Yên Bái: Bước chuyển tích cực bắt nhịp thị trường

Các sản phẩm nông sản OCOP của Yên Bái. Ảnh: Tiến Khánh – TTXVN
Các sản phẩm nông sản OCOP của Yên Bái. Ảnh: Tiến Khánh – TTXVN

Nhằm thích ứng và phát triển trong năm 2022, không ít hợp tác xã đã xây dựng kế hoạch rõ ràng, tạo đà phát triển linh hoạt trong bối cảnh mới. Tuy nhiên, để có thể bật dậy mạnh mẽ sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhiều ý kiến cho rằng các hợp tác xã cần tái cấu trúc lại mô hình sản xuất kinh doanh cũng như chuyển đổi số để bắt nhịp thị trường.

Yên Bái: Bước chuyển tích cực bắt nhịp thị trường ảnh 1Sản phẩm nông sản OCOP của Yên Bái đều được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, thân thiện với môi trường. Ảnh: Tiến Khánh - TTXVN

Chủ động thích ứng

Đến với Yên Bái những ngày đầu Xuân, khí thế sản xuất kinh doanh đã nhộn nhịp tại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã. Đón lộc ngay từ những ngày đầu năm, 10 tấn bún khô của Hợp tác xã Thanh Mai (huyện Văn Yên-Yên Bái) đã được sản xuất theo đơn đặt hàng của Công ty TNHH Phát triển thương mại dịch vụ Đông Hải và lên đường vào Thành phố Hồ Chí Minh.

Ở một hướng đi khác, nhằm tạo động lực cho bà con dân tộc thiểu số tham gia hợp tác xã, sau gần 2 năm phấn đấu, khoai sọ và măng ớt của Hợp tác xã Kinh doanh sản xuất và Dịch vụ tổng hợp Hưng Thùy (huyện Trạm Tấu, Yên Bái) đã đạt tiêu chuẩn Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) 3 sao cấp tỉnh.

Ông Hoàng Văn Hưng, Giám đốc Hợp tác xã chia sẻ: Kể từ khi hợp tác xã có 2 sản phẩm OCOP, việc sản xuất, kinh doanh đã có mức tiêu thụ tăng gấp 2-3 lần, thị trường tiếp tục được nhân rộng ra toàn quốc. Bởi vậy, hợp tác xã đã chủ động nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã để nâng thứ hạng sản phẩm lên OCOP 4 sao.

Là một trong những đơn vị tiên phong trong chuyển đổi số, Công ty cổ phần Yên Thành (huyện Yên Bình) - doanh nghiệp thành viên của Liên minh Hợp tác xã tỉnh Yên Bái chuyên chế biến các sản phẩm từ măng tre Bát độ xuất khẩu Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc).

Đây là những thị trường có tiêu chuẩn khắt khe nên đối tác đòi hỏi kiểm soát tất cả các khâu từ trồng trọt, chăm bón của người nông dân đến thu hoạch, vận chuyển, chế biến đều có nhật ký và truy xuất được nguồn gốc.

Ông Nguyễn Đức Dũng- Giám đốc Công ty cổ phần Yên Thành cho hay: Sau khi chuyển đổi số, áp dụng công nghệ số vào sản xuất các lô măng từ canh tác, dời vườn đến chế biến và đóng gói xuất khẩu đều được công ty kiểm soát chặt chẽ, truy xuất nguồn gốc rõ ràng trên máy tính.

Mặt khác, Công ty đã cập nhật đến từng hộ trồng măng trên bản đồ số hóa về diện tích trồng, chi phí phân bón, giá mua bán sản phẩm… bảo đảm khách quan, minh bạch, người dân tự kiểm tra.

Yên Bái: Bước chuyển tích cực bắt nhịp thị trường ảnh 2Nhiều sản phẩm nông sản OCOP của Yên Bái đã trở thành mặt hàng quen thuộc với người tiêu dùng trong các siêu thị lớn trên toàn quốc. Ảnh: Tiến Khánh - TTXVN

Nhờ áp dụng công nghệ số vào quá trình sản xuất, Công ty giữ vững được uy tín với đối tác. Từ đó duy trì ổn định thị trường xuất khẩu đạt trên 2.000 tấn sản phẩm/năm, doanh thu hơn 70 tỷ đồng.

Ông Đỗ Nhân Đạo- Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Yên Bái cho biết: Thời gian qua, các hợp tác xã tỉnh Yên Bái đã tích cực áp dụng công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình sản xuất và kinh doanh.

Nhiều hợp tác xã đã chia sẻ quá trình sản xuất, chế biến và cung cấp thông tin về nông sản qua Facebook, Zalo, Tik Tok... và đẩy mạnh bán hàng qua sàn thương mại điện tử, sử dụng hóa đơn điện tử, kinh doanh trên nền tảng số...

Không những thế, một số hợp tác xã xây dựng, đăng ký tên miền cho website riêng để quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm như Hợp tác xã dược liệu Thanh Sơn (huyện Văn Yên) chuyên sản xuất và cung cấp các sản phẩm cà gai leo khô, cao cà gai leo đạt chuẩn OCOP 3 sao.

Đặc biệt, tỉnh Yên Bái cũng đã hỗ trợ các doanh nhiệp, hợp tác xã đưa 118/132 sản phẩm OCOP 3 sao và 4 sao lên sàn thương mại điện tử Yên Bái và các sàn Voso, Postmart, Shopee, Tiki, Sendo, Lazada…

Ngoài ra, một số doanh nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử quốc tế như Alibaba.com. Đây là tín hiệu vui, thể hiện sự bắt nhịp thị trường của các hợp tác xã trong thời đại công nghệ số.

Hoàn thiện và phát triển

Dự báo năm 2022, dịch COVID-19 sẽ có chiều hướng tăng cao nên việc để các hợp tác xã từng bước phục hồi, thích ứng, linh hoạt, phát triển hợp tác xã theo chuỗi giá trị bền vững là bước đi hiệu quả. Tuy nhiên, để làm được điều này, cần sự vào cuộc của cả hệ thống và các cấp ngành.

Ông Vũ Công Lực, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: Tới đây cần đẩy mạnh phát triển các sản phẩm theo chuỗi giá trị để hợp tác xã liên kết vùng, miền.

Do đó, Quyết định số 167/QĐ-TTg phê duyệt Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021 – 2025 cần chọn thêm một số mô hình hợp tác xã để nhân rộng trong năm nay. Nếu đến năm 2025 mới thực hiện nhân rộng thì sẽ bị đứt gãy chuỗi.

Yên Bái: Bước chuyển tích cực bắt nhịp thị trường ảnh 3Các sản phẩm nông sản OCOP của Yên Bái. Ảnh: Tiến Khánh – TTXVN

Theo ông Huỳnh Bài, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Đắk Lắk, năm 2022 các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh có nhu cầu vay hàng tỷ đồng để đầu tư sản xuất theo hướng hàng hóa, chuyển đổi số nhằm hoàn thiện và phát triển chuỗi giá trị.

Vì vậy, cần giảm thiểu thủ tục một cách tối đa để tạo điều kiện cho hợp tác xã vay vốn nhanh, thuận lợi vì sản xuất nông nghiệp chủ yếu dựa vào mùa vụ, trong khi dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp.

Nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Bảo- Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam khẳng định: Nhờ linh hoạt trong sản xuất, chủ động chuyển đổi số, không ít hợp tác xã đã vươn lên, góp phần hạn chế đứt gãy chuỗi giá trị hàng hóa.

Do đó, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai việc kết nối với các hợp tác xã cũng như đẩy mạnh các nguồn lực để xây dựng các mô hình hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị của 63 tỉnh, thành phố nhằm nhân rộng và tạo hiệu ứng lan tỏa.

Uyên Hương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm