“Cây giảm nghèo” của người dân các xã vùng cao Tam Đường, Lai Châu

Những năm qua, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhân dân huyện vùng cao Tam Đường (Lai Châu) đã mạnh dạn chuyển đổi từ đất trồng kém hiệu quả sang trồng cây chanh leo, hướng đến cây trồng chính giúp bà con vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Sau nhiều năm thử nghiệm rồi nhân rộng mô hình trồng, đến nay chanh leo là một trong những cây trồng mang lại thu nhập cao cho người dân trên địa bàn huyện Tam Đường tỉnh Lai Châu.

vna_potal_cay_chanh_leo_giup_nguoi_dan_cac_xa_vung_cao_tam_duong_lai_chau_thoat_ngheo__7677072.jpg
Quả chanh leo có giá bình quân gần 20.000 đồng/kg. Ảnh: Quý Trung – TTXVN

Năm 2019, gia đình bà Tăng Thị Hạnh, bản Đội 4, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường (Lai Châu) được Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện hỗ trợ triển khai trồng chanh leo theo mô hình liên kết. Bà đã mạnh dạn đứng ra làm tổ trưởng, cùng với một số bà con trong bản trồng 5ha chanh leo. Chanh leo được chăm sóc, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, phát triển tốt nên đến năm 2022 bà đứng ra thành lập hợp tác xã chăn nuôi, trồng trọt để mở rộng vùng nguyên liệu cũng như thu hút thêm nhiều hộ tham gia. Đến nay, hợp tác xã có 23,8ha chanh leo với 128 hộ của bản cùng trồng. Riêng vườn chanh leo của gia đình bà Tăng Thị Hạnh mỗi năm thu nhập trên 200 triệu đồng/1ha.

Bà Tăng Thị Hạnh cho biết, bà tích cực tuyên truyền bà con chuẩn bị đất, xuống giống để mở rộng diện tích trồng chanh leo. Mô hình liên kết giữa gia đình bà và các hộ dân trong bản theo hình thức: gia đình bà cấp giống cây, phân bón, nếu ai chưa có tiền mua dây giàn cũng được bà cấp luôn, sau này thu hoạch quả, bà đứng ra thu mua luôn cho người dân.

vna_potal_cay_chanh_leo_giup_nguoi_dan_cac_xa_vung_cao_tam_duong_thoat_ngheo__7677074.jpg
Người dân xã Hồ Thầu (Tam Đường) chăm sóc cắt tỉa nhánh để cây chanh leo phát triển cho năng suất cao. Ảnh: Quý Trung – TTXVN

Bà Hạnh cho biết thêm, hiện chanh leo theo giá thị trường được bà thu mua 18 nghìn đồng/1 kg. Trồng chanh leo đòi hỏi kỹ thuật cao, cây thường gặp nhiều bệnh nên cần hướng dẫn bà con cách chăm sóc và phòng bệnh. Theo bà Hạnh thì trên mảnh đất gia đình bà đang sinh sống thì không có cây gì cho thu nhập hiệu quả như chanh leo.

vna_potal_cay_chanh_leo_giup_nguoi_dan_cac_xa_vung_cao_tam_duong_lai_chau_thoat_ngheo__7677075.jpg
Nhiều diện tích đất trồng kém hiệu quả đã được các hộ dân xã Hồ Thầu chuyển đổi sang trồng cây chanh leo. Ảnh: Quý Trung – TTXVN

Những ngày này, vườn chanh leo của gia đình anh Giàng A Long (bản Chù Khèo, xã Khun Há, huyện Tam Đường) đang chuẩn bị cho thu hoạch vụ đầu tiên của năm 2024. Anh Long cho biết, chanh leo đang trong giai đoạn chuẩn bị cho thu hoạch và phát triển rất tốt. Mặc dù quả sai hơn năm trước nhưng vào đúng mùa mưa năm nay thì vườn chanh bị một số bệnh như loang dầu, phấn trắng nên chất lượng quả thì không được đẹp như năm trước. Hiện gia đình anh đang tích cực phòng bệnh để chanh leo cho thu hoạch đạt năng suất, chất lượng cao.

