Người dân Tuyên Quang đang chuẩn bị cấy giống cho vụ trồng rừng năm 2020. Ảnh: Quang Đán - TTXVN |
Trước đây, xã chưa có diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ nên việc vận động người dân tham gia gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, tại các cuộc họp xã, họp thôn, những nguyên tắc sản xuất rừng, hiệu quả từ trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC luôn được lồng ghép, nhấn mạnh. Nhờ đó, nhiều hộ dân đã hiểu hơn về lợi ích khi trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC… Ông Chu Phúc Quý - thôn Bản Pình chia sẻ, năm 2018, khi được xã vận động tham gia cấp chứng chỉ rừng FSC, gia đình rất băn khoăn bởi tập quán cũ trồng rừng rất đơn giản. Nhưng nếu tham gia cấp chứng chỉ phải tuân nhiều nguyên tắc như: không được sử dụng thuốc diệt cỏ, phải bảo vệ động vật hoang dã, không được đốt thực bì; quá trình khai thác không được để lại dấu tích của xe cộ, chất thải để tránh tác động đến môi trường rừng… Tuy nhiên, sau khi được xã vận động, cán bộ lâm nghiệp hướng dẫn kỹ thuật tận tình…, ông Quý quyết định tham gia cấp chứng chỉ rừng. Hiện ông Quý có gần 6 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC. Rừng trồng được cấp chứng chỉ sẽ cho sản lượng gỗ cao hơn rừng thường từ 10 -15%; giá bán gỗ từ rừng được cấp chứng chỉ cũng tăng từ 10 đến 15% nên gia đình rất phấn khởi. Bên cạnh việc tuyên truyền, vận động giúp người dân hiểu lợi ích của trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC, Tuyên Quang còn tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến lâm sản, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm rừng trồng của người dân. Về phía doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp cũng đẩy mạnh liên kết, hỗ trợ người trồng rừng. Điển hình như Công ty cổ phần Woodlands Tuyên Quang hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật cho nhóm hộ gia đình để cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, duy trì chứng chỉ trong các năm tiếp theo và cam kết bao tiêu sản phẩm sau khi rừng được cấp chứng chỉ; Công ty cổ phần Giấy An Hòa hỗ trợ cây giống, kỹ thuật cho các hộ dân… Theo ông Nguyễn Hồng Hà, thôn 2, xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn, trước đây, gia đình trồng rừng tự do không chú ý đến chất lượng cây giống, kỹ thuật chăm sóc nên sản lượng gỗ thấp, giá thành cũng không ổn định, thường xuyên bị thương lái ép giá. Sau khi rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC được quản lý chặt chẽ, chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất, chất lượng gỗ nâng cao. Đặc biệt, đầu ra cho sản phẩm gỗ rừng trồng đảm bảo, giá cả ổn định nên gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân trong thôn an tâm đầu tư, chăm sóc rừng trồng... Hiện gia đình tôi đang có tổng cộng gần 10 ha keo được cấp chứng chỉ FSC. Sau khoảng 2 năm, cây đến tuổi thu hoạch, gia đình sẽ thu về khoảng hơn 1 tỷ đồng từ rừng keo này. Từ hiệu quả thực tế, thời gian qua, Tuyên Quang đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm mở rộng diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC. Ông Triệu Đăng Khoa - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang cho biết, từ năm 2015, tỉnh bắt đầu thí điểm xây dựng chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn của Hội đồng Quản trị rừng thế giới FSC. Tỉnh chủ động mời Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang ký kết thỏa thuận hợp tác, lựa chọn đơn vị tư vấn, xây dựng lộ trình cụ thể cho từng hoạt động; tổ chức các đoàn tham quan, học hỏi kinh nghiệm triển khai cấp chứng chỉ rừng; đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ lợi ích của cấp chỉ rừng theo tiêu chuẩn FSC; hỗ trợ kinh phí cho các hộ dân tham gia cấp chứng chỉ rừng… Đến nay, Tuyên Quang có trên 25.300/189.000 ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC (tỉnh đang dẫn đầu cả nước về diện tích rừng được cấp chỉ FSC). Qua đó, góp phần nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp, giúp dân thoát nghèo và làm giàu từ trồng rừng. Năm 2019, giá trị sản xuất lâm nghiệp của tỉnh Tuyên Quang ước đạt trên 1.123 tỷ đồng, tăng 6,6% so với năm 2018. Chia sẻ về bài học kinh nghiệm trong quản lý cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn FSC, ông Triệu Đăng Khoa cho biết, muốn mở rộng diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC phải đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ lợi ích của rừng trồng khi được cấp chứng chỉ; xây dựng, hoàn thiện chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn của Hội đồng quản trị rừng thế giới; mời gọi doanh nghiệp vào đầu tư, hỗ trợ người trồng rừng trong cấp chứng chỉ; xây dựng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm rừng trồng, hình thành chuỗi sản phẩm từ rừng; phát triển công nghiệp chế biến và thương mại gỗ, lâm sản ngoài gỗ... Nhờ đó, tạo được đầu ra ổn định cho sản phẩm từ rừng trồng. Cùng đó, tỉnh triển khai các chính sách hỗ trợ người dân về cây giống, kỹ thuật... trong việc trồng, chăm sóc, tham gia cấp chứng chỉ FSC; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, ngành trong việc hướng dẫn, vận động người dân tham gia cấp chứng chỉ rừng; tùy vào tình hình thực tế tại địa phương để đưa ra giải pháp phù hợp, đảm bảo cho việc mở rộng, duy trì diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC... Thời gian tới, tỉnh tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho các hộ dân tham gia cấp chứng chỉ rừng FSC; hỗ trợ cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho người trồng rừng; đẩy mạnh các hoạt động để mở rộng diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ như: thành lập nhóm hộ để quản lý rừng bền vững, xây dựng kế hoạch cho từng hoạt động cụ thể trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng… Giai đoạn 2021-2025, Tuyên Quang phấn đấu đưa giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng bình quân trên 6%/năm, chiếm 12,8% cơ cấu giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; quản lý, sử dụng hợp lý, bền vững tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp, duy trì độ che phủ rừng đạt trên 60%; mỗi năm cấp mới chứng chỉ rừng bền vững cho trên 5.000 ha rừng sản xuất...
Vũ Quang