Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và canh tác theo hướng hữu cơ, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, vườn chanh leo của ông Nguyễn Văn Minh, tổ 3, thị trấn Đăk Pơ, huyện Đăk Pơ (Gia Lai) luôn cho năng suất, chất lượng cao, đủ điều kiện xuất khẩu sang châu Âu, đem lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Ông Minh chia sẻ, làm chanh leo sạch để xuất khẩu sang châu Âu không khó, quan trọng là phải chọn được giống đạt chất lượng, bón phân cân đối và đặc biệt phải quản lý được sâu bệnh hại. Bên cạnh sử dụng thuốc trừ sâu tự ủ, ông còn dùng các loại thuốc trừ sâu sinh học khác như nano bạc, nano đồng… để luân phiên phun cho vườn cây khoảng 10 ngày/lần nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
Với 1,1 ha, vụ chanh leo năm 2022, gia đình ông Minh thu được khoảng 70 tấn; trong đó, có khoảng 70-80% đạt tiêu chuẩn đi châu Âu với giá gần 40 ngàn đồng/kg, số còn lại bán xô với giá từ 14.000-15.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí đầu tư, vườn chanh leo cho lãi trên 1 tỷ đồng. Nếu giá chanh leo giữ ổn định như hiện nay thì ít loại cây trồng nào trên địa bàn cho lợi nhuận cao hơn nó.
Tỉnh Gia Lai hiện có khoảng 4.500 ha chanh leo, với năng suất bình quân 40 tấn/ha. Từ tháng 7/2022, chanh leo Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, đây là cơ hội lớn cho sản xuất chanh leo của tỉnh.
Theo nhận định của ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai, chanh leo Việt Nam còn xuất khẩu sang các nước thành viên EU, Mỹ la tinh, Malaysia, Hàn Quốc chứ không riêng thị trường Trung Quốc. Trong tương lai, sẽ có nhiều doanh nghiệp vào Gia Lai để đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm từ chanh leo.
Ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết, so với nhiều loại cây trồng khác, cây chanh leo đang cho thấy hiệu quả kinh tế cao. Kinh nghiệm phát triển chanh leo ở tỉnh Gia Lai cho thấy, người dân phải chú trọng chất lượng hơn sản lượng, mới tạo được giá trị và sự bền vững.
Do vậy, ngành nông nghiệp tỉnh đã có nhiều giải pháp đồng bộ như ưu tiên quỹ đất, xây dựng quy trình canh tác hữu cơ, tưới tiết kiệm đến thu hoạch khoa học, bảo quản an toàn... cho cây chanh leo phát triển một cách bền vững. Theo ông Có, để phát triển bền vững thị trường chanh leo, trước hết người dân phải đăng ký mã vùng trồng nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường khó tính của các nước trên thế giới.
Hiện nay, tại tỉnh Gia Lai có vùng nguyên liệu trên 5.000 ha được trồng rộng khắp 15/17 huyện, thị xã, thành phố; 3 doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu thế giới về sản phẩm chanh leo đã xây dựng nhà máy chế biến tại Gia Lai gồm: Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu rau quả DOVECO Gia Lai, Công ty TNHH Quicornac và Công ty cổ phần Nafoods Group.
Hiện 3 doanh nghiệp này sản xuất trên 200.000 tấn sản phẩm/năm và đang có kế hoạch nâng công suất trong những năm tới. Bên cạnh đó, là 20 cơ sở đóng gói và 19 mã vùng trồng đã được công nhận. Điều này cho thấy, chuỗi giá trị ngành hàng chanh leo đã được hình thành và đi vào ổn định.
Bà Đỗ Thị Thơm, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Hùng Thơm (xã Đăk Ta Ley, huyện Mang Yang, Gia Lai) cho hay, với hơn 100 ha chanh leo, năm 2022, hợp tác xã đã hoàn thiện các thủ tục đăng ký 7 mã số vùng trồng sản phẩm.
Nhờ vậy, hiện sản phẩm của hợp tác xã đã được xuất bán chính ngạch sang Trung Quốc, đặc biệt, sản phẩm chanh leo tươi loại 1 còn được xuất sang Pháp và Thụy Sĩ với giá thành rất cao. Hợp tác xã cũng đã kết hợp với nông dân và các hợp tác xã khác để lập nên quy trình canh tác đúng chuẩn theo yêu cầu của khách hàng nước ngoài và trong nước. Hiện tại, theo mô hình truy xuất nguồn gốc tại chỗ, để truy xuất nguồn gốc theo từng nông hộ luôn, để cùng nhau phát triển. Hiện tại, số nguyên liệu tăng lên gấp đôi so với những năm trước.
Với những lợi thế sẵn có về thổ nhưỡng, khí hậu, lợi nhuận cao và có nhiều nhà máy chế biến lớn, thời gian qua, diện tích chanh leo tại tỉnh Gia Lai đang gia tăng nhanh chóng. Tỉnh cũng xác định đây là cây trồng chủ lực, định hướng đạt 25.000 ha vào năm 2025.
Về phía doanh nghiệp, việc xây dựng vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn chất lượng thị trường xuất khẩu cũng được định hướng rõ ràng. Ông Nguyễn Công Vương, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty cổ phần Chanh leo Nafoods Gia Lai (Công ty cổ phần Nafoods Group) cho biết, ngay khi đầu tư vào tỉnh, doanh nghiệp đã liên kết bao tiêu diện tích 1.000 ha, với điều kiện sản xuất theo yêu cầu của bạn hàng Trung Quốc và châu Âu là các thị trường chủ lực của doanh nghiệp.
Do đó, doanh nghiệp rất cần sự ổn định nguồn hàng. Khi hợp tác, hai bên sẽ thống nhất mức giá mà nông dân và doanh nghiệp đều có lợi nhuận. Cho nên, công ty đưa ra khuyến cáo là người dân cần có nhịp độ phát triển vừa phải, tránh phát triển ồ ạt để cân bằng thị trường, không đi vào vết xe đổ của các loại nông sản trước đó.
Để đảm bảo cho sự phát triển bền vững ngành hàng chanh leo, tháng 1/2023, UBND tỉnh ban hành công văn số 208/UBND-NL chỉ đạo về phát triển bền vững sản xuất sầu riêng, chanh leo trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, các địa phương cùng ngành nông nghiệp tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện để nông dân và doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi nhất trong xây dựng vùng nguyên liệu, đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở chế biến, ứng dụng khoa học kỹ thuật và kiểm soát chặt chẽ giống và vật tư nông nghiệp đầu vào.
Ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai nhận định, để cây chanh leo phát triển và đem lại giá trị kinh tế bền vững, trước tiên phải chú ý đến mã số vùng trồng, tiêu chuẩn cơ sở; phải tổ chức trồng rải vụ quanh năm để liên tục có sản phẩm phục vụ cho nhà máy chế biến.
Với những điều kiện thuận lợi cũng như sự có mặt của các doanh nghiệp chuyên về sản xuất giống, thu mua, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ chanh leo, nông dân trồng chanh leo ở Gia Lai đang có niềm tin lớn về loại cây trồng này.
Tuy nhiên, để cây chanh leo phát triển bền vững, có đầu ra ổn định, nhất thiết phải chú trọng khâu tổ chức kết nối giữa doanh nghiệp-hợp tác xã với nông dân, từ khâu giống, phân bón, thu mua, chế biến và xuất khẩu.
Hồng Điệp