Giai đoạn 2022-2025, tỉnh Trà Vinh tập trung nhiều giải pháp để thực hiện Chương trình Mỗi xã Một sản phẩm (OCOP). Tỉnh đặt mục tiêu, giai đoạn này có thêm 100 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 đến 4 sao; trong đó, sẽ lựa chọn 5 - 7 sản phẩm để nâng cao chất lượng đạt OCOP 5 sao (sản phẩm cấp quốc gia).
Theo đó, Trà Vinh sẽ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ các cấp về những kiến thức liên quan đến chương trình này, tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện chương trình. Bên cạnh đó, ngành chức năng nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân có sản phẩm OCOP phát triển sản xuất, kinh doanh, từ lập phương án sản xuất kinh doanh; mua sắm trang thiết bị tiên tiến, xây dựng tiêu chuẩn nâng cao chất lượng sản phẩm; thiết kế, in ấn bộ nhận diện thương hiệu; đào tạo nguồn nhân lực; công tác xúc tiến thương mại…
UBND tỉnh cũng chỉ đạo ngành chức năng thường xuyên tư vấn, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các cơ sở tiếp cận các chính sách của tỉnh trong quá trình thực hiện chương trình; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại; khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở tích cực tham gia hội chợ quảng bá sản phẩm, hỗ trợ các doanh nghiệp, cửa hàng, siêu thị,... bán sản phẩm OCOP của tỉnh, đưa lên sàn thương mại điện tử. Tỉnh cũng sẽ ban hành quy chế quản lý cửa hàng bán sản phẩm OCOP; chế tài xử lý vi phạm, tránh việc lợi dụng thương hiệu OCOP để bán hàng kém chất lượng, hàng không phải sản phẩm OCOP…
Tỉnh sẽ nâng cao hiệu quả sản xuất và khả năng cạnh tranh sản phẩm OCOP, các dịch vụ thông qua năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng để đáp ứng nhu cầu thị trưởng nội địa và đẩy mạnh xuất khẩu. Trà Vinh chủ trương xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh sản xuất cây trồng, vật nuôi, thủy sản là thế mạnh của tỉnh theo hưởng liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị để tạo ra sản phẩm hàng hóa đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc gia (VietGAP); tiêu chuẩn toàn cầu (GlobalGAP) và tiêu chuẩn hữu cơ (Ogranic). Đồng thời, đẩy mạnh phát triển một số cây trồng có thế mạnh của tỉnh gồm lúa - gạo, màu thực phẩm, cây ăn trái, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp; phát triển công nghiệp chế biến nông, thủy sản và ngành nghề nông thôn.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Phạm Minh Truyền cho biết, hiện nay, tỉnh có 80 sản phẩm OCOP của 49 chủ thể (gồm 8 hợp tác xã, 9 công ty, 2 doanh nghiệp và 30 hộ kinh doanh); trong đó, 13 sản phẩm đạt 4 sao, 67 sản phẩm 3 sao.
Thời gian qua, ngành chức năng tỉnh huy động tổng nguồn lực gần 1 tỷ đồng để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình OCOP, bao gồm tư vấn và thiết kế nhãn hiệu, đăng kí nhãn hiệu sản phẩm; xây dựng câu chuyện sản phẩm; xây dựng cửa hàng kinh doanh sản phẩm OCOP, hỗ trợ xúc tiến thương mại… Thông qua Chương trình OCOP, các sản phẩm nông nghiệp nông thôn của tỉnh được nâng cao giá trị, giúp thị trường tiêu thụ ngày càng ổn định. Tuy vậy, việc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các sản phẩm OCOP thời gian qua còn thiếu tính đồng bộ nên hiệu quả mang lại chưa cao.
Thanh Hòa