Nhiều nông hộ ở tỉnh Ninh Thuận đang đẩy mạnh áp dụng mô hình trồng các giống nho mới trong nhà màng theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao để giảm thiểu những yếu tố bất lợi của thời tiết, nâng cao chất lượng sản phẩm nho ăn tươi cung cấp cho thị trường, mở ra triển vọng mới nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây nho.
Nâng cao hiệu quả sản xuất
Trước tình hình biến đổi khí hậu, mưa nắng thất thường khiến nông dân trồng nho ở thủ phủ nho Ninh Thuận gặp không ít khó khăn, nhất là sau những trận mưa từ cuối tháng 11 kéo dài đến đầu tháng 12 vừa qua. Tuy nhiên, có một số diện tích nho ứng dụng mô hình trồng các giống nho mới trong nhà màng thích ứng với sự thay đổi của thời tiết đã cho thấy hiệu quả sản xuất rõ rệt. Điển hình như mô hình trồng nho trong nhà màng của hộ anh Nguyễn Đình Trí ở xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn.
Anh Nguyễn Đình Trí cho hay, sản xuất nho phụ thuộc rất lớn vào điều kiện thời tiết, nếu năm nào ít mưa thì năng suất cao, ít bị bệnh hại, người trồng nho có thu nhập cao. Ngược lại, nếu mưa nhiều thì cây nho bị nhiễm bệnh rất nặng, đặc biệt là bệnh mốc sương và bệnh thán thư, tốn nhiều chi phí phòng trừ bệnh hại, gặp một trận mưa lớn nho chín bị nứt quả, chất lượng nho kém, giá bán thấp nên người trồng nho bị thua lỗ.
Năm 2021, sau khi tham quan mô hình trồng các giống nho mới trong nhà màng của Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển Nông nghiệp Nha Hố (ở huyện Ninh Sơn) anh Trí đã quyết định trồng 2,5 sào các giống nho NH01-152, nho không hạt NH04-102 và nho Mẫu đơn. Các giống nho mới được trồng cho leo giàn, kỹ thuật trồng và chăm sóc không khác biệt nhiều so với các giống nho truyền thống.
Anh Trí cho biết, chi phí đầu tư ban đầu làm 1 sào (1.000 m2) nhà màng gồm các trụ sắt, màng lưới và vật tư khoảng 250 triệu đồng (thời gian sử dụng nhà màng kéo dài trong nhiều năm). Vườn nho được thiết kế với các trụ sắt đỡ khung mái che cao 3,2m, xung quanh phủ màn lưới tùy chỉnh bằng hệ thống kéo bán tự động, kết hợp lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm tự động và bón phân hữu cơ.
“Từ khi áp dụng trồng nho trong nhà màng có mái che giúp ngăn được mưa, gió, sương, hạn chế tình trạng sâu bệnh gây hại rõ rệt nên ít phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ điều kiện môi trường thuận lợi, các giống nho mới đều sinh trưởng và phát triển tốt, cây dễ ra bông đậu quả, có thể trồng 2 – 3 vụ/năm mà không lo ảnh hưởng bất lợi của thời tiết. Trồng nho trong nhà màng cho trái chín đều, đẹp, đạt độ brix (độ ngọt) mới thu hoạch nên chất lượng quả đảm bảo”, anh Trí chia sẻ.
Vụ nho vừa qua, anh Trí thu hoạch trên 1,5 tấn nho các loại (do cành thứ cấp ít nên số chùm chưa nhiều), cho doanh thu gần 200 triệu đồng. Sau thời gian chăm sóc, hiện nay vườn nho của anh Trí đang chuẩn bị cho thu hoạch với năng suất ước đạt 1,5 tấn/sào (1.000m2). Sản phẩm nho NH01-152 đang được các thương lái thu mua tại vườn với giá từ 120.000 – 140.000 đồng/kg, nho NH04-102 có giá dao động 250.000 – 300.000 đồng/kg, tùy theo chất lượng.
Cùng áp dụng mô hình trồng nho 1,5 sào giống nho NH01-152 trong nhà màng, chị Trần Thị Thu Hạnh (xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Thuận) chia sẻ kinh nghiệm: trồng nho trong nhà màng sẽ chủ động được việc căn cắt nho trái vụ so với các nhà vườn khác. Các nhà vườn trồng nho theo kiểu truyền thống sẽ căn tiết không có mưa để cắt nho, còn trồng nho trong nhà màng có thể chủ động cắt nho bất kể thời tiết, mùa mưa vẫn có nho để bán, nho lúc này lại có giá hơn. Chưa kể, trồng nho ở ngoài sợ sương, mưa gió nên khi nho vừa chín tới nhiều nhà vườn đã lo cắt, trong khi đó nho trồng trong nhà màng để được lâu, quả chín đạt độ ngọt, giòn mới cắt nên chất lượng quả ngon hơn”, chị Hạnh chia sẻ thêm.
Ông Bùi Văn Trong, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn nhận định, nếu trồng nho trong điều kiện bình thường hiện nay không áp dụng nhà màng thì rõ ràng sẽ chịu áp lực về thời tiết, sâu bệnh lớn hơn, lợi nhuận mang lại cho người nông dân thấp. Các giống mới như NH01-152 và nho NH04-102 cho chất lượng quả vượt trội được các hộ trồng trong nhà màng đang mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Thời gian tới, hội sẽ tiếp tục tổ chức các đợt tham quan, tập huấn cho nông dân tiếp cận những tiến bộ khoa học – kỹ thuật trồng các giống nho mới trong nhà màng thay thế cho những giống nho cũ đã bị thoái hóa để phát triển diện tích nho ăn tươi chất lượng cao trên địa bàn.
Mở hướng nhân rộng
Từ năm 2018, Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu sản xuất nho ứng dụng công nghệ cao tại Ninh Thuận”. Viện đã ứng dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật vào canh tác cây nho như: nghiên cứu chọn tạo các giống nho mới đưa vào sản xuất khảo nghiệm, thiết kế giàn nho hình chữ Y theo hàng trên có mái che, xung quanh vườn nho sử dụng lưới chắn côn trùng di động, sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm, quản lý dịch hại cây trồng tổng hợp...
Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc sản xuất nho ứng dụng công nghệ nhà màng có mái che mưa nên cây nho sinh trưởng, phát triển tốt, sản phẩm nho đạt chất lượng tốt: Độ brix đạt trên 16%; quả to, mẫu mã đẹp, bóng mượt, đặc biệt là sản phẩm nho đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Do vậy, giá cả bán ra cao hơn so với nho trồng thông thường khoảng trên 20%. Thêm vào đó, phí đầu tư cho 1 vụ sản xuất thấp, đặc biệt là ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hơn so với sản xuất thông thường nên lợi nhuận vượt so với sản xuất nho thông thường trên 35%.
Thạc sỹ Phạm Văn Phước, Giám đốc Trung Tâm tư vấn và Phát triển công nghệ, Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố cho biết, thông qua các lớp tập huấn, các buổi hội thảo, tham quan thực địa cán bộ của Viện đã hướng dẫn các hộ trồng nho về quy trình kỹ thuật áp dụng. Đây là mô hình mới nên cần hỗ trợ về kỹ thuật canh tác, đặc biệt là hỗ trợ về các thông số kỹ thuật để thiết kế nhà màng có mái che mưa phù hợp để phát huy hiệu quả sản xuất cao nhất. Do vậy, nhiều doanh nghiệp và cá nhân trong và ngoài tỉnh đã áp dụng nhân rộng thành công mô hình sản xuất nho trong nhà màng có mái che mưa.
Trồng nho trong nhà màng có nhiều ưu điểm vượt trội, song các hộ trồng nho cần lưu ý do có mái che phía trên nên tạo ra nhiều góc bị khuất ánh sáng sau khi mặt trời di chuyển do vậy nếu không tác động về yếu tố kỹ thuật kịp thời thì lá nho dễ bị mỏng, cành yếu. Ninh Thuận có nhiều gió nên việc xây dựng giàn nho có mái che cần phải có giải pháp cản gió tốt. Mặc dù ít bị bệnh mốc sương, thán thư, nhưng là điều kiện để cho bệnh phấn trắng, bọ trĩ cũng như là rệp phát triển nên nhà vườn phải theo dõi vườn thường xuyên, có giải pháp xử lý kịp thời để đạt hiệu quả sản xuất cao nhất.
Nhằm gia tăng lợi nhuận trên đơn vị diện tích canh tác cho người trồng nho, UBND tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo các sở, ngành phối hợp với viện nghiên cứu, các đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu, phát triển thêm các giống nho mới chất lượng cao. Đồng thời, có các chính sách hỗ trợ đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật sản xuất nho theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao, kết hợp phát triển du lịch sinh thái tham quan vườn nho, quảng bá thương hiệu các giống nho chất lượng cao của địa phương.
Tỉnh Ninh Thuận hiện có khoảng 1.100 ha nho; trong đó hai giống nho ăn tươi được đưa vào sản xuất đại trà là nho đỏ Red Cardinal (chiếm khoảng 80% diện tích nho hiện nay) và nho xanh NH 01-48. Riêng nho xanh NH01-48 được coi là giống nho ăn tươi chất lượng cao nhưng năng suất, chất lượng chỉ ổn định ở những vùng có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp. Do đó, việc phát triển thêm các giống nho ăn tươi mới kết hợp mô hình trồng nho trong nhà màng theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao sẽ góp phần vào thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Ninh Thuận trong thời gian tới.
Nguyễn Thành