Tây Ninh chuyển đổi cây trồng phù hợp theo từng vùng

Tây Ninh chuyển đổi cây trồng phù hợp theo từng vùng
Nông dân nuôi bò siêu thịt, đạt lợi nhuận cao. Ảnh: Lê Đức Hoảnh - TTXVN
Nông dân nuôi bò siêu thịt, đạt lợi nhuận cao. Ảnh: Lê Đức Hoảnh - TTXVN
Ông Phan Trí Tuệ, phường 3, thành phố Tây Ninh có hơn 50 ha đất trồng các loại cây trồng như mía, sắn cho biết, việc phát triển cơ sở hạ tầng tưới, tiêu trong sản xuất nông nghiệp là quan trọng. Bởi đây là cơ sở quyết định định hướng phát triển cây trồng của tỉnh, cũng như hướng người dân trồng các loại cây phù hợp thổ nhưỡng từng vùng. Từ đầu năm 2018 đến nay, Tây Ninh đầu tư, nâng cấp nhiều nhánh kênh thủy lợi quan trọng với số vốn gần 1.500 tỷ đồng từ nguồn vốn trung ương và địa phương. Theo đó, dự án sửa chữa, nâng cấp kênh Tây, thuộc hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng với tổng mức đầu tư của dự án là 400 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý. Mục tiêu của dự án nhằm nâng năng lực tưới, tiêu; giảm ô nhiễm nguồn nước phục vụ  sản xuất công nghiệp, sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn 4 huyện phía Bắc của tỉnh Tây Ninh là Tân Biên, Dương Minh Châu, Châu Thành và thành phố Tây Ninh. Dự án dự kiến sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng vào năm 2021. Anh Lê Hoàng Hải, ấp 5, xã Trà Vong, huyện Tân Biên phấn khởi, gia đình anh trước đây trồng lúa nhưng lượng nước tưới thường xuyên bị thiếu hụt do hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng nhu cầu nước tưới của người dân, nên anh không mặn mà với cây lúa vì sản xuất không hiệu quả. “Sắp tới kênh Tây được nâng cấp, bê tông hóa không còn lo thiếu nước nữa, chắc gia đình tôi và bà con ở đây sẽ tính toán phân chia một năm sản xuất hai vụ sắn và lúa thay vì phải bỏ đất hoang sau khi thu hoạch sắn để tăng thu nhập cho gia đình ước tính được từ 5 - 10 triệu mỗi ha/năm hoặc ít ra cũng có dư được phần lúa để gia đình ăn đủ quanh năm”, anh Hải chia sẻ. Ông Trần Quang Hùng, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa cho biết, dự án sửa chữa, nâng cấp kênh Tây ở thời điểm hiện tại là quan trọng và kịp thời nhằm tạo nguồn phục vụ tưới ổn định cho 21.000 ha, tiêu thoát nước gần 9.000 ha; cấp nước tưới bổ sung cho khu vực huyện biên giới Tân Biên, kết hợp nuôi trồng thủy sản gần 6.500ha; cấp nước công nghiệp, sinh hoạt ổn định cho một số khu vực trong tỉnh Tây Ninh. Đồng thời, dự án làm kênh nhánh tách biệt nguồn nước ô nhiễm từ hệ thống kênh tiêu của thành phố Tây Ninh qua suối Xa Cách đổ vào kênh Tây như hiện nay, góp phần cải tạo cảnh quan môi trường, nâng năng lực quản lý, vận hành, khai thác công trình thủy lợi. Nổi bật nhất là công trình thủy lợi khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông chuyển nước từ hồ Dầu Tiếng sang dài 16,6 km vừa được tỉnh khởi công vào tháng 4/2018, kênh tưới chính dài 29,4 km, kênh cấp 1 dài 71,7 km. Trên các kênh chuyển nước, kênh tưới chính, kênh cấp 1 và một số công trình phụ, phục vụ tưới tiêu cho gần 17.000 ha đất nông nghiệp và cấp nước cho sản xuất công nghiệp, chăn nuôi, sinh hoạt cho người dân thuộc 2 huyện biên giới Châu Thành và Bến Cầu của tỉnh Tây Ninh, với tổng nguồn vốn cho dự án gần 1.000 tỷ đồng. Ông Dương Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, hiện diện tích đất sản xuất nông nghiệp các xã phía Tây thuộc 2 huyện biên giới Châu Thành và Bến Cầu bị chia cắt với hệ thống thủy lợi hồ Dầu Tiếng bởi con sông Vàm Cỏ Đông, vào mùa khô nơi này thường thiếu nước nghiêm trọng. Nguồn nước sử dụng cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt chủ yếu dựa vào sông Vàm Cỏ Đông bằng các trạm bơm không ổn định, chi phí lớn; không đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt đời sống của người dân. Việc đầu tư dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông, đưa nước từ hồ Dầu Tiếng vượt qua sông Vàm Cỏ Đông nhằm cung cấp nước tưới chủ động cho sản xuất nông nghiệp thuộc 2 huyện biên giới khó khăn Châu Thành và Bến Cầu là hết sức cần thiết. Tương lai sẽ biến nơi này thành vùng nông nghiệp trù phú; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng nâng giá trị và phát triển hàng hóa bền vững, cải thiện đời sống người dân vùng nông thôn, biên giới. Ông Trần Quang Hùng, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa cho biết, công trình thủy lợi Dầu Tiếng là hệ thống thủy nông có quy mô lớn nhất nước ta hiện nay. Hồ Dầu Tiếng được khởi công xây dựng từ năm 1981. Năm 1984 bắt đầu tích nước hồ, đến năm 1985 bắt đầu phục vụ sản xuất. Hồ Dầu Tiếng có tổng dung tích 1,580 tỷ m3 nước, diện tích mặt hồ rộng 27.000 ha nằm trên 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Phước và Bình Dương. Hệ thống hồ Dầu Tiếng có 3 kênh chính là kênh chính Đông, kênh chính Tây và kênh Tân Hưng có nhiệm vụ đưa nước về điều phối cho trên 1.550 km các tuyến kênh nhánh tại các địa phương.
Phạm Thanh Tân

Có thể bạn quan tâm