Phát triển mô hình giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số miền Tây Nghệ An

Công tác giảm nghèo là nội dung quan trọng trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia, các địa phương khu vực miền Tây Nghệ An đã khơi dậy sức mạnh nội lực, đa dạng hóa sinh kế, phát triển các mô hình giảm nghèo trong đồng bào các dân tộc.

vna_potal_nghe_an_da_dang_hoa_sinh_ke_phat_trien_mo_hinh_giam_ngheo__7691118.jpg
Gia đình chị Quang Thị Hoa ở bản Khoẳng Đỗ, xã Châu Kim, huyện Quế Phong được Nhà nước cấp cho 150 con gà thịt từ Chương trình mục tiêu Quốc gia để chăn nuôi. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Đa dạng các mô hình giảm nghèo

Gia đình anh Lô Xuân Thủy ở bản Khoẳng Đỗ, xã Châu Kim (huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) là hộ cận nghèo, nhà đông người, cuộc sống quanh năm dựa vào nguồn thu từ 1 ha đất trồng cây xoan, đi làm thuê, hái măng. Tháng 9/2024, gia đình anh Thủy là một trong hàng chục hộ của bản Khoẳng Đỗ, xã Châu Kim được Nhà nước cấp cho 150 con gà thịt. Gia đình anh tiến hành làm chuồng trại, rào chắn cẩn thận để khoanh nuôi thả gà. Mọi thành viên trong gia đình đều ý thức chăm sóc đàn gà thật tốt, tiêm phòng vaccine đầy đủ để chuẩn bị xuất bán phục vụ dịp Tết Nguyên đán.

Anh Lô Xuân Thủy cho biết: “Dự kiến dịp Tết này sẽ thu về được hơn 40 triệu đồng từ nuôi gà. Về lâu dài, gia đình sẽ phát triển thành đàn, là cơ hội để thoát khỏi hộ nghèo. Từ động lực này gia đình mong muốn được nhận thêm đất để trồng quế, trồng keo, có việc làm ổn định thoát nghèo bền vững”.

Trước đó năm 2023, xã Châu Kim cũng đã được huyện cấp 93 con lợn đen địa phương cho 31 hộ nghèo, cận nghèo nuôi (mỗi hộ được cấp 3 con lợn) từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia. Cùng với cấp lợn giống, các hộ còn được cấp kèm theo số lượng cám nhất định. Quá trình nuôi gần 1 năm cho thấy đa phần các hộ có trách nhiệm cao trong chăm sóc; tận dụng nguồn rau sẵn có tại địa phương như cây mùng, dây khoai lang, chuối rừng… trộn với cám gạo, cám ngô để chăn nuôi.

vna_potal_nghe_an_da_dang_hoa_sinh_ke_phat_trien_mo_hinh_giam_ngheo__7691109 (1).jpg
Nhiều hộ gia đình ở xã Tây Hiếu, thị xã Thái Hòa được hỗ trợ mô hình nuôi dê thương phẩm, giúp giảm nghèo. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Phó Chủ tịch UBND xã Châu Kim Kim Ngọc Lương cho hay: “Cũng từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025, xã đang đề xuất huyện hỗ trợ giống bò, gà địa phương và cây quế cho người dân nuôi, trồng. Đây thực sự là đòn bẩy để các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã vươn lên ổn định cuộc sống”.

Xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu là địa phương có nhiều thế mạnh về phát triển kinh tế chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển nông nghiệp và trồng rừng. Mô hình nuôi vịt bầu bản địa gồm 1.000 con từ Chương trình mục tiêu quốc gia ở bản Khe Chan của anh Lữ Văn Hải và 4 hộ gia đình khác đang trong thời kỳ sinh trưởng tốt. Anh Hải dự ước, sau khoảng 4 tháng nuôi mỗi con vịt thương phẩm đạt trọng lượng 2kg/con. Với giá bán từ 100.000 - 120.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí mỗi năm các hộ gia đình sẽ có lãi khoảng 60 triệu đồng. Anh Hải chia sẻ: “Vịt bầu là giống bản địa Quỳ Châu nên có ưu điểm khỏe mạnh, nhanh nhẹn, khả năng bơi lội rất giỏi, giống vịt này tự kiếm ăn trên ao, hồ. Dự tính sau khi bán lứa đầu tiên này, chúng tôi sẽ có vốn để đầu tư xây dựng, sửa chữa nhà cửa, mua sắm trang thiết bị trong gia đình hoặc tái đầu tư phát triển mô hình lớn hơn”.

