộ của hợp tác xã nông nghiệp, thành viên hợp tác xã. Đồng thời phát triển đội ngũ tư vấn, lực lượng khuyến nông cộng đồng tại địa phương để tư vấn, hỗ trợ phù hợp với nhu cầu của hợp tác xã lúa, dừa và điều kiện thực tế của địa phương; hỗ trợ, thúc đẩy các hợp tác xã lúa và dừa trên địa bàn chuyển đổi sản xuất theo hướng bền vững, liên kết chuỗi giá trị.

Tỉnh Trà Vinh có tổng diện tích trồng lúa gần 82.500 ha, mỗi năm (3 vụ) gieo trồng gần 201.900 ha với sản lượng 1,16 triệu tấn. Toàn tỉnh có trên 27.500 ha trồng dừa, với sản lượng khoảng 392.400 tấn trái/năm. Đây là 2 cây trồng có diện tích lớn nhất ở Trà Vinh Vinh hiện nay; trong đó, cây lúa tạo sinh kế, mang lại nguồn thu nhập chính cho khoảng 60% người dân nông thôn của tỉnh Trà Vinh.

Cây dừa cũng được UBND tỉnh thực hiện nhiều giải pháp để nâng cấp chuỗi giá trị từ năm 2018 đến nay, nhằm giúp doanh nghiệp hoạt động ngành hàng dừa và nông dân trồng dừa gia tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Trà Vinh cũng đang từng bước tham gia thị trường tín chỉ carbon trong nước và quốc tế đối với 2 ngành hàng này.

Thanh Hòa

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm