Nhằm đón đầu xu thế và phát huy lợi thế sẵn có của địa phương, nhiều “startup” ở Đồng Tháp chọn khởi nghiệp xanh. Bởi điều này không chỉ tạo ra lợi ích kinh tế mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội và môi trường, hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển vững chắc, bền lâu.
Nhiều sản phẩm xanh
Xác định các sản phẩm thân thiện môi trường đang là xu hướng, từ xơ mướp (được lấy từ quả mướp già), Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thảo Minh (huyện Thanh Bình) đã nghiên cứu, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế như bông tắm, miếng lót giày, miếng rửa mặt, chà lưng, túi xách… Những sản phẩm này không chỉ thu hút sự quan tâm của các nhà bán lẻ, chuỗi siêu thị trong nước, mà còn xuất bán sang thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Mỗi tháng, công ty tiêu thụ khoảng 50.000 - 60.000 sản phẩm từ sơ mướp, thu lãi hàng trăm triệu đồng. Dự án “Kết nối con người với tự nhiên - Mr Mướp” xuất sắc đạt giải Nhất Cuộc thi Khởi nghiệp xanh năm 2023.
Nhận thấy tiềm năng phụ phẩm vỏ củ ấu sẵn có tại quê hương Lấp Vò, anh Nguyễn Trường An quyết định nghiên cứu, khởi nghiệp với phân hữu cơ sản xuất từ vỏ củ ấu. Anh Nguyễn Trường An cho biết, ban đầu, cơ sở của anh sản xuất 2 sản phẩm chính là phân hữu cơ dạng viên nén và chất trồng (giá thể), từng bước được thị trường chấp nhận, tiêu thụ trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp, mang về doanh thu gần 250 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Còn chị Trần Thị Ngọc An ở xã Định Hòa, huyện Lai Vung đã biến thứ bỏ đi là mo cau (một bộ phận của cây cau) thành những sản phẩm hữu dụng, có giá trị và thân thiện mới môi trường là chén, dĩa, tô, quạt… Chị Ngọc An cho hay, những sản phẩm xanh này từng bước được thị trường chấp nhận, tiêu thụ ở những nhà hàng, quán ăn, khu du lịch để thay thế cho vật dụng bằng nhựa dùng 1 lần. Chị sẽ phát triển dây chuyền, thiết bị để tạo ra sản phẩm nhiều hơn; nghiên cứu làm phong phú thêm mẫu mã; hoàn thiện hơn nữa chất lượng sản phẩm.
Đó chỉ là 3 trong số nhiều mô hình khởi nghiệp xanh của các “startup” Đồng Tháp. Khởi nghiệp xanh là hướng đi phù hợp trong bối cảnh hiện nay, hướng tới mục tiêu đảm bảo sự phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường và tạo ra lợi ích xã hội. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa, việc xây dựng một nền kinh tế bền vững là vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Với chủ trương thực hiện kinh tế tuần hoàn để thúc đẩy tăng trưởng xanh, Đồng Tháp đang tập trung chuyển đổi sản xuất đối với ngành hàng chủ lực của tỉnh nhằm kéo dài chuỗi sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, tạo sinh kế lâu dài cho người dân nông thôn; tiếp tục nâng cao chất lượng quản trị môi trường, thúc đẩy thực hành xanh, cải thiện Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển an toàn, bền vững trong sản xuất và tiêu dùng.
“Ươm mầm” khởi nghiệp xanh
Thời gian qua, phong trào khởi nghiệp, trong đó có khởi nghiệp xanh triển khai rộng khắp ở các địa phương của Đồng Tháp. Nhiều “startup” được chính quyền địa phương và các sở, ngành động viên về mặt tinh thần, giúp đỡ về vốn, khoa học kỹ thuật… Toàn tỉnh thành lập và duy trì hoạt động có hiệu quả các câu lạc bộ khởi nghiệp, câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế và mô hình phát triển kinh tế trong thanh niên với 14 câu lạc bộ khởi nghiệp cấp huyện, 2 câu lạc bộ sáng tạo khởi nghiệp cấp tỉnh, hơn 162 câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế…
Theo Tỉnh đoàn Đồng Tháp, từ năm 2017 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Kế hoạch và đầu tư, Tỉnh đoàn Đồng Tháp phối hợp tổ chức 6 cuộc thi khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, thu hút hơn 500 dự án, ý tưởng tham gia dự thi. Cuộc thi tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, nhận nhiều phản hồi tích cực từ các chuyên gia về kinh tế. Nhiều dự án phát triển từ sau khi tham gia cuộc thi như: sản xuất củ ấu tươi tách vỏ; mật ong Hương Tràm; phân hữu cơ sinh học dạng đạm cá thủy phân cô đặc CNC2…
Không chỉ gói gọn phạm vi trong tỉnh, nhiều dự án khởi nghiệp được tạo điều kiện tham gia các cuộc thi mang tầm khu vực và Quốc gia. Mới đây, Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp và khởi nghiệp tỉnh Đồng Tháp, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp - BSA và các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức vòng Bán kết Cuộc thi Dự án khởi nghiệp xanh - Phát triển bền vững lần thứ 10. Trong số 13 dự án lọt vào vòng Chung kết cuộc thi này, tỉnh Đồng Tháp có 3 dự án: “Sản xuất trà OolongSen”; “Nâng cao giá trị trái tắc, bưởi và mãng cầu xiêm - Phát triển kinh tế xanh tuần hoàn bền vững - Thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ địa phương vì bình đẳng giới”; “Tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất và phát triển sản phẩm nấm vân chi đỏ”.
Nhằm khuyến khích thanh niên địa phương phát triển những ý tưởng khởi nghiệp xanh, Đồng Tháp có nhiều chương trình đồng hành như: “Chuyến xe khởi nghiệp đất Sen hồng”, “Ươm tạo đàn sếu khởi nghiệp đất Sen hồng”… Đồng Tháp cũng đã cộng đồng trách nhiệm trong việc xây dựng “Kinh tế xanh - Động lực mới cho phát triển”. Năm nay, Đồng Tháp tiếp tục đăng cai tổ chức Diễn đàn Khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ II. Trong khuôn khổ Diễn đàn này, có Cuộc thi Sáng kiến Mekong với chủ đề “Chuyển đổi xanh, phát triển bền vững”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Trần Trí Quang cho biết, Cuộc thi Sáng kiến Mekong nhằm tìm kiếm những sáng kiến trong lĩnh vực kinh tế số, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, nông nghiệp xanh, công nghiệp xanh, du lịch xanh, giảm phát thải phù hợp với điều kiện của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; chú trọng vào việc gia tăng hàm lượng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; đồng thời, kết nối với các quỹ đầu tư nhằm tăng cường hỗ trợ vốn đầu tư phát triển các dự án.
Nhựt An