Quảng Trị ưu tiên đào tạo nghề giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Quảng Trị đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu mức thu nhập bình quân đầu người vùng dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4-5%/năm. Một giải pháp được tỉnh chú trọng là đào tạo nghề cho lao động đồng bào dân tộc thiểu số.

daotaongheQUangTRi.jpg
Học viên của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hướng Hóa tham gia thực hành kỹ thuật tiêm phòng bệnh cho gà. Ảnh: baoquangtri.vn

Ưu tiên vùng đặc biệt khó khăn

Quảng Trị hiện có hơn 21.400 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu ở hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa; trong đó có 10.243 hộ nghèo, 3.325 hộ cận nghèo đang cần được hỗ trợ để cải thiện cuộc sống. Để giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh ưu tiên dành nhiều cơ chế, nguồn lực tập trung cho vùng đặc biệt khó khăn. Nhờ đó, cơ sở hạ tầng các xã miền núi từng bước được cải thiện, chương trình giảm nghèo bền vững đạt được nhiều kết quả tích cực.

Năm 2021 - 2024, Quảng Trị đã phân bổ hơn 742 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, đã giải ngân hơn 427 tỷ đồng. Ngoài nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước, địa phương cũng triển khai thực hiện tốt các chính sách tín dụng, huy động đóng góp của người dân và các nguồn vốn hợp pháp khác để góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.Tính đến quý II/2024, tỉnh đã giải ngân khoảng 5.000 tỷ đồng từ nguồn tín dụng chính sách cho khoảng 30.000 hộ nghèo, cận nghèo vay để đầu tư phát triển sản xuất.

Bà Lê Nguyễn Huyền Trang, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị cho biết, để phát huy tối đa hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số, việc khảo sát nhu cầu, điều kiện sống, sản xuất của từng hộ phải thực chất, đúng nhu cầu, đúng đối tượng. Ngoài ngân sách của Nhà nước, tỉnh huy động nguồn lực từ doanh nghiệp, cộng đồng và người dân địa phương; đồng thời xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cơ sở có năng lực để đưa chủ trương, chính sách giảm nghèo đi vào cuộc sống.

Giai đoạn 2024-2025, Quảng Trị tập trung cao nhất nguồn lực từ ngân sách Trung ương và địa phương để lồng ghép thực hiện đồng thời 3 Chương trình mục tiêu quốc gia tại vùng dân tộc thiểu số; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững. Tỉnh ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho các xã, thôn, bản khó khăn nhất; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số khó khăn nhất.

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, nhờ thực hiện tốt 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được nâng lên. Ước tính đến cuối năm 2024, tỷ lệ nghèo đa chiều toàn tỉnh giảm còn 11,64% với 21.321 hộ nghèo, cận nghèo. Trong đó, tỷ lệ nghèo đa chiều dân tộc thiểu số là 55,62% so với tổng số hộ dân tộc thiểu số (giảm 4,5% tương ứng 1.200 hộ).

Chú trọng đào tạo nghề, tạo việc làm

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là lao động vùng dân tộc thiểu số luôn được Quảng Trị xem là giải pháp quan trọng trong công tác giảm nghèo.

Huyện Hướng Hóa có 50% dân số là đồng bào dân tộc, ngoài thu nhập từ việc nhận khoán bảo vệ chăm sóc rừng, đa số bà con dựa vào trồng chuối, trồng sắn, nhưng do trình độ canh tác thấp nên sản lượng không cao. Từ năm 2023 đến nay, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Hướng Hóa tổ chức 60 lớp đào tạo nghề cho 1.200 học viên là đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã trong huyện. Ngành nghề đào tạo chủ yếu gắn liền với điều kiện phát triển của từng xã như trồng chuối, sắn, nuôi và phòng trị bệnh cho dê, nuôi cá nước ngọt, trồng rau an toàn, rừng... Đồng bào học nghề được hỗ trợ 100% học phí, tiền ăn, xăng xe đi lại, nguyên vật liệu, dụng cụ học tập.

Ông Đinh Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Hướng Hóa cho biết, tất cả các lớp đào tạo nghề do Trung tâm tổ chức hầu hết được thực hiện tại thôn bản, nơi có học viên theo học, để người học không phải đi lại xa, không tốn kém kinh phí ăn, ở. Do đó, các lớp học đều thu hút đông đảo người lao động và hiệu quả học tập cũng tốt hơn. Các lớp học kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi ngay tại thôn bản được người dân nhiệt tình tham gia. Phương pháp “học đến đâu thực hành trên cây trồng, vật nuôi đến đó” giúp đồng bào dễ hiểu, nhớ lâu và có thể áp dụng ngay kiến thức đã học.

Anh Hồ Văn Nguy, 30 tuổi, người Pa Kô (nhóm địa phương thuộc dân tộc Tà Ôi) ở xã biên giới Hướng Việt tham gia lớp đào tạo nghề chăn nuôi. Sau đó, anh đã mạnh dạn vay vốn ưu đãi của Ngân hàng chính sách xây dựng chuồng trại để phát triển chăn nuôi dê, bò trên núi Sa Mù. Ngoài đàn dê hơn 30 con, gia đình anh còn trồng 3 ha rừng, nuôi thêm chục con bò, sau khi trừ chi phí, thu nhập hằng năm hơn 100 triệu đồng. Từ hộ nghèo, nay gia đình anh đã xây dựng nhà ở kiên cố, khang trang; tình nguyện đăng ký rút khỏi diện hộ nghèo.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Quảng Trị đã phân bổ hơn 200 tỷ đồng triển khai Dự án 4 “Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững” để đầu tư cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề, hỗ trợ khởi nghiệp, tư vấn và tạo việc làm. Trong năm 2021-2024, Quảng Trị đã đào tạo nghề cho gần 5.000 lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đến cuối năm 2024 đạt 75,16% (đạt 100% kế hoạch đề ra).

Hiện Quảng Trị thực hiện việc lồng ghép các chương trình, dự án, đề án, kế hoạch đào tạo nghề, tạo việc làm, giảm nghèo phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Hằng năm, tỉnh rà soát, thống kê số lượng người dân có nhu cầu học nghề, tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo tuyển sinh, tổ chức các lớp phù hợp với nhu cầu của lao động nông thôn và vùng dân tộc thiểu số.

Nguyên Linh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm