Nhiều hộ dân ở xã Mỹ Sơn (huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) trồng táo theo dự án hỗ trợ liên kết sản xuất đến kỳ thu hoạch đang gặp khó về đầu ra cho sản phẩm và giá cả thu mua. Người dân mong muốn ngành chức năng của tỉnh Ninh Thuận sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn giúp bà con yên tâm sản xuất và nâng cao thu nhập.
Vào tháng 9/2023, có 25 hộ dân trên địa bàn xã Mỹ Sơn tham gia mô hình trồng giống táo mới TN05 với tổng diện tích khoảng 5 ha, liên kết theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững do Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận làm chủ đầu tư, đơn vị liên kết là Hợp tác xã Nông nghiệp và Thương mại Tân Lập 1, đơn vị liên kết tiêu thụ là Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại nông sản Thái Thuận - Ninh Thuận (gọi tắt là Công ty Thái Thuận, xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn).
Ông Dương Tấn Chín, ở xã Mỹ Sơn là 1 trong 25 hộ đã mạnh dạn đầu tư 120 triệu đồng (gồm vốn hỗ trợ của chương trình, đối ứng của gia đình và vốn vay Quỹ Hội Nông dân) để mua vật tư, trồng 120 cây táo giống mới TN05 trên diện tích 2,5 sào (2.500 m2) theo mô hình nhà lưới. Ông Chín cho hay, thời điểm triển khai dự án, công ty liên kết tiêu thụ cam kết thu mua hết sản phẩm táo của bà con nông dân cao hơn giá thị trường từ 10-15%. Vụ táo đầu tiên, gia đình ông đã thu hoạch được khoảng 600kg quả bán cho doanh nghiệp thu mua với giá bình quân 10.000 đồng/kg.
“Qua vụ táo thứ hai, doanh nghiệp nói không có hợp đồng nên không thu mua, trong khi táo bây giờ chín trên cây rồi. Nông dân nếu đem táo ra ngoài các vựa bán họ biết táo của bên chương trình dự án nên ép giá chỉ còn từ 4.000 – 5.000 đồng/kg. Bà con trồng táo kiến nghị cấp trên kiếm nhà thu mua với giá ổn định lâu dài để bà con yên tâm sản xuất, còn nếu triển khai dự án như thế này mà không có đầu ra thì khó khăn chồng chất”, ông Chín nói.
Bà Thái Thị Ngọc Bích, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn thông tin, các hộ nông dân tham gia mô hình liên kết thu hoạch lứa táo đầu tiên bán cho doanh nghiệp liên kết thu mua được giá tương đối ổn định từ 10.000 – 12.000 đồng/kg, đến thời điểm giá táo hiện tại còn 5.000 đồng/kg. Trong 25 hộ tham gia mô hình, hiện tại còn khoảng 15 hộ có vườn táo đang cho thu hoạch, mỗi ngày một hộ có thể thu hoạch táo chín từ 1 – 1,2 tấn quả nhưng đầu ra không đảm bảo và giá bấp bênh. Địa phương kiến nghị các cấp, ngành quan tâm có hướng để tìm đầu ra cho sản phẩm táo và giá cả được ổn định hơn.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Lê Thanh Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận cho biết, trong chương trình liên kết trồng táo, Hội đã cố gắng vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã hỗ trợ giúp đầu ra cho sản phẩm, trong đó có Công ty Thái Thuận. Hiện nay, diện tích táo trong dự án khoảng 5ha và bà con trồng thêm khoảng 2ha, táo mới trồng vụ đầu tiên nên sản phẩm chưa đồng đều, sản lượng chưa lớn. Hội đã trao đổi và phía công ty cũng nhất trí có hai ý: Thứ nhất, Chi hội nghề nghiệp trồng táo ở địa phương cử ra một người đại diện thu mua táo của bà con, công ty sẽ báo giá hằng ngày rồi chở sản phẩm xuống. Thứ hai, bà con thu hoạch rồi trực tiếp chở táo xuống công ty sẽ bao tiêu toàn bộ, giá cả tính theo tùy ngày.
Ông Lê Thanh Hùng chia sẻ: “Nhưng nói đi cũng phải nói lại, khi bà con có sản phẩm tốt, lựa táo loại 1 bán ra ngoài, táo loại 2, loại 3 thì công ty vẫn thu mua hết, đành rằng đồng ý giá cả phải theo cơ chế thị trường. Sản lượng táo thu hoạch ít, công ty cho biết nếu cử người lên thu mua thì không đủ trả chi phí nên đang vận động bà con cử người đại diện hoặc thu hoạch có sản phẩm bao nhiêu chở xuống công ty sẵn sàng thu mua hết. Anh Quang (giám đốc công ty) không phải là anh từ chối không thu mua táo của bà con mà giá cả phải theo cơ chế thị trường. Hội luôn tạo điều kiện cho bà con nông dân hết mức, hỗ trợ giống, vật tư để trồng táo và níu kéo doanh nghiệp vào để hỗ trợ bao tiêu sản phẩm ”.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận cho biết thêm, khi triển khai dự án hỗ trợ liên kết trồng táo, trước đó Hội đã có trao đổi và đại diện công ty “hứa” sẽ cố gắng hết sức để bao tiêu sản phẩm táo cho các hộ nông dân, giữa các bên không ký kết các hợp đồng. Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục làm việc với các bên liên quan, thống nhất phương án giải quyết để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm táo của bà con nông dân được ổn định.
Thiết nghĩ, để phát huy hiệu quả của dự án liên kết trồng táo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa người dân và doanh nghiệp, địa phương, ngành nông nghiệp, Hội Nông dân cần xây dựng các mô hình liên kết sản xuất chặt chẽ hơn, các bên thực hiện theo đúng hợp đồng với các thỏa thuận đã cam kết để tránh những rủi ro trong sản xuất.
Tỉnh Ninh Thuận có trên 1.000 ha táo, sản lượng thu hoạch hàng năm đạt khoảng 40.000 tấn. Để tăng hiệu quả kinh tế, bên cạnh hoạt động khuyến khích mở rộng diện tích, tỉnh đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, trồng các giống táo mới, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ quả táo nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm.
Nguyễn Thành