Ông Lương Văn Hiệp – Chủ tịch UBND xã Châu Phong cho biết: Mô hình nuôi vịt bầu bản địa của các hộ gia đình ở bản Mới, bản Khe Chan… đã duy trì, bảo tồn và phát triển nguồn giống vịt địa phương, giúp các hộ thoát nghèo, nhân ra diện rộng và chuyển giao phương thức chăn nuôi mới cho các hộ nghèo khác, tạo thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng đời sống gia đình.

vna_potal_nghe_an_da_dang_hoa_sinh_ke_phat_trien_mo_hinh_giam_ngheo__7691119.jpg
Từ Chương trình mục tiêu Quốc gia, nhiều hộ gia đình ở xã Tây Hiếu, thị xã Thái Hòa được hỗ trợ mô hình nuôi dê thương phẩm, giúp giảm nghèo. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Quyết tâm xóa nghèo

Từ năm 2021, Nghệ An triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có 7 dự án và 11 tiểu dự án thành phần với hàng ngàn tỷ đồng. Chỉ tính riêng kế hoạch nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 là 603,73 tỷ đồng.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong Bùi Văn Hiền, Quế Phong là huyện miền núi có tỷ lệ hộ nghèo đa chiều 65%. Đây là thách thức lớn trong công tác xóa đói giảm nghèo và là nhiệm vụ trọng tâm được các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm.

vna_potal_nghe_an_da_dang_hoa_sinh_ke_phat_trien_mo_hinh_giam_ngheo__7691127.jpg
Từ Chương trình mục tiêu Quốc gia, nhiều hộ gia đình ở xã Tây Hiếu, thị xã Thái Hòa được hỗ trợ mô hình nuôi ong lấy mật, giúp giảm nghèo. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Ông Bùi Văn Hiền cho hay phong trào xây dựng các mô hình kinh tế đã được nhân dân đầu tư nhân rộng. Huyện căn cứ trên thế mạnh các vùng đất, hỗ trợ giống, kỹ thuật cho người dân; kết hợp vận động, tuyên truyền để khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của nhân dân.

Dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo đã được triển khai, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, việc triển khai Dự án còn gặp nhiều khó khăn như: các địa phương không huy động được sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng, thực hiện các dự án theo chuỗi giá trị; không thành lập được tổ, nhóm cộng đồng đảm bảo các điều kiện thực hiện các dự án theo phương thức hỗ trợ cộng đồng. Mặt khác, những người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo chủ yếu là những người không có khả năng lao động, người cao tuổi, cô đơn, không nơi nương tựa, người khuyết tật… dẫn đến khó khăn trong việc lựa chọn đối tượng tham gia, nội dung hỗ trợ các dự án.

vna_potal_nghe_an_da_dang_hoa_sinh_ke_phat_trien_mo_hinh_giam_ngheo__7691126.jpg
Từ Chương trình mục tiêu Quốc gia, nhiều hộ gia đình ở xã Tây Hiếu, Thị xã Thái Hòa được hỗ trợ mô hình nuôi ong lấy mật, giúp giảm nghèo. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Tại huyện Quỳ Châu, các dự án phát triển nông nghiệp được lựa chọn có gắn với các định hướng trong đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực huyện Quỳ Châu giai đoạn 2020 - 2025, phù hợp với đặc điểm, tình hình khí hậu. Dự án chăn nuôi bê cái địa phương và lợn nái đen địa phương được đánh giá cao, nhân dân đồng tình ủng hộ. Các dự án triển khai đã giúp cho khoảng 100 hộ thoát nghèo. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo còn có những hạn chế như một số dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình giảm nghèo chưa được quan tâm thực hiện, tỷ lệ giải ngân đạt thấp.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu Lê Thanh Hà: Chính sách giảm nghèo đã khơi dậy sức mạnh nội lực, huy động nguồn lao động tại chỗ, nâng cao ý thức xóa đói nghèo trong đồng bào các dân tộc thiểu số vùng miền Tây xứ Nghệ. Trong thời gian tới, huyện đề nghị Trung ương cho phép kéo dài nguồn vốn kế hoạch 2024 sang thực hiện năm 2025.

vna_potal_nghe_an_da_dang_hoa_sinh_ke_phat_trien_mo_hinh_giam_ngheo__7691137.jpg
Từ Chương trình mục tiêu Quốc gia, nhiều hộ gia đình ở xã Tây Hiếu, thị xã Thái Hòa được hỗ trợ mô hình nuôi ong lấy mật, giúp giảm nghèo. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Với mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 4 - 4,5%, các huyện miền Tây Nghệ An đang thực hiện xây dựng, nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững. Các địa phương hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, nguyên liệu sản xuất, vật tư, công cụ, máy móc, thiết bị, nhà xưởng sản xuất và điều kiện cơ sở vật chất. Cùng với đó, tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ; dạy nghề, hướng nghiệp, tạo việc làm cho người dân; xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường, liên kết phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Bích Huệ

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm