Gia đình ông Nguyễn Văn Tý (phải), thôn Châu Sơn, xã Thạch Bình, huyện Thạch Thành đang trồng 3 ha rừng theo tiêu chuẩn FSC với thu nhập đạt 80 triệu/năm. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN |
Là huyện miền núi khó khăn, Thạch Thành có diện tích gần 26.000 ha rừng, trước đây đã có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ bà con trồng rừng phát triển kinh tế, tuy nhiên hiệu quả mang lại chưa cao. Trong khi, nguồn gỗ xuất khẩu ra các nước cần phải có chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC để truy xuất nguồn gốc, nâng cao giá trị sản phẩm. Nhằm khắc phục thực trạng trên và giúp các hộ gia đình sản xuất lâm nghiệp liên kết với doanh nghiệp để thực hiện chuỗi sản phẩm từ trồng rừng, thu mua nguyên liệu, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, huyện Thạch Thành đã phối hợp với Công ty cổ phần Xuân Sơn để thực hiện mô hình cấp chứng chỉ rừng FSC cho các nhóm hộ. Để mô hình được triển khai, trong năm 2016 huyện Thạch Thành đã phối hợp Công ty cổ phần Xuân Sơn nhằm xây dựng diện tích rừng tham gia chứng chỉ FSC của các hộ trồng cây keo tại 8 xã Thạch Cẩm, Thạch Sơn, Thạch Bình, Thạch Đồng... Đồng thời, mở các lớp tập huấn về trồng, chăm sóc, khai thác rừng và mời các tổ chức quốc tế về đánh giá, cấp chứng chỉ FSC cho các hộ. Nhờ đó, toàn huyện đã có 1.474 hộ đang trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC với tổng diện tích là 1.715 ha. Sau khi các hộ dân có chứng chỉ FSC, Công ty cổ phần Xuân Sơn đã liên kết cùng Công ty Lâm sản Nam Định để ký hợp đồng thu mua sản phẩm gỗ keo cho người dân. Hiện người dân đã không còn lo về đầu ra vì đã có doanh nghiệp thu mua sản phẩm gỗ keo, nhiều người đã thu lợi nhuận 25 triệu đồng/ha/năm, giá trị gỗ đã tăng gấp 2,5 lần so với trước đây. Tại xã Thạch Bình, có 104 hộ trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC với diện tích 151,84 ha, để trồng rừng gỗ lớn được chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC, người dân không được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chăm sóc đúng kĩ thuật. Nếu trồng đúng quy trình, từ 5-7 năm trở lên năm trở lên là có thể thu hoạch. Sau khi khai thác, người dân được công ty bao tiêu sản phẩm cao hơn giá thị trường 10%. Ông Nguyễn Xuân Triệu, trú tại thôn Châu Sơn, xã Thạch Bình cho biết, năm 2011, già đình ông bắt đầu trồng rừng, tuy nhiên giá bán thấp nên hiệu quả kinh tế không cao. Tới năm 2016, gia đình ông được Công ty Xuân Sơn hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật và chuyển hóa 2,5 ha trồng cây keo sang trồng rừng keo theo tiêu chuẩn FSC. Sau đó, gia đình ông đã áp dụng đúng kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ rừng và kết hợp trồng thêm cây ăn quả, chăn nuôi. Tới nay gia đình ông Triệu đang có 2,5 ha rừng keo trồng theo tiêu chuẩn FSC và 0,5 ha trồng rau, 0,5 ha trồng cây ăn quả, kết hợp chăn nuôi bò, lợn, thu nhập của gia đình ông đạt 200 triệu đồng/năm. Cũng là nguời trồng rừng được cấp chứng chỉ FSC, ông Nguyễn Văn Tý (sinh năm 1959), trú tại thôn Châu Sơn, xã Thạch Bình cho biết, gia đình ông bắt đầu trồng rừng vào năm 2013, tuy nhiên do trồng rừng không quan tâm đến chất lượng cây giống, kỹ thuật chăm sóc nên hiệu quả kinh tế không cao, khi bán sản phẩm hay bị tiểu thương ép giá. Năm 2017, gia đình ông đã quyết định chuyển hóa toàn bộ diện tích rừng keo sang trồng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC, khi bắt đầu trồng rừng, gia đình ông chọn cây keo giống có nguồn gốc tốt, chăm sóc theo đúng kỹ thuật, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vào chăm sóc cây nên chất lượng gỗ được nâng cao. Hiện gia đình ông đang có 3 ha rừng keo theo tiêu chuẩn FSC, thu nhập bình quân của gia đình ông đạt 80 triệu đồng/năm. Theo ông Nguyễn Đình Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Bình, người dân trong xã đã thực hiện tốt việc trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC. Cứ mỗi khối gỗ, các hộ dân trong xã được doanh nghiệp mua cao hơn 50.000-100.000 đồng so với giá thị trường. Nhờ đó, tổng thu nhập đầu người toàn xã tính đến nay đạt gần 25 triệu đồng/năm, nhiều hộ dân đã vượt qua đói nghèo nhờ trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC. Mặc dù đã có nhiều thành công nhưng việc trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC vẫn còn nhiều khó khăn do diện tích rừng trồng của người dân còn manh mún, nhỏ lẻ, việc hình thành vùng nguyên liệu đang còn rất khó khăn. Trong khi, nhận thức của nhân dân trong 8 xã có chứng chỉ FSC không đồng đều, nhiều hộ còn trồng mật độ dầy, chưa có biện pháp tỉa thưa phù hợp. Bà Đỗ Thị Phiến, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Thạch Thành cho biết, từ nay đến cuối năm 2019, huyện sẽ tiếp tục hướng dẫn người dân trồng thâm canh rừng, chuyển mục đích từ trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn và có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư. Đồng thời, huyện sẽ phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức rà soát, đánh giá và phấn đấu mở rộng diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC lên 4.000 ha nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế rừng, qua đó giúp bà con dân tộc thiểu số có thêm hướng đi mới trong phát triển kinh tế rừng, xóa đói giảm nghèo.
Nguyễn Nam