Trồng ngoài quy hoạch, hàng chục nghìn hécta càphê chết khô

Vườn càphê chết héo vì không có nước tưới ở huyện Chư Păh (Gia Lai). (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Vườn càphê chết héo vì không có nước tưới ở huyện Chư Păh (Gia Lai). (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Mặc dù chưa hết mùa khô nhưng các tỉnh Tây Nguyên đã có hàng chục nghìn hécta càphê bị khô hạn, thiếu nước tưới nghiêm trọng dẫn đến vườn cây chết khô hoặc giảm năng suất trong nhiều niên vụ liền, gây thiệt hại lớn cho người trồng. Kết quả kiểm tra cho thấy phần lớn diện tích càphê bị khô hạn đều do các nông hộ trồng tự phát nằm ngoài các vùng quy hoạch.
Hiện nay, các tỉnh vùng Tây Nguyên chỉ có trên 2.352 công trình thủy lợi, mới đảm bảo nguồn nước tưới cho 21% diện tích càphê, số diện tích càphê còn lại chủ yếu là sử dụng nguồn nước ngầm (giếng đào, giếng khoan) và sông suối để tưới. Do vậy, cứ đến mùa khô hạn, diện tích càphê thiếu nước tưới, bị khô cháy mỗi năm một gia tăng làm thiệt hại khá lớn cho các nông hộ.
Để từng bước khắc phục tình trạng phát triển càphê ồ ạt gây thiệt hại lớn cho các nông hộ, các tỉnh vùng Tây Nguyên đang yêu cầu các địa phương hướng dẫn các nông hộ đầu tư phát triển càphê bền vững nằm trong vùng quy hoạch. Theo quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, diện tích càphê các tỉnh Tây Nguyên đến năm 2020 giảm xuống còn 459.500ha, trong đó, Đắk Lắk giảm xuống chỉ còn 170.000ha, Lâm Đồng 135.000ha, Gia Lai 73.000ha, Đắk Nông 69.000ha, Kon Tum 12.500ha./.

 

Có thể bạn quan tâm