Tôn vinh gốm men Việt đặc sắc, có giá trị mỹ thuật trải dài trên 2.000 năm

Tôn vinh gốm men Việt đặc sắc, có giá trị mỹ thuật trải dài trên 2.000 năm

Gần 70 hiện vật gốm men đặc sắc được lựa chọn từ bộ sưu tập cổ vật An Biên và một số hiện vật của Bảo tàng Lịch sử quốc gia sẽ được giới thiệu đến công chúng tại cuộc trưng bày chủ đề "Gốm Việt Nam: Một truyền thống riêng biệt - Nhìn từ bộ sưu tập An Biên" sẽ diễn ra từ ngày 19/11/2021 đến tháng 4/2022 nhằm tôn vinh gốm Việt.

Thông qua trưng bày, công chúng trong nước, bạn bè quốc tế có cơ hội thưởng thức một bộ sưu tập gốm men phong phú, hoàn chỉnh, có giá trị mỹ thuật cao trải dài trên 2.000 năm phát triển của lịch sử đồ gốm Việt Nam. Đây là hoạt động thiết thực nhằm chào mừng Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam (23/11) do Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Hội Di sản Văn hoá Việt Nam và Sưu tập An Biên tổ chức.

"Gốm Việt Nam: Một truyền thống riêng biệt - Nhìn từ bộ sưu tập An Biên" sẽ mang đến cho công chúng bức tranh toàn cảnh về gốm Việt Nam thông qua 4 giai đoạn: Gốm Việt Nam 10 thế kỷ đầu Công nguyên; thế kỷ 11 - 14; từ thế kỷ 15 – 17 và gốm Bát Tràng thế kỷ 18 – 19.

Theo giới chuyên gia, đồ gốm Việt Nam có lịch sử lâu đời và đóng vai trò quan trọng trong đời sống con người từ thời tiền - sơ sử. Bước ngoặt phát triển về loại hình cũng như kỹ thuật phải kể đến đồ gốm từ những thế kỷ đầu Công nguyên, khi nhiều kỹ thuật mới trong sản xuất gốm men được phổ biến. Nghề gốm Việt Nam đã nhanh chóng tiếp thu, nắm vững, phát triển tạo nên diện mạo mới, nền tảng hình thành các dòng gốm men sau đó và đưa Việt Nam trở thành một trong số ít các quốc gia trên thế giới có nghề sản xuất đồ gốm men ra đời sớm và phát triển liên tục.

Sự chuyển biến và đổi thay của nghề gốm giai đoạn này còn thể hiện ở quy mô và tổ chức sản xuất. Đồ gốm thời kỳ này có xương gốm dày, men mỏng thường không phủ hết đồ vật, men màu vàng ngà, trắng nhạt, trắng xám; trang trí văn in nổi ô trám, hoa văn xương cá hoặc lá dừa, hình thoi, chữ S, văn chải, văn sóng nước... Một số ấm, âu, hũ có trang trí hình cánh sen, chim, cá, đầu gà, đầu voi.

Từ thế kỷ 10, nghề làm đồ gốm phát triển mạnh mẽ, đóng vai trò quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế, văn hoá, tạo nên bản sắc riêng với loại hình phong phú, trang trí đa dạng, mỹ thuật độc đáo. Đặc biệt, đồ gốm Việt Nam thời Lý - Trần đã phát triển mang tính độc lập, khám phá những đề tài trang trí mang tính bản địa của người Việt, đồng thời tiếp nhận, cải biến mạnh mẽ tinh hoa gốm nước ngoài. Đồ gốm thời kỳ này được sản xuất phục vụ tiêu dùng từ cung đình đến dân gian, hình thành nhiều dòng gốm men, trang trí đa dạng như gốm men trắng, gốm men ngọc, gốm men xanh lục và vàng, gốm men nâu, gốm hoa nâu và cuối thế kỷ 14 xuất hiện gốm hoa lam... Gốm men trắng rất phổ biến dưới thời Lý - Trần, có số lượng lớn, loại hình phong phú, nghệ thuật thẩm mỹ cao. Trong đó có nhiều loại được chế tác tinh xảo, hoa văn trang trí độc đáo mang tính biểu trưng cao quý như rồng, hoa sen, hoa cúc...

Thế kỷ 15 - 17, đồ gốm trở thành mặt hàng xuất khẩu quan trọng, tạo điều kiện cho nghề sản xuất gốm ở Việt Nam phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng với nhiều trung tâm sản xuất mang tính chuyên môn hoá, nhiều chủng loại đồ gốm đạt đến trình độ kỹ thuật, mỹ thuật cao. Có thể kể đến các trung tâm sản xuất gốm sứ nổi tiếng như Thăng Long, Bát Tràng (Hà Nội), Nam Sách, Bình Giang (Hải Dương)... Kết quả khai quật khảo cổ học ở tàu cổ Cù Lao Chàm thu được trên 240.000 hiện vật gốm Việt Nam xuất khẩu với loại hình phong phú, mỹ thuật đặc sắc; cùng với kết quả khai quật các lò gốm vùng Nam Sách, Bình Giang (Hải Dương), đồ gốm tàu cổ Cù Lao Chàm góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề về lịch sử gốm Việt Nam.

Những biến động của lịch sử khiến các trung tâm sản xuất gốm dần lụi tàn từ thế kỷ 18. Bát Tràng - một làng gốm truyền thống có từ thế kỷ 14 cũng bị ảnh hưởng, thị trường gốm xuất khẩu không còn, nhưng vẫn giữ được sức sống bền bỉ nhờ có một thị trường tiêu thụ rộng rãi trong nước với những đồ gia dụng, đồ thờ, đồ trang trí, đồ đặt hàng phù hợp thị hiếu. Đây là một trong số ít các trung tâm sản xuất gốm truyền thống vẫn tồn tại và phát triển đến tận ngày nay, trở thành một bảo tàng sống động về gốm sứ Việt Nam..

Có lịch sử lâu đời, hội tụ tinh hoa văn hoá dân tộc, đồ gốm Việt Nam được các học giả, nhà sưu tập cổ vật say mê, dành nhiều thời gian, tâm sức nghiên cứu, sưu tầm để hình thành những bộ sưu tập giá trị.

Thanh Giang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm