Trung tâm Chuyển giao công nghệ và khuyến nông (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) đã cùng với xã Bản Lang, huyện Phong Thổ (Lai Châu) phục tráng, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm giống lúa Khẩu Lương Phửng.
Khẩu Lương Phửng hay còn gọi lúa nếp tan là giống lúa bản địa được người dân xã Bản Lang đưa từ trên nương xuống canh tác dưới ruộng nước từ rất lâu đời. Giống lúa này chỉ gieo cấy tại xã Bản Lang và trồng một vụ trong năm. Đây là giống lúa cao cây, bản lá to, cứng, có nhiều ưu điểm như: Khả năng chống chịu các loại sâu bệnh hại tốt, chỉ nhiễm nhẹ đối với bệnh rầy nâu, sâu đục thân và sâu cuốn lá. Hạt gạo tròn, ít bạc bụng, xôi dẻo đậm và có mùi thơm đặc trưng.
Giống lúa Khẩu Lương Phửng được người dân nơi đây coi là giống lúa quý và có triển vọng tại địa phương. Tuy nhiên, do thời gian, giống lúa này dần bị thoái hóa, diện tích gieo cấy giảm. Theo số liệu thống kê của xã Bản Lang, hiện nay, tổng diện tích lúa Khẩu Lương Phửng trên địa bàn chỉ khoảng 130ha, năng suất trung bình 40-45 tạ/ha.
Ông Nguyễn Văn Bằng, nghiên cứu viên Trung tâm Chuyển giao công nghệ và khuyến nông cho biết, gần 3 năm qua Trung tâm nghiên cứu giống lúa Khẩu Lương Phửng, trong vụ lúa mùa năm nay, đơn vị phối hợp với xã Bản Lang thực hiện mô hình trình diễn giống lúa này quy mô 15ha tại các bản trong xã. Tham gia mô hình, các hộ dân được hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, công lao động. Đặc biệt, người dân được tập huấn về kỹ thuật canh tác, bảo quản sau thu hoạch.
Trong quá trình gieo cấy lúa, cán bộ nông nghiệp đồng hành hướng dẫn bà con cách chăm sóc, theo dõi sự sinh trưởng, phát triển của lúa. Khi lúa chín, tiến hành đánh giá năng suất và yếu tố cấu thành năng suất, hiệu quả kinh tế. Người dân còn được hỗ trợ xác định vùng, thiết kế, thống nhất lựa chọn mẫu logo đăng ký nhãn hiệu chứng nhận và xây dựng quy chế quản lý, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận gạo “Khẩu Lương Phửng Phong Thổ”.
Qua đánh giá kết quả mô hình, năng suất lúa Khẩu Lương Phửng gieo cấy theo hướng dẫn của cán bộ Trung tâm Chuyển giao công nghệ và khuyến nông cao hơn 20% so với năng suất lúa cùng loại bà con cấy theo phương pháp truyền thống. Những kết quả, kiến thức hữu ích có được thông qua mô hình, các cán bộ Trung tâm đều ghi chép, đưa vào cuốn sổ tay kỹ thuật canh tác lúa Khẩu Lương Phửng, giao lại cho chính quyền địa phương trao tận tay người dân. Từ đó, người dân có thể coi đây là cẩm nang phục vụ quá trình gieo cấy lúa hiệu quả.
Anh Vàng Văn Lỷ ở bản Bản Lang 1 chia sẻ, trước đây, người dân cấy lúa Khẩu Lương Phửng theo thói quen để nhiều dảnh mạ (5-6 dảnh/khóm). Từ khi tham gia mô hình, được cán bộ hướng dẫn cấy lúa 2-3 dảnh/khóm kết hợp chăm sóc, bón phân cân đối, anh thấy lúa phát triển tốt, ít sâu bệnh. Bông lúa cho nhiều hạt chắc, mẩy, năng suất cao hơn.
Ông Nguyễn Huy Du, Bí thư Đảng ủy xã Bản Lang cho hay, hỗ trợ phát triển sản phẩm nông sản gắn với xây dựng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và tem truy xuất nguồn gốc là việc làm mới nhưng xã sẽ nỗ lực thực hiện. Thời gian tới, xã tiếp tục mở rộng diện tích, phấn đấu đưa giống lúa Khẩu Lương Phửng trở thành sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao.
Với việc phục tráng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm lúa Khẩu Lương Phửng đã và đang mang lại hiệu quả tích cực cho. Trên cơ sở đó, xã bổ sung nguồn giống lúa có chất lượng cao vào cơ cấu giống các vụ tiếp theo. Đồng thời, lưu giữ, mở rộng diện tích giống lúa quý, mang đặc trưng bản địa, góp phần phát triển sản phẩm đặc sản địa phương, tạo sinh kế, giúp nông dân nâng cao thu nhập, vươn lên giảm nghèo bền vững.
Tỉnh Lai Châu vốn có nhiều giống lúa đặc sản như: Khẩu Ký, Séng Cù, nếp Tan Pỏm, Tà Cù, Tẻ Râu, Khẩu Hốc, Khẩu Lương Phửng, nếp Tan Pỏm… Tuy nhiên, do quá trình du nhập các giống lúa mới vào địa bàn cùng khí hậu, thời tiết thay đổi nên phần lớn các giống lúa bản địa này không giữ được đặc tính di truyền ban đầu, nguy cơ thoái hóa, phân ly, giảm phẩm cấp và chất lượng vốn có. Nếu không có biện pháp kịp thời phục tráng nguyên chủng nguy cơ mất đi các giống lúa rất cao.
Nhằm từng bước bảo tồn giống lúa đặc sản có chất lượng tốt, chống chịu sâu bệnh, thích nghi điều kiện canh tác của địa phương, tỉnh Lai Châu tuyển chọn tổ chức, cá nhân nghiên cứu phục tráng các tính trạng ban đầu, tạo ra hạt giống siêu nguyên chủng phục vụ sản xuất cho người dân.
Giai đoạn 2012 - 2020, Lai Châu đã phục tráng và phát triển thành công 6 loại giống lúa bản địa như: Khẩu Ký, nếp Tan Co Giàng, Khẩu Hốc, Tả Cù, Séng Cù, Tẻ Râu. Năm 2021, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lai Châu phối hợp với Trung tâm Chuyển giao công nghệ và khuyến nông, Trung tâm Tài nguyên thực vật thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phục tráng, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm hai giống lúa Khẩu Lương Phửng (huyện Phong Thổ) và nếp Tan Pỏm (huyện Than Uyên), trong thời gian 36 tháng.
Cùng với phục tráng, hiện nay, Lai Châu có một số giống lúa được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu như: Gạo Tẻ Râu Phong Thổ; gạo Séng Cù Than Uyên; gạo Khẩu Ký Tân Uyên và gạo Nếp Tan Co Giàng Tân Uyên. Các loại gạo đặc sản này đều có giá trị thương mại cao, được tiêu thụ về thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận, giá bình quân từ 22.000 - 30.000 đồng/kg, cho thu nhập gấp hơn 2 lần so với sản xuất lúa gạo thông thường đại trà.
Có thể thấy, việc phục tráng các giống lúa bản địa góp phần bảo tồn nguồn gen cây trồng quý địa phương, từ đó phát triển sản xuất tạo ra sản phẩm hàng hóa, nâng cao giá trị trên diện tích canh tác và tăng thu nhập cho nông dân.
Việt Hoàng