vna_potal_cay_chanh_leo_giup_nguoi_dan_cac_xa_vung_cao_tam_duong_lai_chau_thoat_ngheo__7677081.jpg
Nhiều hộ xã Hồ Thầu đã mạnh dạn chuyển đổi những vùng đất trồng kém hiệu quả sang trồng cây chanh leo, góp phần thoát nghèo. Ảnh: Quý Trung – TTXVN

Toàn huyện Tam Đường hiện có gần 300ha chanh leo được liên kết với Công ty cổ phần Chanh leo Lai Châu, trong đó có 280ha đang trong giai đoạn phát triển tốt và cho thu hoạch, tập trung chủ yếu ở các xã Khun Há, Hồ Thầu, Sơn Bình, Bình Lư, Bản Bo… Đến thời điểm này, 100% diện tích đều đang ra quả và chuẩn bị cho thu hoạch. Theo đánh giá, cây chanh leo sẽ cho thu hoạch quả liên tục trong thời gian từ 2-3 năm với năng suất bình quân đạt từ 30 - 40 tấn/ha. Quả sau khi thu hoạch được các công ty liên doanh, liên kết đảm bảo thu mua hết cho bà con tại vườn với giá cao hơn so với giá đã ký bảo hộ giá trong hợp đồng liên kết sản xuất.

vna_potal_cay_chanh_leo_giup_nguoi_dan_cac_xa_vung_cao_tam_duong_lai_chau_thoat_ngheo__7677077.jpg
Người dân xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường chăm sóc, làm cỏ vườn Chanh leo. Ảnh: Quý Trung – TTXVN

Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Chanh leo Lai Châu cho biết, quá trình tham gia liên kết với người dân trồng chanh leo trên địa bàn huyện Tam Đường, công ty thực hiện hỗ trợ người dân các nội dung liên quan đến cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật..; đồng hành cùng bà con chuẩn bị đất, làm đất, trồng cây, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại, thu hái, bảo quản sản phẩm và cam kết tiêu thụ toàn bộ sản phẩm bà con trồng ra.

vna_potal_cay_chanh_leo_giup_nguoi_dan_cac_xa_vung_cao_tam_duong_lai_chau_thoat_ngheo__7677080.jpg
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Đường hướng dẫn người dân cách chăm sóc cắt tỉa để phát triển cho năng suất cao. Ảnh: Quý Trung – TTXVN

Cây chanh leo được đưa vào trồng thử nghiệm tại huyện Tam Đường từ năm 2019 và trồng đại trà từ năm 2022 đến nay. Kết quả trồng thử nghiệm cho thấy, cây chanh leo phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của huyện. Cây sinh trưởng phát triển tốt, quả to và có chất lượng tốt, vỏ dày, cứng và đều màu, tỷ lệ quả đạt hàng loại VIP, A cao trên 50%. Với việc được Nhà nước hỗ trợ giống, phân bón và được doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm nên người dân các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tích cực đăng ký trồng chanh leo.

Ông Hoàng Đình Quân, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tam Đường cho biết, triển khai các nghị quyết, chương trình hỗ trợ trồng cây ăn quả tập trung trên địa bàn huyện, nhiều diện tích trồng lúa 1 vụ và hoa màu, vườn tạp kém hiệu quả được người dân chuyển sang trồng chanh leo đã mang lại hiệu quả về kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện từ 32,16% cuối năm 2021 xuống còn 18,95% vào cuối năm 2023.

vna_potal_cay_chanh_leo_giup_nguoi_dan_cac_xa_vung_cao_tam_duong_lai_chau_thoat_ngheo__7677073.jpg
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tam Đường cùng nhân viên Công ty Chanh leo Lai Châu kiểm tra chất lượng quả chanh leo thu mua của người dân. Ảnh: Quý Trung – TTXVN

Việc liên doanh, liên kết hiệu quả giữa người trồng chanh leo với các đơn vị thu mua sản phẩm cũng góp phần quan trọng nâng cao giá trị kinh tế và sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá. Cây chanh leo đã trở thành “cây giảm nghèo”, góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã vùng cao của huyện Tam Đường.

Quý Trung

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm