Với đặc thù 3 mặt giáp biển, Cà Mau có điều kiện lý tưởng cho các loại thuỷ sản phát triển; trong đó, ngành hàng cua. Đặc biệt, ngành cua Cà Mau đang từng bước khẳng định vị thế, trở thành đối tượng nuôi chủ lực thứ hai của địa phương, chỉ đứng sau con tôm.
Hiện nay, diện tích thả cua hàng năm trên địa bàn tỉnh Cà Mau khoảng trên 250.000 ha, sản lượng thu hoạch ước khoảng trên 25.000 tấn, giá trị thương phẩm với trên 10.000 tỷ đồng/năm. Tuy vậy, thực tế cho thấy, ngành hàng này đang đối mặt với nhiều khó khăn, có cả khách quan lẫn chủ quan. Do đó, “cởi trói” cho ngành hàng chủ lực này đang là bài toán cấp bách đang được tỉnh Cà Mau quan tâm tìm lời giải.
Bài 1: Triển vọng song hành cùng thách thức
Với vị thế đã được khẳng định, cua Cà Mau đã được cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý, tạo ra cơ sở pháp lý và công cụ để Cà Mau tăng cường việc quản lý, kiểm soát và quảng bá thương hiệu sản phẩm, khẳng định thương hiệu với thị trường trong và ngoài nước, góp phần nâng cao giá trị kinh tế địa phương.
Tuy nhiên, ngành hàng cua Cà Mau đang phải đối mặt với nhiều khó khăn; trong đó, tình trạng dịch bệnh trên cua, bị đánh cắp thương hiệu, thị trường trong nước và xuất khẩu chưa ổn định, chưa đủ điều kiện tiếp cận thị trường mới... đang là “sợi dây trói” khiến con cua Cà Mau chưa thể vươn ra biển lớn.
Giàu tiềm năng phát triển
Hiện nay, nghề nuôi cua vùng Đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu tập trung ở tỉnh Long An, Trà Vinh, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau; trong đó, nghề nuôi cua biển của Cà Mau có nhiều điểm khác biệt bởi điều kiện tự nhiên riêng biệt, kéo theo thổ nhưỡng, nguồn nước cũng phù hợp với điều kiện phát triển của con cua. Một lợi thế mà ít địa phương nào có được nữa là rừng ngập mặn với diện tích hơn 80.000ha… đã góp phần tạo nên sản phẩm có chất lượng được đánh giá là ngon nhất của của nước.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, trong những năm gần đây, diện tích và sản lượng cua nuôi của tỉnh Cà Mau không ngừng tăng. Nếu như năm 2016, diện tích nuôi cua chỉ khoảng 240.000 ha, năng suất bình quân 70kg/ha, sản lượng trên 17.400 tấn/năm thì đến năm cuối năm 2022, diện tích nuôi đã đạt khoảng 252.000 ha, năng suất bình quân 100kg/ha, sản lượng ước đạt khoảng 25.000 tấn/năm.
Trong số đó, diện tích nuôi cua kết hợp với tôm trong vùng rừng ngập được chứng nhận sinh thái, hữu cơ và các chứng nhận khác gần 20.000 ha (có 9 loại chứng nhận), sản lượng đạt khoảng 2.000 tấn. Phần lớn diện tích còn lại được nuôi theo hình thức tự nhiên, sinh thái.
Không dừng lại ở đó, qua nhiều năm chuyển đổi sản xuất, đến nay mô hình nuôi cua của tỉnh ngày càng đa dạng về hình thức, như nuôi cua kết hợp với các loài thủy sản khác (vùng nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến chuyên tôm, tôm lúa, tôm rừng) với diện tích khoảng 248.000 ha; nuôi thâm canh, bán thâm canh (nuôi cua hầm đất) bằng phương pháp nuôi cải tiến 2 giai đoạn khoảng 2.000 ha…
Điển hình nhất phải kể đến huyện Năm Căn, địa phương từ lâu luôn được xem là “thủ phủ” của cua biển tại Cà Mau. Phó Chủ tịch Hội Thủy sản huyện Năm Căn, kiêm Trưởng Ban Quản lý nhãn hiệu tập thể cua Năm Căn Huỳnh Hùng Anh thông tin, với đặc thù là địa phương có nhiều con sông, rạch thông ra cả biển Đông và Tây. Từ đó, không chỉ nguồn phù sa dồi dào mà quanh năm giữ độ mặn ổn định, là điều kiện để con cua sinh trưởng tốt, đạt chất lượng mà không nơi đâu sánh bằng.
“Chất lượng cua thương phẩm luôn được thị trường đánh giá cao. Thương hiệu “Cua Năm Căn - Cà Mau” đã được khẳng định, vị thế của sản phẩm nhờ đó mà được nâng lên, mang lại thu nhập ổn định cho người nuôi cua địa phương”, ông Huỳnh Hùng Anh, phân tích. Đồng thời, cho biết sản phẩm cua Cà Mau được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp văn bằng chứng nhận chỉ dẫn địa lý thật sự là bước ngoặt quan trọng, là cơ sở, tiền đề để địa phương thúc đẩy mạnh hơn nữa hoạt động sản xuất, quản lý sản phẩm, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho xúc tiến thương mại, liên kết trong việc tổ chức sản xuất, phân phối, tiêu thụ sản phẩm cua Cà Mau trong và ngoài nước.
Nhận diện các thách thức
Tiềm năng, thế mạnh của ngành hàng cua Cà Mau rất lớn, song đang phải đối mặt với nhiều thách thức đang “trói buộc” ngành hàng này vươn lên phát triển xứng tầm. Bởi 3 năm liên tiếp gần đây, vào thời điểm giao mùa từ nắng nóng chuyển sang mưa, cua nuôi đều có biểu hiện chết bất thường trên diện rộng nhưng hiện vẫn chưa có giải pháp xử lý triệt để gây thiệt hại lớn cho người nuôi.
Ngoài ra, tình hình hoạt động sản xuất giống trên địa bàn tỉnh Cà Mau hiện nay có khoảng 523 trại sản xuất luân phiên giống tôm sú và cua; có 7 tổ hợp tác và hợp tác xã ương dèo, 300 cơ sở ương nhỏ lẻ; trong đó, có khoảng 70 trại chuyên sản xuất cua giống, sản lượng khoảng 700-800 triệu con cua giống/năm, dù thực tế đáp ứng được 100% nhu cầu thả nuôi trong tỉnh, đồng thời cung cấp một phần ra các tỉnh lân cận.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Phan Hoàng Vũ, giống cua biển hiện nay chưa thuyết phục được người nuôi do quy trình sản xuất giống cua biển tại Cà Mau chưa thật sự ổn định. Chất lượng con giống càng ngày bị thoái hóa, kích cỡ cua nuôi khi thu hoạch nhỏ dần, tăng trưởng chậm, tỷ lệ sống thấp do sử dụng nguồn cua bố mẹ chưa qua chọn lọc, chất lượng không được cơ quan quản lý kiểm soát. Ngoài ra, đa phần các trại sản xuất cua giống kế thừa từ trại sản sản xuất tôm giống, nên chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật sản xuất với đối tượng này.
Theo ngành nông nghiệp, hiện nay người nuôi cua trên địa bàn tỉnh chủ yếu bán cho thương lái thu gom về giao lại cho các đại lý phân phối, có rất ít hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cua thương phẩm. Đồng thời, sản phẩm “Cua Năm Căn” dù được đánh giá cao nhưng hiện vẫn chưa liên kết tiêu thụ vào hệ thống siêu thị, nhà hàng.
Một khó khăn khác nữa là hiện sản phẩm cua Cà Mau được tiêu thụ trong nước khoảng hơn 60%, còn lại xuất khẩu sang một số nước lân cận, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Về vấn đề này, tại buổi làm việc với đoàn công tác Chính phủ vừa qua, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau thừa nhận, sản phẩm cua Cà Mau chủ yếu xuất tiểu ngạch sang thị trường nước bạn, do xuất tiểu ngạch nên gặp nhiều rủi ro, bị đối tác thao túng giá cả, khó tổ chức sản xuất theo hướng bền vững…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho rằng, sinh trưởng trong điều kiện tự nhiên đặc thù cua Cà Mau đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành cua Việt Nam. Con cua cũng được xem là đối tượng chủ lực của tỉnh và đã được cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý.
Đây là cơ sở pháp lý và công cụ để Cà Mau tăng cường việc quản lý, kiểm soát và quảng bá thương hiệu sản phẩm, khẳng định cua Cà Mau với thị trường trong và ngoài nước, góp phần nâng cao giá trị kinh tế địa phương...
Tuy nhiên, để “cởi trói” cho ngành hàng cua của địa phương phát triển xứng tầm vẫn còn “nút thắt” cần phải nhanh chóng tháo gỡ, nhất là chất lượng cua giống bị thoái hóa; dịch bệnh trên cua ngày càng phức tạp, lặp đi lặp lại nhiều năm liền.
Bên cạnh đó, dù con cua Cà Mau có chất lượng vượt trội, có thương hiệu nổi tiếng nhưng những khó khăn trong việc vận chuyển, phân phối khiến chất lượng sản phẩm bị giảm xuống. Hơn hết là dù đã có giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý nhưng quản lý vẫn còn lỏng lẻo, sơ hở, làm ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín ngành hàng địa phương…(Còn tiếp-Bài 2: Tạo đà phát triển).
Huỳnh Anh