Quảng Trị phát triển rừng gỗ lớn được cấp chứng chỉ FSC

Quảng Trị là một trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước phát triển rừng gỗ lớn đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC). Tỉnh đang tiếp tục phát triển rừng gỗ lớn được cấp chứng chỉ này để nâng cao giá trị.

vna_potal_quang_tri_trong_rung_go_lon_phuc_vu_vung_nguyen_lieu_che_bien_va_xuat_khau_mang_lai_hieu_qua_kinh_te_cao_6418411.jpg
Mô hình trồng rừng gỗ lớn phục vụ vùng nguyên liệu chế biến và xuất khẩu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Thanh Thủy-TTXVN

Sau 14 năm, đến nay tỉnh đã có trên 26.000 ha rừng đạt FSC. Loại rừng này dự kiến sẽ tăng lên khoảng 30.000 ha vào năm 2030. Tỉnh tập trung phát triến rừng gỗ lớn FSC ở các doanh nghiệp, hội nhóm và hộ dân. Các công ty lâm nghiệp tham gia trồng rừng FSC gồm: Đường 9 gần 4.230 ha, Bến Hải trên 8.069 ha, Triệu Hải gần 4.064 ha. Bên cạnh đó, Hợp tác xã Hà Xá, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong có 110 hộ dân tham gia trồng rừng FSC với 406 ha; hội các nhóm hộ có chứng chỉ rừng Quảng Trị trên 5.396 ha; nhóm hộ chứng chỉ rừng huyện Hải Lăng có 444 hộ tham gia với 3.970 ha.

Để trồng mới mỗi héc-ta rừng chi phí hết khoảng 20 triệu đồng. Sau từ 4 - 5 năm có thể thu hoạch cây gỗ rừng thông thường cho doanh thu khoảng 60 - 80 triệu đồng/ha tùy thời điểm và chất lượng rừng, trừ chi phí ban đầu thu lãi 40 – 60 triệu đồng/ha. Đối với rừng gỗ lớn FSC, sau tối thiểu khoảng 8 năm trồng rừng mới có thể thu hoạch cho doanh thu từ 160 – 200 triệu đồng/ha, trừ chi phí đầu tư thu lãi từ 120 – 160 triệu đồng/ha tùy thời điểm và chất lượng rừng. Ngoài cho giá trị cao, gỗ rừng FSC còn có đầu ra ổn định.

Theo đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Bến Hải, thực hiện các mục tiêu tiêu chí về quản lý rừng bền vững, 100% rừng của công ty được cấp chứng chỉ FSC và hướng tới tham gia thị trường carbon tự nguyện, giúp sản phẩm gỗ của công ty đủ điều kiện xuất khẩu sang nhiều thị trường trên thế giới.

Tuy nhiên, tồn tại lớn nhất đối với phát triển rừng gỗ lớn FSC là chu kỳ khai thác dài kéo theo rủi ro cao do cây gỗ rừng có thể bị gãy đổ khi có bão, cháy rừng. Do đó cần có chính sách bảo hiểm đối với tổ chức, cá nhân trồng loại rừng này.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng, việc chuyển từ trồng rừng truyền thống sang trồng rừng FSC là chuyển từ sản xuất chạy theo sản lượng sang chú trọng chất lượng cao để tăng giá trị. Với nguồn nguyên liệu là gỗ rừng trồng FSC, doanh nghiệp có thể chọn làm các mặt hàng thị trường cần, qua đó giúp doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh.

Tỉnh Quảng Trị hiện có trên 245.000 ha rừng; trong đó có gần 120.000 ha rừng trồng; sản lượng gỗ khai thác bình quân từ 900.000 – 1 triệu m3/năm. Diện tích rừng trồng nói chung và rừng trồng gỗ lớn FSC nói riêng đã và đang cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định cho hàng trăm nhà máy và cơ sở kinh doanh chế biến lâm sản, chủ yếu sản xuất ván ghép thanh, ván lạng, đồ gỗ nội thất, đồ mộc gia dụng. Các sản phẩm từ gỗ sản xuất tại Quảng Trị ngoài tiêu thụ trong nước, còn xuất khẩu sang các nước ASEAN, Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, châu Âu....

Nguyên Lý

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm