Trồng rừng FSC giúp người dân miền núi Thanh Hóa xóa đói, giảm nghèo

Giai đoạn 2016-2024, tỉnh Thanh Hóa có 7 nhóm hộ và 1 Ban quản lý rừng phòng hộ đã được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững - FSC với tổng diện tích 28.492 ha/trên 4.670 hộ tham gia; trong đó, rừng trồng luồng, vầu là 8.654 ha, rừng trồng gỗ là 11.494 ha, còn lại là diện tích rừng tự nhiên. Nhờ được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC, cũng như phát triển các mô hình sinh kế, nhiều hộ dân miền núi đã vươn lên thoát nghèo nhờ trồng rừng.

vna_potal_thanh_hoa_dich_vu_moi_truong_rung_gop_phan_bao_ve_moi_truong_sinh_thai_7321942.jpg
Nhiều hộ dân miền núi của tỉnh Thanh Hóa được hỗ trợ, chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Tại huyện miền núi Lang Chánh, trong 3 năm qua, đã có hơn 11.000 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC, để nâng cao giá trị sản phẩm từ rừng. Kể từ năm 2022 tới nay, huyện đã khai xây dựng vùng rừng FSC với diện tích 4.000 ha, với mục tiêu giúp người dân nâng cao thu nhập từ trồng rừng. Nhờ triển khai hiệu quả các giải pháp, cùng chính sách hỗ trợ, nên diện tích rừng trồng trên địa bàn huyện những năm gần đây tăng nhanh, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Là người đi đầu trong huyện về việc trồng rừng, ông Phạm Đình Ba, xã Giao An cho biết, gia đình đã trồng cây keo, cây luồng từ năm 2015. Khi bắt đầu trồng rừng, gia đình được UBND xã Giao An hỗ trợ phân bón từ chương trình phục tráng rừng luồng, cũng như chuyển giao khoa học kỹ thuật mới trong trồng cây keo, lát…

Đến nay, rừng trồng của ông Ba đã được cấp chứng chỉ rừng FSC và đang phát triển rất tốt. Hiện, nhà ông Ba đang có 5 ha cây keo, 4 ha rừng luồng đang khai thác, so với ngày trước, chỉ thu hoạch từ 40 - 50 triệu đồng. Giờ đây, thu nhập đã tăng lên 120 triệu đồng/năm, nhờ trồng rừng gia đình ông đã thoát nghèo.

Ông Lê Quang Tùng, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lang Chánh cho hay, huyện đã xây dựng vùng trồng rừng FSC, đến nay, toàn bộ diện tích này đang được các tổ chức quốc tế vào khảo sát, chấm đánh giá để cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC. Sau khi được chấm đánh giá FSC, rừng trồng của người dân sẽ được nâng cao giá trị thông qua bán sản phẩm gỗ cho các nhà máy, cũng như gia nhập được vào thị trường tiêu thụ khó tính hơn.

Còn tại huyện biên giới Quan Sơn, huyện đang triển khai các giải pháp, cùng chính sách hỗ trợ, giao đất rừng cho người dân canh tác trồng các loại cây như: cây luồng, cây vầu, cây keo… và vận động người dân trồng rừng gắn với phát triển mô hình sinh kế. Năm 2013, huyện Quan Sơn đưa cây vầu vào trồng thâm canh, đến nay, cây vầu đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần giảm nghèo cho người dân.
Cùng với các giải pháp phục tráng, phát triển diện tích rừng vầu, vào năm 2018, huyện Quan Sơn được hỗ trợ dự án phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị tre do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ, được thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu lâm sản ngoài gỗ, thực hiện tại 3 xã Sơn Điện, Mường Mìn, thị trấn Sơn Lư.

Đến nay, dự án đã thành lập 10 tổ nhóm nông dân sản xuất quy mô 300 hộ thành viên tham gia, tổ chức được 14 khóa tập huấn về kỹ năng hoạt động tập thể, lập kế hoạch, vận hành nhóm, kỹ thuật theo tiêu chuẩn rừng FSC cho 500 lượt học viên. Cùng với đó, dự án xây dựng mô hình thí điểm thành chuỗi giá trị tại xã Sơn Điện gồm 1 mô hình vườn ươm, 1 mô hình phục tráng khai thác, chế biến vầu đang mang hiệu quả cho dân, đến nay năng suất cây vầu tăng 60% so với trước.

Theo ông Vi Văn Piên, xã Tam Lư, gia đình đã trồng cây vầu từ năm 2013, khi bắt đầu trồng cây vầu gia đình được xã hỗ trợ phân bón từ chương trình phục tráng rừng, cũng như chuyển giao khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất. Từ năm 2018 tới nay, toàn bộ diện tích 7 ha rừng vầu của gia đình đã được cấp chứng chỉ rừng FSC, thu nhập 130 triệu đồng/năm.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, tỉnh có trên 641.000 ha rừng; trong đó, tổng diện tích rừng gỗ lớn là 56.000 ha và 260.000 ha rừng trồng. Việc liên doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp đang mang lại hiệu quả, giúp nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo nhờ trồng rừng.

Ông Nguyễn Đình Thái, Trưởng phòng Sử dụng, phát triển rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa cho biết, để tăng thêm thu nhập cho người dân từ nghề trồng rừng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh sẽ triển khai chính sách hỗ trợ cây giống, nuôi cấy mô để phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng chất lượng cao tiến tới cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC và chính sách hỗ trợ cấp FSC với mức 300.000 đồng/ha cho khu vực quy mô 300 ha trở lên; đồng thời, đẩy mạnh tích tụ tập trung đất lâm nghiệp để sản xuất gỗ, hàng hóa tập trung, hình thành liên kết theo chuỗi giá trị trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ gỗ rừng.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng phối hợp với các huyện vận động người dân tham gia trồng rừng gỗ lớn có cấp chứng chỉ FSC, tổ chức lại sản xuất theo hướng thành lập hợp tác xã, nhóm hộ, chủ rừng để quản lý, bảo vệ rừng, cấp chứng chỉ rừng gắn với các cơ sở chế biến. Qua đó, xây dựng được vùng nguyên liệu tập trung gắn với cấp chứng chỉ FSC”.

Tỉnh Thanh Hóa phấn đấu từ nay đến hết năm 2025 sẽ nâng diện tích vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng lên 125.000 ha, có thêm 25.000 ha rừng trồng gỗ và 10 ha rừng tre, luồng, vầu được cấp chứng chỉ FSC. Việc phát triển rừng FSC là cánh cửa để sản phẩm gỗ của tỉnh Thanh Hóa nói chung và của nước Việt Nam nói riêng xuất khẩu vào thị trường châu Âu, Mỹ, qua đó nâng cao thu nhập cho người dân làm nghề rừng trên địa bàn miền núi.


Nguyễn Nam

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm