An Giang xây dựng vùng sản xuất chuyên canh rau màu công nghệ cao

Nông dân  chuyển đổi diện tích đất trồng lúa sang trồng khoai môn sáp cho lợi nhuận tăng hơn 5 lần so với trồng lúa trước đó. Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN
Nông dân chuyển đổi diện tích đất trồng lúa sang trồng khoai môn sáp cho lợi nhuận tăng hơn 5 lần so với trồng lúa trước đó. Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN

Tỉnh An Giang định hướng phát triển các vùng sản xuất chuyên canh rau màu quy mô lớn, rau màu công nghệ cao trọng điểm. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, mô hình công nghệ cao, công nghệ 4.0 vào sản xuất, xây dựng mã vùng trồng theo tiêu chuẩn xuất khẩu và sản xuất theo chứng nhận.

An Giang xây dựng vùng sản xuất chuyên canh rau màu công nghệ cao ảnh 1Nông dân  chuyển đổi diện tích đất trồng lúa sang trồng khoai môn sáp cho lợi nhuận tăng hơn 5 lần so với trồng lúa trước đó. Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN

An Giang cũng đặt mục tiêu xây dựng và phát triển vùng sản xuất chuyên canh tập trung rau màu, rau màu công nghệ cao chủ lực của tỉnh đến năm 2025 với quy mô trên 6.000 ha, bao gồm rau an lá diện tích gần 1.500 ha, rau ăn quả gần 1.400 ha, rau ăn củ 445 ha, bắp các loại gần 2.200 ha, đậu phộng 200 ha và khoai cao 380 ha. Trong đó, diện tích được cấp mã số vùng trồng theo tiêu chuẩn xuất khẩu khoảng 3.000 ha.

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân hàng năm đạt 2,8%. Nâng cao vị thế ngành hàng rau màu tỉnh An Giang một cách bền vững, hiệu quả, có đủ sức cạnh tranh, góp phần tăng thu nhập cho người sản xuất.

Đến năm 2025, An Giang phấn đấu nâng diện tích rau màu, rau màu công nghệ cao chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm lên trên 1.600 ha; diện tích được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP gần 1.350 ha; diện tích được chứng nhận GlobalGAP là 350 ha.

Song song đó, An Giang thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác gắn với chuỗi giá trị chủ lực vùng sản xuất chuyên canh. Đến năm 2025, củng cố 16 tổ hợp tác, hợp tác xã và thành lập mới 8 tổ hợp tác, hợp tác xã chuyên sản xuất, sơ chế, tiêu thụ sản phẩm rau màu theo tiêu chuẩn chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Các tổ hợp tác, hợp tác xã củng cố và thành lập mới đều được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận "An Giang" cho sản phẩm rau màu, rau màu công nghệ cao.

Đến năm 2025, An Giang xây dựng thành công 6 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hoặc dự án cho rau mau, rau màu công nghệ cao với quy mô diện liên kết đạt 775 ha; tỷ lệ tiêu thụ theo hợp đồng liên kết đạt trên 50% sản lượng. Giá bán và giá trị sản xuất tăng của nông dân trồng rau màu trong vùng sản xuất chuyên canh tập trung tăng tối thiểu từ 20% so với sản xuất ngoài vùng chuyên canh tại thời điểm năm 2021; thu nhập rau màu công nghệ cao tăng tối thiểu 40%.

Để đạt được các mục tiêu trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang - Trần Anh Thư cho biết, tỉnh sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác đầu tư vào chế biến, bảo quản rau màu thông qua việc thúc đẩy, hình thành các dự án chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm rau màu trên địa bàn tỉnh.

"Ngành nông nghiệp An Giang sẽ đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất theo nhu cầu thị trường, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, quy mô hàng hóa lớn, có sự liên kết giữa doanh nghiệp - hợp tác xã/tổ hợp tác - người sản xuất; xác định được vai trò đầu tàu của doanh nghiệp, phát triển kinh tế tập thể với vai trò chủ lực là hợp tác xã nông nghiệp; thúc đẩy nông dân tham gia vào liên kết chuỗi", ông Thư cho biết.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, tỉnh sẽ tổ chức lại sản xuất rau màu theo hướng tiên tiến, hiện đại nâng cao chất lượng, tạo giá trị sản xuất và giá trị gia tăng của sản phẩm. Đồng thời, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến gắn với tiêu chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn thị trường đối với các sản phẩm rau màu, rau màu công nghệ cao tỉnh An Giang…

Thời gian tới, An Giang cũng tăng cường công tác giám sát cung, dự báo thị trường, đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ trong nước, chuyển đổi dần sang xuất khẩu chính ngạch đối với thị trường Campuchia, Trung Quốc và mở rộng xuất khẩu đối với các thị trường tiềm năng như EU, Nhật, Mỹ, Australia, Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, thúc đẩy phát triển ngành chế biến rau màu của tỉnh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030 hiệu quả, an toàn, bền vững và đáp ứng khả năng cung ứng trong sản xuất và nhu cầu thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, từng bước khuyến khích và nhân rộng các mô hình, cách làm hiệu quả trong sản xuất sạch, an toàn và truy xuất nguồn gốc, để thúc đẩy cộng đồng chuyển dần tư duy sang hướng sản xuất bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, tỉnh cũng hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác đầu tư vào chế biến, bảo quản rau màu thông qua việc thúc đẩy, hình thành các dự án chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm rau màu trên địa bàn tỉnh.

Giai đoạn 2021-2025, An Giang kỳ vọng sẽ chuyển 34.100 ha diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang trồng rau, màu, cây ăn trái. Theo đó, nhóm rau dưa các loại như: cây ớt, đậu bắp Nhật, đậu nành rau, bắp thu trái non và rau dưa các loại với hơn 7.000 ha, nhóm cây màu chủ yếu mè, bắp các loại và nhóm cây có củ, cây cao lương... gần 17.800 ha, nhóm cây ăn trái chủ yếu chuối, xoài, mít, nhãn, sầu riêng và cây có múi hơn 14.200 ha.

Đến năm 2030, tỉnh thực hiện chuyển đổi các mô hình rau màu, cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao, ưu tiên các diện tích có điều kiện hạ tầng thuận lợi cho chuỗi liên kết với doanh nghiệp. Tiếp tục duy trì và khuyến khích các diện tích cây ăn trái có hiệu quả, tiến đến hình thành ít nhất 2 vùng sản xuất chuyên canh cây ăn trái có liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị hàng hóa…

Thanh Sang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm