Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp ở vùng cao Quảng Nam

Tự tin và nhạy bén, nhiều thanh niên ở vùng cao tỉnh Quảng Nam đã tìm ra lối đi riêng cho mình bằng chính sản vật núi rừng. Sau thời gian đầu tư phát triển, họ được xem là những người trẻ truyền cảm hứng và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng.

Anh khoi nghiep 5.JPG
Chị Đinh Thị Thìn giới thiệu ẩm thực truyền thống của đồng bào Cơ-tu với du khách. Ảnh: Khánh Nguyên

Không chỉ được biết đến trong vai trò kết nối cộng đồng, anh Alăng Beo (35 tuổi), dân tộc Cơ-tu ở thôn Bhlô Bền, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang (Quảng Nam) còn có tư duy khởi nghiệp sáng tạo bằng sản vật núi rừng. Sau một thời gian tích góp và chuyển hướng làm ăn, Alăng Beo đã dựng lên một không gian nhà truyền thống có tên Katu quán, chuyên tổ chức liên hoan, sinh nhật, phục vụ các món ăn địa phương như: cơm lam, cá suối, thịt ủ chua, các loại rau rừng đặc sản… “Đây vừa là mục tiêu để mình phát triển kinh tế, vừa tìm đầu ra cho nông sản của người dân, góp phần quảng bá văn hóa ẩm thực Cơ-tu”, Alăng Beo chia sẻ.

Anh khoi nghiep 10.jpg
Mô hình khởi nghiệp từ cây đảng sâm của Alăng Lơ, một thanh niên Cơ-tu ở thôn Achoong, xã Ch’Ơm, huyện Tây Giang (Quảng Nam). Ảnh: Khánh Nguyên

Với Acu homestay & Tours ở thôn Bhơ Hôồng, xã Sông Kôn, chị Đinh Thị Thìn đã có cách làm sáng tạo trong việc thu hút du khách. Đến đây, du khách được trải nghiệm các hoạt động sinh hoạt thường ngày của đồng bào Cơ-tu, từ bắn nỏ, leo núi, múa tung tung - dá dá cho đến thưởng thức ẩm thực truyền thống. Khi rời homestay vào một ngày cuối tháng 8, anh Farid Hamka, du khách Indonesia đã gửi lại một tờ giấy kèm theo dòng chữ: “Cảm ơn Thìn đã cho chúng tôi trải nghiệm homestay của bạn. Mọi thứ ở đây rất ấn tượng và tuyệt vời”.

Anh khoi nghiep 8.jpg
Chị Hồ Thị Thúy Ngân (Công ty cổ phần lâm dược Ngọc Linh Nam Trà My) thành công với mô hình khởi nghiệp từ sâm Ngọc Linh. Ảnh: Khánh Nguyên

Khởi nghiệp bằng chính sản vật đặc trưng cũng được nhiều thanh niên ở huyện Nam Giang nhân rộng trong thời gian qua. Theo anh Bùi Thế Anh, Bí thư Huyện đoàn Nam Giang, nhiều điển hình thanh niên như: Zơrâm Đa, Bríu Chéo, Arâl Dom... bước đầu thành công bằng mô hình chăn nuôi kết hợp trồng cây dược liệu, cây ăn quả dưới tán rừng. Đặc biệt là mô hình khởi nghiệp vườn cây lòn bon của thanh niên ở xã Tà Pơơ đem lại hiệu quả thiết thực cả trong tư duy kinh tế lẫn phát triển du lịch.

Anh khoi nghiep 14.jpg
Sản xuất hàng thổ cẩm truyền thống được xem là hướng đi đầy tiềm năng trong hành trình khởi nghiệp của thanh niên vùng cao xứ Quảng. Ảnh: Khánh Nguyên
Anh khoi nghiep 13.jpg
Nông sản vùng cao được bày bán tại các hội chợ thủ công - nông sản Tây Giang. Ảnh: Khánh Nguyên
Anh khoi nghiep 15.jpg
Thời gian qua, nhiều mô hình khởi nghiệp của thanh niên vùng cao tỉnh Quảng Nam được hình thành từ việc chăn nuôi heo đen bản địa. Ảnh: Khánh Nguyên

Ông Đỗ Hữu Tùng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đông Giang cho biết, từ ngân sách của huyện cùng các chương trình, dự án khác, nhiều hộ dân và thanh niên ở Đông Giang đã được tiếp cận vốn đầu tư, hình thành các trang trại chăn nuôi kết hợp trồng rừng, đem lại thu nhập đáng kể. Ông Đỗ Hữu Tùng nhấn mạnh: “Phong trào khởi nghiệp của thanh niên miền núi đang phát triển khá mạnh mẽ. Nhiều sản phẩm đặc trưng được kết nối trưng bày, giới thiệu tại các hội chợ là cơ hội để nông sản vùng cao, đặc biệt là các sản phẩm OCOP, mô hình khởi nghiệp của thanh niên lan tỏa và đến gần hơn với thị trường”.

Khánh Nguyên

(Báo ảnh Dân tộc và Miền núi)

Có thể bạn quan tâm