Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, năm 2024, ngành chăn nuôi tỉnh sẽ tập trung phát triển 4 nhóm đối tượng vật nuôi chính gồm: bò, lợn, dê và gia cầm; trong đó, bò, lợn, dê phát triển theo hướng thịt, gia cầm phát triển theo hướng thịt và trứng. Ngoài ra, tỉnh còn đặt mục tiêu phát triển đàn bò 258.000 con, đàn lợn 294.000 con; đàn dê 23.000 con; đàn gia cầm 7,8 triệu con. Tổng sản lượng thịt hơi các loại khoảng 92.000 tấn.
Cụ thể, tỉnh sẽ phát triển đàn bò thịt đa dạng bằng giống cái nền địa phương tốt, giống bò đực ngoại để lai cải tạo nâng cao chất lượng, tầm vóc bò địa phương, 100% đàn bò thịt của tỉnh được lai nhóm máu Zêbu hoặc lai giống chuyên thịt chất lượng cao.
Với đàn lợn, tỉnh phát triển chăn nuôi lợn ngoại, lợn lai hướng nạc bằng các giống Yorkshire, Landrace, Duroc và lợn lai nhiều nhóm máu,… tập trung chủ yếu ở các huyện trong tỉnh. Đồng thời phát triển chăn nuôi lợn theo trang trại chăn nuôi công nghiệp qui mô vừa và nhỏ, có kiểm soát, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, an toàn sinh học, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ.
Đối với đàn gia cầm, tỉnh phát triển theo hướng trang trại, công nghiệp và chăn thả, hướng chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; phát triển các giống gà địa phương, vịt thịt chất lượng cao. Đàn dê phát triển chủ yếu ở huyện Cầu Ngang, Trà Cú, Duyên Hải, sử dụng các giống dê Bách Thảo, dê Boer, dê lai,... tuỳ điều kiện sinh thái bố trí giống phù hợp.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Trần Trường Giang cho biết, để chăn nuôi hiệu quả, bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp tỉnh định hướng cho người chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại, công nghiệp, chăn nuôi hữu cơ hoặc chăn nuôi truyền thống theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, an toàn.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh việc xã hội hóa các hoạt động trong chăn nuôi, phát triển chăn nuôi theo hướng phù hợp với thị trường tiêu thụ, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển.
Thời gian tới, ngành cũng sẽ chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tăng cường kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y.
Ngoài ra, ngành chuyên môn xây dựng các phương án chăn nuôi cụ thể khi chưa xảy ra dịch bệnh và khi dịch bệnh xảy ra cho từng đối tượng nuôi để giúp người chăn nuôi hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro do dịch bệnh trên đàn vật nuôi; khuyến khích, vận động người chăn nuôi tiêm vaccine phòng bệnh, phấn đấu đạt tỷ lệ tối thiểu 80% tổng đàn gia súc, gia cầm. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh đến người chăn nuôi; xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh (cấp xã) lĩnh vực chăn nuôi.
Theo thống kê, tỉnh Trà Vinh hiện có tổng đàn bò gần 250.000 con, đàn lợn trên 272.600 con, đàn dê 22.350 con và đàn gia cầm 6,53 triệu con. Thời gian qua, ngành chuyên môn đã vận động người chăn nuôi tiêm vaccine phòng bệnh cho đàn vật nuôi. Tuy nhiên, do chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô nông hộ nên việc tiêm phòng chưa được chú trọng.
Đến nay, toàn tỉnh chỉ có khoảng 2,13 triệu con gia cầm được tiêm vaccine phòng cúm (đạt 36% kế hoạch), 139.830 con gia súc được tiêm phòng lở mồm long móng (đạt 47,9% kế hoạch), 92.500 con bò được tiêm phòng viêm da nổi cục (đạt 50,28% kế hoạch).
Thanh Hòa