Trồng ớt tại ấp Xóm Chủ, xã Kiểng Phước , huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Hồng Nhung - TTXVN |
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Nghĩa, thực hiện mục tiêu trên, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã trồng được trên 35.000 ha màu các loại, tăng hơn 10,1% so cùng kỳ năm trước. Bà con đã thu hoạch trên 30.000 ha với sản lượng rau màu các loại trên 608.000 tấn, tăng 9,2% so cùng kỳ năm trước.
Theo đó, diện tích rau màu luân canh trên nền đất lúa đạt gần 2.000 ha, tăng 6,5% so với năm trước. Diện tích màu đưa xuống chân ruộng tập trung nhiều nhất tại các huyện vùng ngập lũ phía Tây và vùng duyên hải Gò Công. Năm nay, Tiền Giang phấn đấu mở rộng diện tích màu đạt trên 57.000 ha và sản lượng trên 1,13 triệu tấn cung ứng thị trường.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang, về hiệu quả kinh tế, so sánh giữa cây lúa và trồng rau màu thì hiệu quả rau màu mang lại rất cao. Cụ thể, dưa hấu lợi nhuận gấp 3,7 lần trồng lúa, ớt gấp 2,4 lần và rau ăn lá gấp 2 lần trồng lúa...
Bà con chú trọng đưa nhiều giống rau màu lai F1 vào sản xuất đại trà với ưu điểm thời gian sinh trưởng ngắn, cho sản phẩm chất lượng, kháng sâu bệnh, giúp tăng năng suất, sản lượng cung ứng thị trường. Chủng loại rau màu được bà con trồng cũng hết sức đa dạng gồm: dưa hấu, dưa leo, khổ qua, bầu, bí, các loại rau màu ăn lá…
Nông dân Bùi Văn Tiếp, xã Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy nhiều năm nay áp dụng mô hình trồng luân canh hai vụ lúa + 1 vụ dưa hấu trên 2,7 ha đất canh tác cho biết, với mô hình trên, trung bình mỗi năm, gia đình ông thu lãi gần 300 triệu đồng; trong đó, dưa hấu chiếm đến 70% tổng nguồn thu.
Còn theo ông Trần Thanh Sang, cư ngụ tại xã Tân Hòa Thành, huyện Tân Phước trồng 5.000 m2 (0,5 ha) màu theo mô hình chuyên canh mỗi năm 4 vụ với 2 loại màu chủ lực là dưa leo và khổ qua thì trung bình rau màu cho năng suất 2 tấn/1 công đất/vụ, bán giá bình quân 7.000 đồng/kg. Với 0,5 ha quay 4 vòng, mỗi năm ông tổng thu 280 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 150 triệu đồng. Tính ra, nguồn lợi từ cây màu chuyên canh mang lại gấp chục lần so với trồng lúa năng suất cao.
Đặc biệt, các huyện, thị Duyên hải phía Đông tỉnh Tiền Giang tiếp giáp với biển Đông không chỉ chú trọng đưa cây màu xuống chân ruộng thích ứng biến đổi khí hậu mà còn tổ chức lại sản xuất theo hướng hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng rau màu liên kết theo chuỗi giá trị nhằm giải quyết đầu ra cho nông sản, xã viên hưởng lợi.
Điển hình như: Hợp tác xã rau an toàn Gò Công (xã Long Hòa, thị xã Gò Công) với quy mô 55 thành viên, diện tích sản xuất 18 ha; trong đó, có 12 ha đạt tiêu chí VietGAP, 6 ha sản xuất theo hướng an toàn.
Theo ông Lê Văn An, Giám đốc Hợp tác xã rau an toàn Gò Công, hiện nay, hợp tác xã sản xuất 56 chủng loại rau, củ, quả. Sản lượng mỗi năm gần 3.000 tấn rau an toàn. Hiện nay, hợp tác xã đã liên kết với hàng chục đầu mối là các siêu thị, doanh nghiệp, các bếp ăn tập thể trong ngoài tỉnh và Tp. Hồ Chí Minh đảm bảo tiêu thụ ổn định mỗi ngày 3 - 4 tấn sản phẩm. Nhờ vậy, hợp tác xã phát triển ổn định và đời sống xã viên ngày càng nâng lên. Mô hình này đang được tỉnh nhân rộng.
Minh Trí