Hiệu quả nuôi tôm quảng canh ở Bến Tre

 Hiệu quả nuôi tôm quảng canh ở Bến Tre
Mô hình nuôi tôm tuần hoàn nước khép kín chú trọng khâu cải tạo nước thải từ ao nuôi trước khi đưa nước trở lại vào ao nuôi chính. Ảnh: Huỳnh Thế Anh - TTXVN
Mô hình nuôi tôm tuần hoàn nước khép kín chú trọng khâu cải tạo nước thải từ ao nuôi trước khi đưa nước trở lại vào ao nuôi chính. Ảnh: Huỳnh Thế Anh - TTXVN
Trước đây, do nuôi tôm thâm canh không mang lại hiệu quả kinh tế, sau nhiều lần thua lỗ, anh Nguyễn Văn Thường, xã Mỹ An, huyện Thạnh Phú (Bến Tre) đã chuyển đổi 1,6 ha đất sang nuôi tôm càng xanh quảng canh kết hợp trồng lúa mùa. Về kỹ thuật nuôi, anh Thường chia lịch canh tác thành 6 tháng/vụ. 6 tháng đầu năm, nước mặn trên 4 phần nghìn, anh nuôi chuyên canh vụ tôm càng xanh toàn đực, tôm thẻ chân trắng; 6 tháng cuối năm, độ mặn nước thấp hơn nên trong khi vẫn thả tiếp vụ tôm càng xanh, anh trồng thêm vụ lúa mùa. Tôm càng xanh thường 6 tháng mới thu hoạch, nhưng do nguồn thức ăn dồi dào từ trồng lúa nên chỉ khoảng 5 tháng, tôm đã đạt chuẩn để bán. Hơn nữa, giá trị lúa trong ao tôm ngày càng tăng thêm do được chứng nhận nhãn hiệu lúa sạch. Mỗi năm gia đình anh Thường thu lãi hơn 400 triệu đồng. Theo anh Thường, hầu hết những hộ nuôi tôm biển thâm canh chưa có điều kiện đầu tư tốt về kỹ thuật và xử lý môi trường nuôi. Vì vậy, người nuôi không những phải đối mặt với nhiều rủi ro như tôm bệnh, chết… mà còn là mối đe dọa lớn đến môi trường nuôi xung quanh. Anh Trần Thanh Hải, xã Mỹ An, huyện Thạnh Phú, có 6 năm nuôi tôm quảng canh cải tiến, năm nào cũng có lời. Ngoài việc nuôi tôm ở môi trường tự nhiên, anh Hải còn cho tôm ăn thức ăn tự làm, ít sử dụng thức ăn công nghiệp, không sử dụng thuốc xử lý nên nguồn nước không bị độc hại khi thải ra môi trường. Với diện tích 10.000 m2 mặt nước, anh thả tôm càng xanh với mật độ thưa hơn 200 con/m2. Bên cạnh đó, anh thả thêm tôm thẻ chân trắng, các loại cá ăn thức ăn dư thừa của tôm để làm sạch ao. Nuôi tôm quảng canh cải tiến không phải đầu tư nhiều vốn, có thể sử dụng ít diện tích đất.... Theo anh Hải, để nuôi tôm đạt hiệu quả, khi tôm lớn phải lựa chọn các con đạt kích cỡ để bán trước, các con nhỏ tiếp tục nuôi lớn rồi bán sau. Ngoài ra, thường xuyên thay đổi các loại tôm để nuôi như: tôm sú, tôm thẻ, tôm càng xanh để tránh lây lan bệnh giữa các vụ nuôi. Tuy lợi nhuận không cao bằng so với nuôi tôm công nghiệp. Anh Hải cho biết, nuôi tôm quảng canh cải tiến cho thu nhập ổn định từ 300 triệu đồng đến 350 triệu đồng/ha/năm, ít bị rủi ro và đặc biệt giúp môi trường ít bị ô nhiễm. Năm nay, giá tôm biển luôn duy trì ở mức cao nên mang lại lợi nhuận ổn định cho người nông dân. Theo đó, tôm sú ướp đá cỡ 30 con/kg, luôn giữ ở mức hơn 230.000 đồng/kg, 40 con/kg, hơn 180.000 đồng/kg, tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg giá giữ mức hơn 100 đồng/kg. Riêng tôm sú được rộng oxy giá thường cao gấp 1,5 lần giá tôm ướp đá, tôm càng xanh loại 20 con/kg có giá từ 250.000 đồng đến 300.000 đồng/kg. Theo Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Phú Trương Thanh Hải, năm nay, trên 90% diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn huyện trúng mùa. Đáng mừng là bà con đã làm theo khuyến cáo các ngành chức năng khi phát triển các mô hình nuôi tôm có khả năng thích ứng tốt với biến đổi khí hậu như: tôm quảng canh, quảng canh cải tiến, luân canh lúa trong ao tôm. Đặc biệt, vụ tôm năm nay, đã có hơn 100 ha tôm thâm canh thông thường chuyển sang nuôi tôm thâm canh 2 giai đoạn, áp dụng công nghệ cao thích ứng tốt với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, đạt năng suất hơn 90 tấn/vụ/ha. Tại huyện Thạnh Phú, để khai thác tốt hơn lợi thế của con tôm biển quãng canh, chính quyền đã tiến hành xây dựng nhãn hiệu cho con tôm biển bằng các khuyến cáo người dân không thuốc kháng sinh và sản xuất theo các tiêu chuẩn sạch, hữu cơ nhằm phát triển thương hiệu cùng với lúa sạch Thạnh Phú. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyên Thạnh Phú, địa phương hiện có trên 18.000 ha diện tích nuôi tôm biển; trong đó, khoảng 1.500 ha tôm biển thâm canh và hơn 6.500 ha nuôi tôm càng xanh xen trong ruộng lúa. Năng suất bình quân của mô hình nuôi tôm quảng canh thích ứng với biển đổi khí hậu đạt hơn 2,2 tấn/ha/năm, tăng hơn 20% so với các năm trước. Cùng với đó, huyện Thạnh Phú cũng hỗ trợ người dân phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại các vùng nuôi tôm sạch góp phần tăng thu nhập cho người nuôi và thông qua mô hình này để quảng bá nhãn hiệu lúa sạch cùng như du lịch sinh thái tại huyện Thạnh Phú.
Huỳnh Phúc Hậu

Có thể bạn quan tâm