Hưng Yên khuyến khích chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học

Ngành chăn nuôi tỉnh Hưng Yên đang từng bước đẩy mạnh chuyển dịch từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang tập trung, quy mô lớn đảm bảo an toàn sinh học. Điều này, không chỉ giúp người chăn nuôi kiểm soát dịch bệnh, giảm rủi ro và chi phí sản xuất mà còn góp phần hình thành các chuỗi liên kết, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển chăn nuôi bền vững.

vna_potal_nuoi_bo_thit_mang_lai_hieu_qua_kinh_te_cao_cho_nong_dan_tinh_hung_yen_7668778.jpg
Trang trại của Hợp tác xã chăn nuôi bò Phú Cường, thành phố Hưng Yên. Ảnh: Mai Ngoan-TTXVN

Tỉnh Hưng Yên hiện có hơn 500.000 con lợn, gần 30.000 con bò và khoảng 8,6 triệu con gia cầm... Chất lượng con giống ngày càng được nâng lên với 100% là lợn nạc và siêu nạc, 100% đàn bò được sinh hóa, đàn gà lông màu chiếm trên 90% tổng đàn. Hình thức và quy mô chăn nuôi chuyển dần theo hướng giảm chăn nuôi quy mô nông hộ, tăng chăn nuôi quy mô trang trại đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường.

Nhằm hình thành các chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, có năng lực cạnh tranh đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, định hướng sản xuất xuất khẩu, ngày 12/11/2020, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành Quyết định số 2631/QĐ – UBND về việc tiếp tục thực hiện Đề án xây dựng và khuyến khích phát triển mô hình chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025, với tổng kinh phí là trên 73 tỷ đồng. Theo đó, đối với chuỗi thực phẩm thịt, sản phẩm thực phẩm từ động vật có quy mô từ 200 con thương phẩm/cơ sở trở lên (đối với lợn thịt), từ 2.500 con/năm (đối với gia cầm), từ 25 con trở lên (đối với bò thịt, bò sữa...) là những đơn vị được lựa chọn tham gia mô hình chuỗi.

vna_potal_nuoi_bo_thit_mang_lai_hieu_qua_kinh_te_cao_cho_nong_dan_tinh_hung_yen_7668776.jpg
Trang trại nuôi bò của ông Trần Văn Mý, xã Tân Hưng, thành phố Hưng Yên. Ảnh: Mai Ngoan-TTXVN

Trưởng phòng Chăn nuôi-Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên Nguyễn Thị Bích Vân cho biết, nhằm hiện thực hóa đề án, hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương rà soát, lựa chọn đối tượng tham gia đề án; tổ chức tập huấn quy trình sản xuất VietGAP trong chăn nuôi; hỗ trợ hệ thống điện, xử lý chất thải cho các đối tượng tham gia. Từ năm 2023 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức tư vấn, hướng dẫn, chứng nhận duy trì mở rộng VietGAP, VietGAP cho gần 80 tổ chức, cá nhân, với tổng diện tích trên 750 ha, trên 83.000 con gia súc, gia cầm.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Vân, chăn nuôi chuyển dần theo hướng giảm chăn nuôi quy mô nông hộ, tăng chăn nuôi quy mô trang trại đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường đã góp phần hình thành chuỗi liên kết chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, khắc phục tình trạng phụ thuộc vào thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.

Đến nay, tỉnh đã lựa chọn được 90 tổ chức, cá nhân tham gia đề án chuỗi; trong đó, chuỗi chăn nuôi và chế biến thịt có 15 đơn vị tham gia gồm 10 đơn vị chăn nuôi, chế biến các sản phẩm từ thịt lợn; 4 đơn vị chăn nuôi gia cầm và 1 đơn vị chăn nuôi bò. Cụ thể, đối với chuỗi chăn nuôi, quy trình chăn nuôi, giết mổ, chế biến sản phẩm được thực hiện theo chu trình khép kín, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, tạo chuyển biến tích cực, giúp người dân phát triển sản xuất bền vững.

vna_potal_nuoi_bo_thit_mang_lai_hieu_qua_kinh_te_cao_cho_nong_dan_tinh_hung_yen_7668784.jpg
Đàn bò của Hợp tác xã chăn nuôi bò Phú Cường, thành phố Hưng Yên được nuôi theo hướng an toàn sinh học. Ảnh: Mai Ngoan-TTXVN

Gia đình ông Nguyễn Văn Dũng, ở xã Quảng Châu, thành phố Hưng Yên là điển hình trong việc cho chăn nuôi tập trung theo chuỗi liên kết, với quy mô khoảng 1.000 con lợn/năm. Ông Dũng chia sẻ, hiện nay toàn bộ quy trình chăn nuôi được áp dụng theo công nghệ tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Đàn lợn của gia đình ông được phòng bệnh bằng hệ thống an toàn sinh học, luôn được "ăn sạch, ở sạch, uống sạch". Đặc biệt, trang trại lắp đặt hệ thống uống tự động, camera giám sát để hạn chế số lượng người ra, vào trại. Do vậy, tỷ lệ rủi ro chỉ chiếm khoảng 5%, trong khi đó lợi nhuận tăng 15 – 20%.

Những năm trở lại đây, trang trại chăn nuôi gà Đông Tảo của gia đình anh Nguyễn Văn Quân, xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu được nhiều người biết đến và tìm mua, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán. Nhờ áp dụng thành công phương pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, anh Quân đã xây dựng thương hiệu "gà Đông Tảo" cho riêng mình. Anh Quân chia sẻ, ngoài việc tuân thủ chặt chẽ quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học trong việc chọn con giống, vệ sinh chuồng trại, nguồn gốc thức ăn thì việc tiêm phòng và bổ sung vitamin, dưỡng chất cho gà để tăng sức đề kháng là yếu tố rất cần thiết. Điều này, giúp trang trại gà của gia đình kháng bệnh bệnh tốt hơn, nhanh lớn, thịt ngon. Hiện trung bình mỗi năm gia đình anh xuất bán khoảng 4 tấn gà thương phẩm, với lợi nhuận trên 300 triệu đồng.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên Lê Trung Cần chia sẻ, nhằm khuyến khích các địa phương phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, thời gian tới, Sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tiếp tục có cơ chế, chính sách ưu đãi về đất, vốn tín dụng, tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi xây dựng trang trại theo hướng khép kín. Đồng thời, chỉ đạo đơn vị chuyên môn đẩy mạnh việc xây dựng chuỗi liên kết, gắn các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm với hộ chăn nuôi quy mô lớn, tạo quy trình đồng bộ từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm để xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm chăn nuôi.

Hiện Sở cũng đang phối hợp với các địa phương rà soát thực trạng chăn nuôi để xây dựng đề án chăn nuôi xa khu dân cư gắn với giết mổ tập trung để bảo đảm quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần đưa ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển bền vững../.

Đỗ Mai

Có thể bạn quan tâm