Nâng tầm thương hiệu các đặc sản đặc trưng của Cà Mau

Nâng tầm thương hiệu các đặc sản đặc trưng của Cà Mau

Chiều 28/7, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau tổ chức Hội thảo “Giải pháp quản lý và phát triển các nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý” trên địa bàn tỉnh.

Nâng tầm thương hiệu các đặc sản đặc trưng của Cà Mau ảnh 1Quang cảnh hội thảo “Giải pháp quản lý và phát triển các nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý” trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Ảnh: Huỳnh Anh - TTXVN

Tỉnh Cà Mau hiện có 12 sản phẩm đặc sản, đặc thù được bảo hộ với hình thức nhãn hiệu tập thể, trong đó, có hai sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn hợp lệ; 14 sản phẩm được bảo hộ với hình thức nhãn hiệu chứng nhận. Về chỉ dẫn địa lý, hai sản phẩm được cấp chứng nhận là tôm sú Cà Mau và cua Cà Mau.

Cà Mau đang thực hiện dự án cấp quốc gia xây dựng chỉ dẫn địa lý sò huyết Cà Mau; dự án cấp tỉnh về chỉ dẫn địa lý cá nâu Mũi Cà Mau. Đồng thời, tỉnh tham mưu đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ dự án cấp quốc gia xây dựng chỉ dẫn địa lý tôm càng xanh Thới Bình - Cà Mau trong năm 2023.

Tại Hội thảo, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau Thái Trường Giang đánh giá, thông qua việc hỗ trợ bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực địa phương, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường, từng bước dịch chuyển từ mô hình sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung, từ sản xuất, phát triển sản phẩm tự do sang sản xuất, kinh doanh sản phẩm bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ được kiểm soát về nguồn gốc và chất lượng.

Nâng tầm thương hiệu các đặc sản đặc trưng của Cà Mau ảnh 2Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau Phan Tấn Thanh (thứ ba từ trái sang) trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý tôm sú Cà Mau cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dư Thái Bình; giấy chứng nhận trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cua Cà Mau cho Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Huy Thịnh và Hợp tác xã Sông Đầm. Ảnh: Huỳnh Anh - TTXVN  

Việc bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc thù địa phương còn góp phần gìn giữ, phát huy và tôn vinh giá trị sản phẩm mang danh tiếng của Cà Mau. Hầu hết các sản phẩm sau khi được bảo hộ sở hữu trí tuệ đã giúp quảng bá hình ảnh doanh nghiệp, giới thiệu sản phẩm ra thị trường, với việc đăng ký, xác lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm bảo hộ trên thị trường… giá trị sản phẩm tăng lên rõ rệt, ông Thái Trường Giang nhấn mạnh.

Tuy nhiên, công tác này vẫn ghi nhận những khó khăn, vướng mắc cần sớm có giải pháp tháo gỡ. Theo đó, quá trình quản lý, kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu còn gặp khó khăn do không có biện pháp, chế tài xử lý tài chính đối cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm. Mối liên kết giữa ban quản lý và các thành viên tham gia nhãn hiệu còn rời rạc, thiếu liên lạc. Một số ngành, địa phương và doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức cho hoạt động xây dựng, bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, đặc biệt, chưa lồng ghép, bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm OCOP, chưa có sự đầu tư thỏa đáng để tạo ra sản phẩm đặc sản, đặc thù mang tính đột phá và đầu tư kinh phí xây dựng, hỗ trợ cho sản phẩm này…

Tại Hội thảo, đại biểu tập trung thảo luận, tìm giải pháp quản lý và phát triển tài sản trí tuệ nhằm tháo gỡ hạn chế, khó khăn, vướng mắc của tỉnh trong việc phát triển thương hiệu gắn với chuỗi giá trị cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Đồng thời, các đại biểu đề xuất một số giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới như: Điều tra, đánh giá nhu cầu đổi mới thiết bị, công nghệ đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm đã được bảo hộ, sản phẩm OCOP trên bàn tỉnh; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…

Ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự Hội thảo, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau Phan Tấn Thanh thông tin, Sở đã tăng cường hoạt động tạo ra các tài sản trí tuệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ; từng bước tạo dựng văn hóa sở hữu trí tuệ trong xã hội thông qua việc triển khai Chương trình xây dựng bảo hộ và quản lý phát triển cho các sản phẩm đặc thù, đặc sản của địa phương.

Bên cạnh đó, Sở xây dựng kế hoạch nâng cao hiệu quả quản lý, phát triển các tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Cà Mau từ nay đến năm 2030. Mục tiêu cụ thể là sẽ thực hiện đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý ra nước ngoài cho hai sản phẩm tôm Cà Mau, cua Cà Mau và 7 sản phẩm tài sản trí tuệ đã được bảo hộ có tiềm năng phát triển tại một số quốc gia.

Để thực hiện hiệu quả mục tiêu này, bên cạnh việc đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, Cà Mau tập trung tìm hiểu một số thị trường nước ngoài, có sức tiêu thụ lớn. Điển hình như, tỉnh tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm tôm Cà Mau tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Đối với sản phẩm cua Cà Mau, tỉnh đẩy mạnh tìm hiểu các thị trường như Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Từ đó, tỉnh có giải pháp phối hợp, đề xuất Cục Sở hữu trí tuệ hỗ trợ, tư vấn hướng dẫn xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý và một số sản phẩm đã được bảo hộ có tiềm năng phát triển tại các thị trường trên, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể xây dựng chiến lược xuất khẩu sang thị trường ngoài nước này thời gian tới.

Dịp này, Sở Khoa học và Công nghệ đã trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý tôm sú Cà Mau cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dư Thái Bình, xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn; cấp giấy chứng nhận trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cua Cà Mau cho Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Huy Thịnh, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi và Hợp tác xã Sông Đầm, xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi.


Huỳnh Anh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm