Thành phố Hồ Chí Minh: Tái cơ cấu sản phẩm công nghiệp chủ lực - Bài 1

Thành phố Hồ Chí Minh: Tái cơ cấu sản phẩm công nghiệp chủ lực - Bài 1
Giai đoạn 2016 - 2020, Thành phố Hồ Chí Minh được các chuyên gia nhận định là còn nhiều dư địa và nguồn lực phát triển, nhưng đồng thời cũng cần những giải pháp cụ thể phù hợp với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế để phát huy được thế mạnh "đầu tàu" kinh tế của cả nước.
 
Bài 1: Cạnh tranh trong bối cảnh mới
Thực trạng chung của doanh nghiệp Việt hiện nay là sử dụng công nghệ lạc hậu, năng suất lao động thấp, hàng hóa khó cạnh tranh… nên khả năng hội nhập thị trường thương mại tự do còn hạn chế. Do vậy, để cải thiện khả năng cạnh tranh trong bối cảnh mới, thì các giải pháp cần tập trung vào những chương trình hành động thiết thực để khai thác nguồn lực đất đai, đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, nguồn vốn…
Kiểm tra thành phẩm sản phẩm áo sơ mi tại nhà máy của Tổng công ty cổ phần may Nhà Bè (Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: An Hiếu - TTXVN
Kiểm tra thành phẩm sản phẩm áo sơ mi tại nhà máy của Tổng công ty cổ phần may Nhà Bè (Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: An Hiếu - TTXVN
Chất lượng tăng trưởng chưa bền vững
Thống kê trong hai năm 2016 – 2017, kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đã duy trì được mức tăng trưởng kinh tế khá cao, năm 2016 tăng trưởng GRDP đạt 8,05% và năm 2017 đạt 8,25%.
 
Mặt khác, Thành phố Hồ Chí Minh đã tăng khả năng huy động nguồn lực đầu tư với những chính sách tạo “đòn bẩy” hiệu quả cả về lượng và chất trong sử dụng nguồn vốn đầu tư; trong đó, cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục giữ vai trò nòng cốt và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
 
Tuy nhiên, kết quả này chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của thành phố, đồng thời chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế chưa cao. Song song đó, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn còn thấp so với bình quân cả nước.
 
Cụ thể, tỷ lệ đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế cả nước năm 2016 đạt 40% thì tỷ lệ đóng góp TFP vào tăng trưởng kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạt 35%.

Tương tự, năm 2017 tỷ lệ đóng góp của TFP vào tăng trưởng kinh tế cả nước đã đạt 44% thì tỷ lệ này của Thành phố Hồ Chí Minh chỉ dừng ở 38%. Từ đó, có thể thấy, tăng trưởng kinh tế thành phố vẫn chủ yếu dựa vào vốn và lao động (chiếm tới 67,4%).
 
Bên cạnh những kết quả tích cực, ông Sử Ngọc Anh - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nhìn chung chất lượng tăng trưởng của thành phố chưa bền vững và năng lực cạnh tranh chưa cao. Cơ cấu kinh tế ở các lĩnh vực chưa đồng đều cũng như phát huy được nội lực và tiềm lực tương xứng với tiềm năng sẵn có.
 
Đơn cử, tăng trưởng ở lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp, xây dựng còn chậm; hạ tầng và giao thông vẫn chưa đồng bộ; cơ cấu sử dụng đất chưa phù hợp với cơ cấu kinh tế; chính sách khuyến khích khoa học công nghệ chưa phát huy hiệu quả… để đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố hiện nay.
 
Cùng với năng suất lao động tăng nhưng chưa bền vững, nội bộ các ngành sản xuất có sự chuyển biến nhưng tỷ lệ gia công còn cao dẫn đến hàm lượng giá trị gia tăng thấp.

Theo đó, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Thành phố Hồ Chí Minh vẫn duy trì mức tăng trưởng cao, tuy nhiên, so với cả nước đã giảm dần về tỷ trọng. Đồng thời, các mặt hàng xuất khẩu truyền thống xuất hiện tín hiệu tăng trưởng chậm, chỉ tập trung phổ biến vào một số thị trường…
 
Theo ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, thực trạng chung của doanh nghiệp Việt hiện nay là sử dụng công nghệ lạc hậu, năng suất lao động thấp, hàng hóa khó cạnh tranh… nên khả năng hội nhập thị trường thương mại tự do còn hạn chế.

Đơn cử, khoảng 70% giá trị xuất khẩu của Việt Nam đến từ cộng đồng doanh nghiệp FDI, còn doanh nghiệp Việt vẫn loay hoay nhưng chưa tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng của cộng đồng doanh nghiệp FDI trong nước cũng như nước ngoài.
 
Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhưng trong những năm trở lại đây, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thành phố Hồ Chí Minh liên tục bị tụt hạng.

Ngoài ra, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nhưng tỷ trọng thu hút FDI trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội của thành phố lại thấp hơn mức bình quân của nước.
 
Đồng quan điểm, ông Lý Trường Chiến, Chủ tịch TriTriGroup đánh giá, năng lực sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam sở dĩ hạn chế là do chưa chủ động hòa nhập vào dòng chảy thay đổi của thị trường và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ số.
 
Ngược lại, phần lớn doanh nghiệp vẫn chủ yếu tập trung đầu tư vào nguyên liệu, lao động… trong khi những yếu tố này ngày càng giảm vai trò trong các sản phẩm hay mặt hàng có giá trị gia tăng được ưa chuộng trên thị trường hiện nay.
 
Cần mở rộng dư địa phát triển
Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh nhưng trong những năm trở lại đây, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thành phố Hồ Chí Minh liên tục bị tụt hạng.
Các sản phẩm cơ khí chính xác được sản xuất tại Công ty Minh Nguyên, Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.Ảnh: An Hiếu -TTXVN
Các sản phẩm cơ khí chính xác được sản xuất tại Công ty Minh Nguyên, Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.Ảnh: An Hiếu -TTXVN 

Ngoài ra, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhưng tỷ trọng thu hút FDI trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội của thành phố lại thấp hơn mức bình quân của cả nước.
 
Chính vì vậy, thành phố đẩy mạnh liên kết và mở rộng không gian phát triển thông qua thúc đẩy hoàn thiện kết cấu hạ tầng gắn với các đô thị vệ tinh, nhằm kéo giãn mật độ dân số khu vực trung tâm. Tái cấu trúc không gian sản xuất và kinh doanh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cần tập trung theo hướng ưu tiên phát triển các ngành trọng tâm.
 
Chuyển đổi mô hình kinh tế cần chú trọng yếu tố đầu vào sang mô hình đổi mới sáng tạo, hướng đến các mục tiêu dài hạn thông qua ứng dụng công nghệ, đầu tư cơ sở hạ tầng, cải cách thể chế…
 
Đặc biệt, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố, đáp ứng yêu cầu hội nhập, phải nâng cao năng suất quản lý điều hành chung bằng ứng dụng công nghệ thông tin, đầu tư vào nguồn lực con người - Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoài - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh nhận xét.
 
Theo đó, Thành phố Hồ Chí Minh cần chủ động xây dựng cũng như đề xuất cơ chế liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; trong đó Thành phố Hồ Chí Minh đóng vai trò trung tâm tài chính, công nghệ cao và đầu mối giao thương.

Ngoài ra, cơ chế liên kết vùng chặt chẽ sẽ giúp Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương xây dựng được các chuỗi giá trị ngành hàng, mặt hàng có lợi thế cạnh tranh để giải quyết đầu ra cho các sản phẩm công - nông nghiệp và đặc sản địa phương cũng như trong vùng kinh tế phía Nam.
 
Kết quả một số nghiên cứu khảo sát chỉ ra trong giai đoạn 2018 – 2020 và những năm tiếp theo, động lực thúc đẩy chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố, đáp ứng yêu cầu hội nhập, dựa trên các nhóm yếu tố, gồm: khu vực kinh tế tư nhân; cải cách thể chế và môi trường kinh doanh; khoa học công nghệ và nâng cao năng suất lao động.
 
Do đó, để tận dụng hiệu quả các yếu tố này, Tiến sĩ Lương Văn Khôi - Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia cho hay, Thành phố Hồ Chí Minh phải có chiến lược xây dựng nền kinh tế chia sẻ, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ số; đồng thời, hình thành chuỗi giá trị toàn cầu cho các ngành sản xuất, mà trong đó có những doanh nghiệp đầu ngành đủ mạnh và đóng vai trò dẫn dắt, tiếp theo là doanh nghiệp cấp độ 2 và doanh nghiệp nhỏ cũng như siêu nhỏ ở cấp độ cuối cùng của chuỗi.
 
Đánh giá cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo động lực phát triển cho nền kinh tế và mang lại cơ hội nếu doanh nghiệp tận dụng và có cách tiếp cận phù hợp, ông Phạm Phú Trường - Phó chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh (YBA) nhận xét. Điển hình, Data và Big Data quyết định hành vi, thói quen, môi trường kinh doanh đầu tư… với thế giới số ảnh hưởng đến tất cả ngành công nghiệp.

Nếu vận dụng đúng cách, công nghệ không chỉ tạo ra lợi ích kinh tế, hiệu quả kinh doanh, mà còn giúp các quốc gia phục hồi những ảnh hưởng đến môi trường doanh hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và cải thiện môi trường sống tốt hơn./.
  Mỹ Phương
  Bài 2: Kết nối phát triển sản phẩm liên vùng
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi/TTXVN

Có thể bạn quan tâm