Nhiều giải pháp mới trong canh tác lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 29/10, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ tổ chức tọa đàm về giải pháp canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó, đề ra giải pháp hữu hiệu trong canh tác lúa tại khu vực này phục vụ Đề án 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao).

vna_potal_giai_phap_canh_tac_lua_chat_luong_cao_phat_thai_thap_tai_vung_dong_bang_song_cuu_long_7676587.jpg
Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: Thu Hiền - TTXVN

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, doanh nghiệp đề xuất một số giải pháp canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp; trong đó, nổi bật là giải pháp sử dụng bèo hoa dâu trong canh tác lúa, sử dụng than sinh học trong cải tạo đất lúa...

Bèo hoa dâu đã được nghiên cứu và ứng dụng nhiều trong nông nghiệp như làm phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc đông y, xử lý môi trường. Từ nghiên cứu thực tế, Tiến sĩ Trần Thị Linh Nhâm, Trường Đại học Bạc Liêu cho biết, sử dụng bèo hoa dâu làm phân bón ngoài giúp giảm chi phí về phân bón, cải tạo đất tăng năng cây lúa thì việc sử dụng bèo hoa dâu làm phân bón cho cây lúa còn cho thấy khả năng giảm phát thải khí nhà kính trong quá trình trồng lúa.

Một nghiên cứu tại Nhật Bản về sử dụng than sinh học và bèo hoa dâu cho ruộng lúa cho thấy làm giảm lượng khí thải CH4 từ 24,7 đến 25% và lượng khí thải N2O từ 81,8 đến 97,7%. Một nghiên cứu tại Ấn Độ cũng cho thấy bón phân sinh học bằng bèo hoa dâu cho vùng trồng lúa hữu cơ giúp giảm lượng khí thải metan, đồng thời tăng năng suất cây trồng. Từ những nghiên cứu trên cho thấy bèo hoa dâu là đối tượng tiềm năng trong canh tác lúa chất lượng cao và giảm phát thải.

Đồng quan điểm về tiềm năng của bèo hoa dâu trong canh tác lúa, ông Nguyễn Duy Phương - Viện Thổ nhưỡng Nông hóa (thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) cho biết, trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu trên thế giới đã phát hiện bèo hoa dâu có thể hấp thụ carbon rất lớn. Lượng CO2 hấp thụ trong 1 ha bèo hoa dâu có thể lên tới 20 tấn CO2/ha/năm. Các kết quả nghiên cứu ở Trung Quốc đã chỉ ra bèo hoa dâu có thể hạn chế phát thải CH4 trong sản xuất lúa nước từ 20 - 30%. Bèo hoa dâu được xem là đối tượng thực sự có triển vọng trong giảm phát thải khí hiệu ứng nhà kính trong hệ thống canh tác lúa nước đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng "0".

vna_potal_giai_phap_canh_tac_lua_chat_luong_cao_phat_thai_thap_tai_vung_dong_bang_song_cuu_long_7676591.jpg
Ban tổ chức thông tin thêm về giải pháp sử dụng bèo hoa dâu trong canh tác lúa giảm phát thải. Ảnh: Thu Hiền - TTXVN

Từ những nghiên cứu của các chuyên gia về vai trò của bèo hoa dâu trong canh tác lúa, ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết sẽ tiếp thu và ghi nhận để xem xét nghiên cứu ứng dụng vào sản xuất lúa thuộc Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 5 tỉnh, thành đã triển khai thực hiện mô hình thí điểm Đề án chuyên canh 1 triệu ha lúa chất lượng cao và đạt được nhiều kết quả khả quan năm 2024. Trong vụ Hè Thu 2024, tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh và thành phố Cần Thơ thực hiện thí điểm 4 mô hình với diện tích 196 ha. Ước tính, năng suất 4 mô hình thí điểm trong vụ Hè Thu 2024 đạt 64,52 tạ/ha, cao hơn năng suất ngoài mô hình trung bình 4,63 tạ/ha, sản lượng lúa giảm phát thải là 1.262 tấn.

Đối với vụ Thu Đông 2024, có 4 tỉnh, thành thực hiện thí điểm 4 mô hình với diện tích trên 156 ha, ước năng suất trung bình đạt 63,34 tạ/ha và sản lượng đạt 157 tấn, dự kiến thu hoạch giữa tháng 9 đến cuối tháng 10/2024.

Ông Hoàng Văn Hồng - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia nhận định, đến thời điểm hiện tại, Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao đã triển khai được gần một năm và cho những tín hiệu rất khả quan. Theo báo cáo từ các địa phương triển khai các mô hình thí điểm, năng suất các mô hình vụ Hè thu 2024 đạt từ 63 – 66 tạ/ha, cao hơn ngoài mô hình từ 3 -5 tạ/ha, vụ Thu Đông đạt từ 62 – 65 tạ/ha, cao hơn ngoài mô hình từ 2 – 4 tạ/ha.

vna_potal_giai_phap_canh_tac_lua_chat_luong_cao_phat_thai_thap_tai_vung_dong_bang_song_cuu_long_7676589.jpg
Ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, phát biểu tại Tọa đàm. Ảnh: Thu Hiền - TTXVN

Tổng chí phí đầu vào giảm 10 – 15% so với đối chứng, giảm 40 – 50% lượng giống gieo, giảm 3 – 4 lần phun thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng nước tưới khoảng 30 – 40%. Hiệu quả kinh tế của các mô hình làm thí điểm tăng từ 2,3 – 7,6 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình, giảm phát thải khí nhà kính từ 4 - 12 tấn CO2 tương đương/ha/năm.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả tích cực, đại diện ngành nông nghiệp ở các tỉnh, thành cũng đánh giá quá trình triển khai thực hiện Đề án còn gặp một số thách thức, khó khăn. Cụ thể như việc thu rơm rạ khỏi ruộng gặp khó vào vụ Thu Đông vì mưa nhiều rơm ướt di chuyển tốn kém chi phí; hệ thống thủy lợi nội đồng chưa được hoàn chỉnh nên gây ngập úng lúa trong mùa mưa bão và thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn vào mùa khô; người dân chưa quen với việc giảm lượng giống gieo sạ xuống 60 kg/ha;...

Thu Hiền

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm