Ứng dụng khoa học trong chuyên canh rau an toàn

Ứng dụng khoa học trong chuyên canh rau an toàn

Là địa phương đi đầu trong việc phát triển mô hình kinh tế hợp tác trên lĩnh vực nông nghiệp ở Tiền Giang, đến nay, huyện Gò Công Tây đã thành lập được 16 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp; trong đó, có 3 hợp tác xã chuyên canh rau an toàn đạt tiêu chí VietGAP, gồm: Hợp tác xã rau an toàn Hòa Thạnh (xã Bình Tân), Hợp tác xã rau an toàn Phú Quới (xã Yên Luông) và Hợp tác xã rau an toàn Thạnh Hưng (xã Thạnh Trị) với tổng diện tích rau an toàn VietGAP 30.000 m2, chuyên sản xuất 18 chủng loại rau cung cấp các siêu thị, bếp ăn tập thể, nhà hàng trong ngoài tỉnh.

Ứng dụng khoa học trong chuyên canh rau an toàn ảnh 1Trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: tuyengiaotiengiang.vn

Để nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường và đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, các hợp tác xã rau an toàn VietGAP tại địa phương quan tâm ứng dụng khoa học công nghệ, trồng rau theo quy trình “3 giảm, 3 tăng”, IPM, ghi chép sổ sách, sử dụng phân và thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”, đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch...

Theo bà Nguyễn Thị Lệ, xã viên Hợp tác xã rau an toàn Thạnh Hưng, gia đình có 3.000 m2 đất canh tác chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng các loại rau ăn lá: cải, hành, hẹ, ngò gai,…thích ứng biến đổi khí hậu. Ưu điểm của các loại rau màu này là dễ trồng, chu kỳ sinh trưởng ngắn, cho thu hoạch hàng tháng, quay vòng vốn nhanh và đầu ra thuận lợi, thị trường ưa chuộng.

Vào hợp tác xã, bà được hướng dẫn áp dụng kỹ thuật trồng rau theo ngưỡng an toàn, ghi chép nhật ký canh tác, không sử dụng các hoạt chất bị cấm,… Rau màu đạt năng suất khoảng 3 tấn/1.000 m2, tương đương 30 tấn/ha. Tính ra, bình quân mỗi công đất (1.000 m2) trồng chuyên canh màu, bà Nguyễn Thị Lệ thu 60 triệu đồng/năm, trừ chi phí còn lãi 42 triệu đồng, tỉ lệ lợi nhuận đạt 70% tổng doanh thu. Với 3.000 m2, nguồn thu của bà mỗi năm khoảng 180 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi trên 120 triệu đồng.

Cùng với chuyển giao kỹ thuật trồng trọt theo ngưỡng an toàn, đạt tiêu chí VietGAP, các hợp tác xã rau an toàn còn khuyến khích xã viên đầu tư hệ thống tưới phun để tự động hóa khâu chăm sóc, giải phóng sức lao động đồng thời vừa tiết kiệm được nguồn nước bơm tưới trong điều kiện diễn biến thời tiết, thủy văn phức tạp, hạn – mặn vào mùa khô ngày càng gay gắt và khó lường. Ngoài ra, đầu tư xây dựng nhà lưới trồng rau an toàn vừa nâng chất lượng sản phẩm, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả canh tác, xã viên lãi cao.

Giám đốc Hợp tác xã rau an toàn Hòa Thạnh, xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây Nguyễn Thanh Quang cho biết, đến nay, hợp tác xã xây dựng được 10 nhà lưới trồng rau an toàn VietGAP mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân, như giảm mạnh lượng phân và thuốc bảo vệ thực vật sử dụng bởi ít sâu bệnh, chi phí giảm, ít rủi ro do ảnh hưởng thời tiết cực đoan, chất lượng nông sản tươi ngon và an toàn, hiệu quả kinh tế cao…Thời gian qua, rau an toàn VietGAP trồng trong nhà lưới tại Hợp tác xã rau an toàn Hòa Thạnh luôn bán được giá cao hơn từ 500 -1.000 đồng/kg so với rau trồng trong điều kiện bình thường.

Ngoài ra, nhờ trồng trong nhà lưới nên người nông dân cũng chủ động được thời vụ sản xuất, thời gian quay vòng nhanh. Trung bình, mỗi năm, bà con tổ chức sản xuất từ 8 đến 10 vụ rau và năng suất đạt từ 30 – 40 tấn/ha/vụ, lợi nhuận thu được hàng trăm triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa năng suất cao.

Thấy được lợi ích lớn, trong năm 2021, dự kiến, xã viên hợp tác xã đầu tư thêm 10 nhà lưới phục vụ sản xuất rau an toàn VietGAP. Ông Nguyễn Thanh Quang đánh giá, trồng rau an toàn VietGAP trong nhà lưới thực sự là cuộc cách mạng khoa học công nghệ trên lĩnh vực trồng rau.

Theo ông Ngô Văn Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Tây, qua thống kê, các hợp tác xã trên địa bàn xây dựng được 18 nhà lưới chuyên canh rau an toàn VietGAP với tổng diện tích 18.000 m2, trung bình mỗi nhà lưới có diện tích 1.000 m2 và vốn đầu tư ban đầu từ 45 triệu đồng đến 50 triệu đồng/nhà lưới. Từ hiệu quả của mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới, dự kiến trong năm 2021, huyện Gò Công Tây xây dựng thêm 18 nhà lưới mới, nâng tổng số nhà lưới phục vụ các hợp tác xã sản xuất rau an toàn VietGAP lên 36 nhà lưới.

Trong thời gian qua, Gò Công Tây cũng có nhiều nỗ lực trong việc giúp mạng lưới các hợp tác xã trên lĩnh vực nông nghiệp đặc biệt là các hợp tác xã chuyên canh rau an toàn VietGAP tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phát triển bền vững, bao gồm: ưu đãi về chính sách, trợ giúp vốn liếng, cho thuê đất, hướng dẫn và chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp,…

Theo đó, địa phương thực hiện chính sách cho các hợp tác xã thuê đất nhưng không lấy tiền thuê (một hình thức cho mượn đất) để làm trụ sở, xây cất nhà sơ chế đóng gói nông sản, chuyển giao khoa học công nghệ, hỗ trợ vốn vay ưu đãi thông qua các chương trình tín dụng nông nghiệp của các ngân hàng thương mại dành cho xã viên phục vụ sản xuất,…

Năm qua, thực hiện chủ trương trên, Gò Công Tây hỗ trợ 3 hợp tác xã rau an toàn VietGAP: Hòa Thạnh, Phú Quới, Thạnh Hưng 3 tỷ đồng xây cất trụ sở và nhà sơ chế đóng gói nông sản, bình quân mỗi hợp tác xã được hỗ trợ 1 tỷ đồng. Nhờ vậy, các hợp tác xã trên đều đã xây cất trụ sở làm việc khang trang, nhà sơ chế đóng gói đạt tiêu chuẩn VietGAP giúp nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm rau an toàn VietGAP trên thị trường.

Minh Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm