Tỉnh Ninh Thuận hiện có trên 1.000 ha táo, mỗi năm cung cấp cho thị trường gần 40.000 tấn táo tươi. Để nâng cao hiệu quả kinh tế, nhiều nông hộ, trang trại đang xây dựng mô hình trồng giống táo mới, sử dụng công nghệ bao lưới vườn táo, xử lý sâu bệnh, cỏ dại kết hợp quy trình chăm sóc tối ưu để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm sau thu hoạch.
Ruồi vàng là loại côn trùng gây nhiều phiền toái đối với những hộ trồng táo như ông Tô Công Tưởng ở thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước. Sau khi tìm hiểu các phương pháp sản xuất thân thiện với môi trường, đầu năm 2022, ông Tưởng mạnh dạn đầu tư 17 triệu đồng mua lưới bao phủ toàn bộ vườn táo rộng 1,2 sào (1.200 m2).
"Nhờ bao lưới vườn táo, ông Tưởng không còn phải vất vả xịt thuốc bảo vệ thực vật để ngăn ruồi vàng. Trước kia không bao lưới ngăn ruồi vàng thì bình quân một sào táo cho 4 tấn thì chỉ hái được 1,5 đến 2 tấn quả, tỷ lệ quả hư phải bỏ đi nhiều. Giờ bao lưới thì thu trọn cả 4 tấn, quả hái đến đâu thương lái đến thu mua đến đó", ông Tưởng chia sẻ.
Nhiều nông hộ, trang trại đang đẩy mạnh áp dụng mô hình bao lưới cho vườn táo. Phương pháp mới này có nhiều ưu điểm như ngăn được ruồi vàng, che bớt sương muối, gió bấc làm thui lá, gãy cành, mưa gió gây rụng quả, cản bớt ánh sáng mặt trời chiếu vào quả táo, bảo vệ quả bớt bị rám vỏ và sậm màu. Từ đó, giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Đến nay, toàn tỉnh đã có khoảng 830 ha táo áp dụng phương pháp bao lưới.
Cùng với áp dụng kỹ thuật bao lưới, Ninh Thuận nghiên cứu nhiều giống táo chất lượng. Tiến sỹ Phan Công Kiên - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố (trực thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) cho biết, Viện đã nghiên cứu, chọn tạo được nhiều giống táo chất lượng như TN05, TN01... Đồng thời, nghiên cứu các kỹ thuật trồng trọt và bảo vệ thực vật mới như trồng táo trong nhà lưới có mái che cơ động; phủ bạt và trồng cây đậu đen để ngăn cỏ dại; sử dụng các loại bẫy bả, chế phẩm sinh học... nhằm giúp ngăn chặn, tiêu diệt sâu bệnh, côn trùng gây hại vườn táo để chuyển giao vào sản xuất.
Trong số đó, giống táo bom TN05 thể hiện nhiều ưu điểm như khi chín quả hình trứng màu xanh vàng, thịt quả màu trắng, ít nhớt và giòn, hương vị thơm nhẹ. Khối lượng quả trung bình từ 70 – 100g/quả, quả lớn có thể đạt tới 290g/quả; tỷ lệ ăn được của quả khoảng 95%, độ Brix đạt từ 11 đến 12% trong mùa mưa và đạt 13 đến 14% trong mùa khô. Năng suất bình quân đạt từ 50 – 60 tấn/ha/vụ; trồng trong điều kiện thâm canh có thể đạt 70 tấn/ha/vụ. Giống táo này có khả năng thích ứng tốt với điều kiện thời tiết khí hậu của các tỉnh vùng Nam Trung bộ.
Viện nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố đã hoàn thiện hồ sơ công nhận vườn đầu dòng (vườn giống gốc) các giống táo bom TN05, TN01 và được cơ quan chức năng tỉnh Ninh Thuận công nhận để sản xuất cây giống tốt, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng phục vụ mở rộng diện tích sản xuất đại trà; góp phần đa dạng cơ cấu bộ giống táo phục vụ sản xuất tại tỉnh Ninh Thuận nói riêng và các tỉnh Nam Trung bộ nói chung.
Để nâng cao giá trị kinh tế quả táo, Ninh Thuận đang tập trung phát triển các vùng trồng táo theo tiêu chuẩn VietGAP, táo hữu cơ. Song song đó, tỉnh tăng cường phối hợp với các viện, cơ quan nghiên cứu khoa học chuyển giao công nghệ xử lý bảo quản quả táo sau thu hoạch, xây dựng dây chuyền sấy nông sản, kho lạnh hỗ trợ các cơ sở sản xuất phát triển đa dạng sản phẩm chế biến từ quả táo.
Ông Nguyễn Đình Quang - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại nông sản Thái Thuận - Ninh Thuận (xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn) chia sẻ, với mong muốn phát triển thương hiệu Táo Ninh Thuận, Công ty hợp tác với các trung tâm nghiên cứu chế biến nông sản, viện công nghệ thực phẩm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ chế biến quả táo. Đồng thời, được sự hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công của quốc gia, Công ty mạnh dạn đầu tư hệ thống nhà xưởng, thiết bị chưng cất thủy đa năng, máy sấy, máy đóng gói để sản xuất các dòng sản phẩm chế biến từ quả táo và nho.
Bình quân mỗi năm Công ty liên kết thu mua từ các hộ dân 300 - 400 tấn táo tươi; trong đó, Công ty chế biến từ 150 -180 tấn táo thành các sản phẩm như: táo sấy dẻo tách hạt và nguyên hạt, ô mai táo, siro táo, giấm táo. Được sản xuất từ dây chuyền tiên tiến, các sản phẩm táo tươi và chế biến từ quả táo đáp ứng tiêu chuẩn kiểm định chất lượng và số lượng, đưa vào bán tại các siêu thị, chuỗi bán lẻ trên cả nước.
Ông Đặng Kim Cương - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận cho biết, để tiếp tục nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm từ quả táo, năm 2023, tỉnh tăng cường huy động các nguồn lực, dự án hỗ trợ đầu tư, tạo điều kiện cho người trồng táo liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã cùng tham gia đầu tư, sản xuất theo chuỗi giá trị. Đồng thời, ngành nông nghiệp phối hợp các viện nghiên cứu giống cây trồng đẩy mạnh nghiên cứu giống táo có tiềm năng năng suất cao, chất lượng tốt chuyển giao cho người dân trồng nhân rộng để phục vụ ngành chế biến sản phẩm theo hướng công nghiệp hiện đại.
Bên cạnh đó, để nâng cao uy tín, chất lượng, tăng sức cạnh tranh sản phẩm táo Ninh Thuận trên thị trường, ngành chức năng tiếp tục triển khai cấp quyền sử dụng Nhãn hiệu tập thể “Táo Ninh Thuận”, dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản xuất cho các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất táo; cấp mã số vùng trồng táo. Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm táo tiếp tục nâng cao chất lượng hàng hóa, thiết kế mẫu mã đẹp, phong phú về chủng loại, giá cả sản phẩm hợp lý để tăng sức cạnh tranh.
Đồng thời, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục tăng cường đưa sản phẩm chế biến từ quả táo vào chuỗi phát triển du lịch, kênh phân phối hiện đại; phát triển tour du lịch tham quan vườn táo; hỗ trợ các đơn vị sản xuất và kinh doanh sản phẩm táo trên địa bàn tham gia các chương trình xúc tiến thương mại nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm thông qua triển lãm, hội chợ công thương kết nối thị trường tiêu thụ.
Nguyễn Thành