Các du khách nước ngoài tham quan vùng chè Tân Cương. Ảnh: Quân Trang - TTXVN |
Phát biểu khai mạc, ông Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên cho biết, sản phẩm chè của tỉnh Thái Nguyên đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng kí chỉ dẫn địa lí “Tân Cương” từ năm 2007. Theo đó, vùng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lí “Tân Cương” bao gồm 6 xã: Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu, Thịnh Đức, Quyết Thắng, Phúc Hà thuộc thành phố Thái Nguyên. Sau khi được cấp giấy chứng nhận, UBND tỉnh Thái Nguyên đã trao quyền cho Sở Khoa học và Công nghệ quản lí và phát triển chỉ dẫn địa lí “Tân Cương”. Tuy nhiên, hiện nay việc quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lí "Tân Cương" vẫn còn gặp nhiều khó khăn do chưa có sự tham gia tích cực của các cơ quan liên quan, cũng như của chính một bộ phận người trồng chè Thái Nguyên. Điều này gây nhiều khó khăn cho quá trình kiểm soát và truy suất nguồn gốc sản phẩm, đồng thời dễ gây nhầm lẫn cho khách hàng trong việc lựa chọn sản phẩm chè nhãn hiệu "Tân Cương".
Bà Đỗ Thị Đức Lý, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần chè Tân Cương Hoàng Bình chia sẻ: Để phát huy hiệu quả chỉ dẫn địa lí "Tân Cương", việc quan trọng, cần thiết là tuyên truyền rộng rãi tới đông đảo các hộ dân trong vùng chè để họ hiểu hơn giá trị của sản phẩm chè, cũng như giá trị của chỉ dẫn địa lí “Tân Cương”, từ đó người nông dân sẽ cùng chung tay bảo vệ và phát triển sản phẩm "Chè Tân Cương”. Cũng theo bà Lý, thực tế hiện nay, một số hộ dân do chưa hiểu rõ giá trị của chỉ dẫn địa lí "Tân Cương" nên đã sử dụng sản phẩm chè của vùng khác đưa vào sản xuất và tiêu thụ tại vùng chè Tân Cương. Điều này gây khó khăn trong việc quản lý chất lượng sản phẩm, ảnh hưởng đến các đơn vị, cá nhân sản xuất, kinh doanh chè có chất lượng.
Để hạn chế tình trạng này, ông Lê Tất Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đào tạo hỗ trợ tư vấn, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng: Bên cạnh việc tuyên truyền về giá trị của chỉ dẫn địa lí "Tân Cương" cho người nông dân, các cơ sở sản xuất và doanh nghiệp trong vùng đã được cấp chỉ dẫn địa lí cũng cần tuân thủ, chấp hành đúng quy chế dưới sự quản lý, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, ngành chức năng cần có chế tài xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân cố tình giả mạo về chỉ dẫn địa lí "Tân Cương" để người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng sản phẩm "Chè Tân Cương”.
Thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ Thái Nguyên thường xuyên phối hợp với Cục Quản lý thị trường, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thành phố Thái Nguyên, tiến hành kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với chỉ dẫn địa lí “Tân Cương” tại các cơ sở sản xuất kinh doanh chè trong vùng chỉ dẫn địa lí “Tân Cương” và nhiều hộ kinh doanh chè tại các địa phương khác như Phổ Yên, Đồng Hỷ và Đại Từ. Qua kiểm tra cho thấy, một số cơ sở tại các địa phương nằm ngoài vùng chỉ dẫn địa lí "Tân Cương" vẫn sử dụng các dấu hiệu có liên quan đến dẫn địa lí “Tân Cương” như sử dụng chữ “Tân Cương” trên biển hiệu quầy hàng, trên bao bì sản phẩm chè...
Việc nâng cao năng lực quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lí “Tân Cương” sẽ đảm bảo quyền sử dụng hợp pháp thương hiệu “Chè Tân Cương” cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chè; ngăn chặn hành vi sử dụng trái phép thương hiệu “Chè Tân Cương”; đảm bảo sản phẩm mang thương hiệu “Chè Tân Cương” đáp ứng các tiêu chuẩn quy định về xuất xứ, chất lượng nhằm duy trì danh tiếng và nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Vùng chè đặc sản Tân Cương, Thái Nguyên, có diện tích 1.600 ha với khoảng 50 hợp tác xã kiểu mới, cơ sở sản xuất chè có thương hiệu hoạt động. Tại đây cũng đã hình thành một số sản phẩm du lịch hấp dẫn với Không gian văn hóa trà Tân Cương, những đồi chè san sát, ngày càng hấp dẫn du khách đến tìm hiểu và trải nghiệm.
Thu Hằng
TTXVN