Đóng hộp nhãn tiêu Huế xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tại cơ sở Ba Liêm. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN |
Trong số này, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 11,6 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2017; thuỷ sản ước đạt 4,63 tỷ USD, tăng 6,3%; các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 5,03 tỷ USD, tăng 12,3%...
Các thị trường tăng trưởng xuất khẩu nông sản mạnh là Indonesia (đối với gạo, cà phê, cao su), Nga (cà phê, hạt điều), Đức (đối với chè, hạt điều, hạt tiêu, cao su), Malaysia (đối với gạo, chè, gỗ, rau quả), Philippines (đối với gạo, cà phê), Ảrập Xê út (đối với chè), Iraq, Hong Kong (Trung Quốc) (đối với gạo), Mỹ (đối với chè, hạt điều, hạt tiêu), Ấn Độ (đối với cao su, hạt tiêu), Thái Lan (rau quả, thủy sản).
Gạo vẫn là một trong các mặt hàng tăng trưởng xuất khẩu tốt ước đạt 3,87 triệu tấn với 1,96 tỷ USD, tăng 12,2% về khối lượng và 29,2% về giá trị so với cùng kỳ 2017 . Trung Quốc tiếp tục đứng vị trí thứ nhất nhập khẩu gạo của Việt Nam với 26,8% thị phần.
Trong tháng 7, nhu cầu gạo nguyên liệu phục vụ xuất khẩu giảm do các doanh nghiệp đã hoàn tất các hợp đồng xuất khẩu cho Indonesia và Philippines. Trong khi đó, nguồn cung trong nước tăng từ vụ Hè Thu khiến giá gạo trắng 5% tấm còn 385 USD/tấn, giảm 14,4% so với tháng trước, thấp hơn giá gạo cùng loại của Thái Lan (397 USD/tấn) và Ấn Độ (410 USD/tấn).
Giá gạo xuất khẩu tại Ấn Độ giảm xuống do đồng Rupee tiếp tục suy yếu và nhu cầu giảm do người mua đang chờ đợi giá giảm sâu hơn nữa. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm tiếp do nguồn cung thu hoạch lúa Hè Thu đang tăng.
Dự báo, thị trường lúa gạo trong nước sẽ sôi động vào các tháng cuối năm do nhu cầu tiêu thụ tăng từ các thị trường nhập khẩu. Cụ thể, thị trường Philippines với nhu cầu nhập thêm 500.000 tấn gạo vào tháng 12; Iraq sẽ tăng nhập khẩu bởi nước này đang phải cắt giảm diện tích canh tác lúa để đối phó với tình trạng thiếu nước; các nước châu Phi vẫn có nhu cầu nhập khẩu gạo tăng để đáp ứng nhu cầu nội địa ngày càng cao….
Trong 7 tháng qua, xuất khẩu rau quả ước đạt 2,3 tỷ USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2017. Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam. Trong các tháng cuối năm, xuất khẩu rau quả có thể sẽ khó khăn do ảnh hưởng mùa mưa, sản lượng một số loại giảm.
Với cà phê, xuất khẩu 7 tháng ước đạt 1,16 triệu tấn với 2,22 tỷ USD, tăng 10,8% về khối lượng nhưng giảm 5,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cà phê xuất khẩu bình quân 6 tháng đạt 1.927 USD/tấn, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm 2017. Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam.
Giá cà phê giảm do dự báo sản xuất cà phê tại các quốc gia xuất khẩu lớn thuận lợi (triển vọng vụ mùa mới năm nay của Brazil sẽ hơn 60 triệu bao, đạt kỷ lục chưa từng có và của Việt Nam sẽ hơn 29,9 triệu bao, đạt mức cao nhiều năm gần đây) khiến cung cà phê toàn cầu sẽ dư nhẹ so với tiêu thụ toàn cầu.
Dự báo, thời gian tới, giá cà phê khó tăng mạnh do thị trường vẫn chịu áp lực nguồn cung từ mùa vụ mới và nhu cầu chưa có nhiều cải thiện. Doanh nghiệp và người dân cần thận trọng trong việc dự trữ tránh tình trạng giá giảm trở lại khi vào vụ thu hoạch trong quý 4/2018 của Việt Nam, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản khuyến cáo.
Xuất khẩu hạt tiêu 7 tháng ước đạt 153 nghìn tấn với 517 triệu USD, tăng 3,7% về lượng nhưng giảm 36,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Hiệp hội hồ tiêu Quốc tế (IPC) nhận định giá hạt tiêu trong các tháng cuối năm 2018 được kỳ vọng sẽ không biến động nhiều, do Việt Nam đã kết thúc vụ thu hoạch và Indonesia tuy đã bắt đầu vào vụ thu hoạch.
Chung tình cảnh như cà phê, tiêu... mặt hàng cao su xuất khẩu vẫn xuất khẩu ảm đạm. Trong 7 tháng, xuất khẩu cao su đạt 696.000 tấn, tương đương giá trị 997 triệu USD, tăng 9,9% về lượng nhưng giảm 10,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng leo thang đã gây áp lực xấu lên giá cao su. Dự báo thời gian tới, giá cao su trong nước vẫn chưa thể khởi sắc.
Bích Hồng