Bài 2: Khuyến khích chuyển đổi Để đạt được mục tiêu này, thành phố xác định 2 nguồn chính là chuyển đổi các hộ kinh doanh cá thể sang hoạt động theo hình thức doanh nghiệp và khuyến khích người dân tham gia kinh doanh, thành lập doanh nghiệp. * Hỗ trợ ngay từ khâu đăng ký doanh nghiệp Bà Trần Thị Bình Minh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp sẽ giúp các hộ hoạt động một cách chuyên nghiệp hơn. Để đạt được 2 mục tiêu này, bên cạnh việc vận động và tuyên truyền hộ kinh doanh chuyển sang hoạt động doanh nghiệp thì việc đổi mới, nâng cao các chính sách hỗ trợ để phát triển doanh nghiệp đang hoạt động là điều hết sức cần thiết.
Trong khuôn khổ chương trình "Đồng hành cùng thương hiệu Việt" được tổ chức vào trung tuần tháng 4/2017, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh trao giải "Thương hiệu Việt yêu thích nhất năm 2016" cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN |
Theo Quyết định 1482/QĐ-UBND ngày 31/3/2017 của UBND TP.HCM về việc ban hành Kế hoạch phát triển 500.000 doanh nghiệp đến năm 2020, trong đó tập trung đẩy mạnh các giải pháp để thúc đẩy và hỗ trợ các hộ kinh doanh hoạt động theo luật doanh nghiệp với những chính sách cụ thể. Hiện nay, ngoài vận động, tuyên truyền các hộ kinh doanh lớn chuyển lên doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước cũng chủ động tìm giải pháp hỗ trợ như tạo sự thông thoáng dễ dàng trong thủ tục, rút ngắn thời gian chấm dứt các hoạt động kinh doanh trong 2 ngày làm việc, xem xét cấp lại giấy phép kinh doanh trong 2 ngày, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trong 1 ngày, các giấy phép con như về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự trong vòng 2 ngày... Đồng thời hỗ trợ toàn bộ lệ phí mà hộ kinh doanh phải nộp khi thực hiện đăng ký thành lập và các giấy phép kinh doanh có điều kiện lần đầu. Tiếp đó là tổ chức các lớp đào tạo kiến thức về khởi nghiệp, kiến thức pháp luật, năng lực quản trị kinh doanh và kế toán cho chủ doanh nghiệp và đội ngũ quản lý của doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ thông tin cho cộng đồng DN thông qua hoạt động cung cấp thông tin về chủ trương, chương trình, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp. Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, những hộ kinh doanh có tiềm năng lên doanh nghiệp trên địa bàn đã được sàng lọc cụ thể, vấn đề là phải có phương án làm sao để tạo điều kiện tốt nhất cho hộ kinh doanh, nhưng không chạy theo chỉ tiêu mà phải làm thực chất.*Sẽ được nhiều cái lợi Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, so sánh về cơ chế chính sách và các cơ chế triển khai thực hiện trong thực tiễn thì khi lên doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn nhiều so với hộ kinh doanh. Theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ ngày 15/3/2017 về quy chế cho vay của các Ngân hàng thương mại đối với khách hàng, có tác động rất tích cực cho việc thành lập doanh nghiệp của thành phố hiện nay. Theo thông tư 39, chỉ có 2 đối tượng cá nhân, pháp nhân được vay vốn nên các hộ kinh doanh, các tổ hợp tác rất khó tiếp cận vốn ngân hàng. Trong năm 2017, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Công Thương, Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố, UBND các quận huyện cùng 16 tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện chương trình “kết nối ngân hàng – doanh nghiệp” để hỗ trợ chủ yếu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là hộ kinh doanh chuyển sang doanh nghiệp. Cùng với đó, năm 2017 dự kiến tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh là 18%, một trong những chỉ tiêu tăng trưởng khá cao trong vòng 10 năm trở lại đây, sẽ đảm bảo đủ vốn cho các nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Về lãi suất, khi lên doanh nghiệp các hộ kinh doanh cũng sẽ được nhiều ưu đãi thuận lợi hơn. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục ưu đãi cho vay vốn ngắn hạn (dao động từ 5,8-6,7%/năm) đối với 5 lĩnh vực ưu tiên: nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chứa hàm lượng công nghệ cao. Đặc biệt, đối với các hộ kinh doanh chuyển lên DN hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu có thể vay vốn bằng ngoại tệ, với lãi suất ngắn hạn (từ 2-3%/năm), trung và dài hạn (3-5%/năm)... Ông Lê Duy Minh, Phó Cục trưởng Cục thuế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, lên doanh nghiệp hoạt động kinh doanh của các hộ kinh doanh sẽ thuận lợi hơn như được quyền tự do kinh doanh, được tự in ấn hóa đơn, độ tin cậy, tín nhiệm với khách hàng cao hơn, minh bạch trong sổ sách kế toán, tài chính, dễ dàng kiểm soát chi phí và doanh thu, thực hiện phân chia lợi nhuận đối với các cổ đông góp vốn vào… Theo ông Minh, thực tế ở các chợ tuyến đầu mối, các hộ và các nhóm hộ kinh doanh thường có những hùn hạp làm ăn chung với nhau. Nếu lên doanh nghiệp, sẽ được phân chia lợi nhuận rất rõ ràng, tránh chuyện tranh chấp, đồng thời cũng dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn tín dụng của ngân hàng, từ đó mở rộng phạm vi và khả năng kinh doanh. Trước mắt, Cục thuế thành phố vận dộng những hộ kinh doanh có doanh số lớn, thường xuyên sử dụng hóa đơn nên chuyển lên doanh nghiệp. Cục thuế cũng vận động và làm việc với các nhà cung cấp chữ ký số, các đại lý thuế… có chính sách ưu đãi và hỗ trợ các hộ cá thể lên doanh nghiệp trong vòng 3 năm thực hiện dịch vụ của các đại lý thuế, nên các hộ kinh doanh không cần lo lắng với việc kê khai thuế. Ngoài ra, khi trở thành doanh nghiệp sẽ được tham gia các dịch vụ điện tử như khai nộp thuế điện tử, sử dụng hóa đơn điện tử. Các dịch vụ này giúp giảm thiểu nhiều rủi ro cho DN trong hoạt động kinh doanh. Toàn thành phố hiện có gần 15.000 hộ kinh doanh đang sử dụng hóa đơn, có nhiều hộ doanh thu rất lớn, mỗi tháng phải nộp trên 300 triệu tiền thuế, khi chuyển qua nộp thuế điện tử không còn mất thời gian đến kho bạc nộp tiền, đảm bảo an toàn và giảm thiểu nhiều rủi ro cho doanh nghiệp./.
Đón đọc bài 3: Đi vào thực chất
TTXVN/Báo ảnh Dân tộc và Miền núi